Tháng Nhân đạo” năm 2020 có chủ đề “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng" được tổ chức từ ngày 1 - 31/5, trong đó có 2 tuần cao điểm từ ngày 8/5 (Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) đến ngày 19/5 (Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Các hoạt động chủ yếu được thực hiện trong tháng là: triển khai trong toàn quốc mô hình "Chợ nhân đạo"; hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn; tuyên truyền trong cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; vận động hiến máu nhân đạo, hiến tặng mô, tạng; vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, đối tác hỗ trợ cho cộng đồng, người dân phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế ở các bệnh viện, khu cách ly, hỗ trợ người dân khó khăn, đặc biệt là bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện… trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội.
Một gian hàng tại "Chợ nhân đạo" do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức .
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành Hội, trong “Tháng nhân đạo” 2020, các cấp Hội đã tổ chức 350 phiên chợ nhân đạo tại 59 tỉnh/thành phố, cấp 110.000 phiếu mua hàng miễn phí với tổng kinh phí huy động hơn 35 tỷ đồng; xây dựng 734 nhà Chữ thập đỏ, 344 công trình nhân đạo (trường học, công trình nước sạch, đường giao thông, cầu dân sinh…) với tổng giá trị hơn 84 tỷ đồng; tổ chức 10.806 buổi truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho 1.892.689 lượt người; cấp phát 87.900 tờ rơi phòng chống dịch bệnh COVID-19, hơn 4 triệu khẩu trang và hơn 646 nghìn bánh/chai xà phòng rửa tay và dung dịch sát khuẩn cho người dân ở các địa phương; hỗ trợ 6.540 bộ quần áo chống dịch và hỗ trợ kinh phí trực tiếp hơn 10 tỷ đồng cho các bệnh viện, đơn vị tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; vận động được 104.160 đơn vị máu; các hoạt động hỗ trợ khác (gắn địa chỉ nhân đạo, tặng quà, học bổng, sinh kế, phòng chống COVID-19…) đã trợ giúp gần 260 nghìn lượt người với trị giá trên 180 tỷ đồng.
Theo báo cáo chưa đầy đủ, tính đến 31/5/2020 đã có hơn 562 nghìn lượt người được hỗ trợ, với tổng giá trị đạt trên 434 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quốc Hùng, nét nổi bật của “Tháng nhân đạo” năm 2020 là: Tính linh hoạt, sáng tạo, kịp thời trong đổi mới phương thức triển khai các hoạt động trợ giúp nhân đạo để phù hợp với điều kiện mới; mô hình vận động nguồn lực mới từ “Chợ nhân đạo” đã khẳng định vai trò nòng cốt của Hội trong việc kết nối các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhân đạo trong cộng đồng, thể hiện tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác tổ chức và tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, được các cấp ủy Đảng, chính quyền ủng hộ và tham gia chỉ đạo thực hiện. Đối tượng được hỗ trợ không chỉ tập trung vào nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương (người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em và người già không nơi nương tựa, nạn nhân thiên tai, thảm họa) mà còn hướng đến các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với các hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ thu mua nông sản của người nông dân không tiêu thụ được sản phẩm để cung cấp cho người nghèo, hỗ trợ khẩn cấp trực tiếp bằng tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho những người bị mất thu nhập; hỗ trợ ngư dân vùng biển đảo, công nhân các khu công nghiệp, bộ đội biên phòng, bác sĩ, tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch…
Năm 2020 là năm thứ 3 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thí điểm tổ chức “Tháng nhân đạo”, đồng thời cũng là năm thứ 3, toàn Hội thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới. Những kết quả đạt được của “Tháng nhân đạo” 2020 đã khẳng định vai trò, sứ mệnh nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam góp phần cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh; thể hiện rõ vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.