Tính đến ngày 26/9, Quảng Bình ghi nhận hơn 40.000 ca đau mắt đỏ. Các trường hợp mắc bệnh tập trung nhiều ở các huyện như Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn.
Theo ghi nhận, phần lớn các ca mắc dịch đau mắt đỏ xuất hiện nhiều trong trường học. Bởi đây là khoảng thời gian học sinh đến trường, giao mùa tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn, virus phát triển.
Theo BS. Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan và bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn. Bất cứ ai cũng có thể mắc đau mắt đỏ và mỗi người cũng có thể bị viêm kết mạc nhiều lần. Trẻ em là đối tượng dễ mắc đau mắt đỏ nhất vì trẻ hay có thói quen dụi mắt, nên khi trẻ tiếp xúc hay chơi chung với trẻ bị đau mắt đỏ thì khả năng lây nhiễm rất cao và đặc biệt trường học là môi trường rất dễ khiến bệnh lây lan.
Nhằm hạn chế tình trạng lây lan bệnh, nhiều trường học có những cách làm hay để tuyên truyền. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nhân viên Y tế Trường Tiểu học Đức Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết, để việc tuyên truyền trực quan sinh động, chị cùng giáo viên đã thực hiện các video đê trình chiếu.
"Chúng tôi làm một số video tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ chiếu vào đầu buổi học. Hình ảnh trực quan, sinh động khiến các con nhớ hơn và tự giác trong việc phòng bệnh", chị Hiền cho biết.
Trước tình trạng nhiều học sinh phải nghỉ học để điều trị bệnh đau mắt đỏ, nhiều trường học tại Quảng Bình có những biện pháp nhằm đảm bảo lượng kiến thức cho học sinh.
Cô Đinh Thị Thúy Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thủy, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, số lượng học sinh của trường bị đau mắt đỏ không quá nhiều. Từ trước đó, công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ được phổ biến đến tận từng lớp học. Nhà trường cung cấp một số loại nước khử khuẩn, khăn lau, nước sạch để học sinh sử dụng.
Với việc một số học sinh phải nghỉ học để điều trị đau mắt đỏ, nhà trường vận động giáo viên phối hợp với phụ huynh sử dụng internet để bổ túc kiến thức cho học sinh. Với những bài học phức tạp, giáo viên quay video tiết học và gửi vào các nhóm chat của phụ huynh để học sinh tiếp cận.
"Ngoài việc nhà trường vận động, các giáo viên cũng nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt ở các cháu lớp 1, phụ huynh sẽ rất khó hướng dẫn con học và nếu học muộn các cháu rất khó bắt kịp bạn nên thầy cô vất vả hơn. Các lớp khác, giáo viên thường gửi câu hỏi để trò ôn bài cũ rồi khi trò đi học sẽ tận dụng thời gian ra chơi để hướng dẫn học bài mới", cô Hà cho biết.
Thầy Nguyễn Tân Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, trường ghi nhận 61 trường hợp đau mắt đỏ trên tổng số 365 học sinh. Để hạn chế dịch lây lan, nhà trường thực hiện sát sao công tác tuyên truyền và thực hiện chống dịch. Khi phát hiện học sinh bị đau mắt đỏ nhà trường thông báo phụ huynh để học sinh nghỉ học điều trị.
Quá trình học sinh nghỉ học, giáo viên nhà trường được vận động để lược nội dung học tập quan trọng và tiếp cận học sinh bằng internet. Việc ôn tập, giảng dạy qua mạng giúp học sinh giảm tối đa việc chậm kiến thức so với các bạn.
"Cũng như thời điểm dịch COVID-19, giáo viên lược những nội dung chính rồi gửi vào các nhóm chat của phụ huynh. Với một số bài khó, giáo viên sẽ mở lớp online để hướng dẫn học trò học tập. Tuy giáo viên vất vả nhưng sẽ bớt phần nào khó khăn cho học sinh khi phải "học đuổi" các bạn", thầy Thành chia sẻ.
Đau Mắt Đỏ Tăng, Bộ Y Tế Yêu Cầu Giám Sát, Phát Hiện Sớm Ổ Dịch, Không Để Thiếu Thuốc | SKĐS