Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong

28-11-2023 09:35 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Mỗi ngày rời khỏi những căn nhà ấm áp trong Khu điều trị phong Ea Na, mọi u buồn, mặc cảm... được xóa bỏ. Một trong những người tiên phong làm nên điều kỳ diệu ấy là bác sĩ Trần Sỹ Tố.

Trái tim ấm nóng xoa dịu cơn đau

Một sớm đầu đông năm 2023, băng qua nhiều quãng đường bụi đỏ, chúng tôi đến Khu điều trị phong Ea Na (buôn Tuôr A, xã Dray Sáp, Krông Ana, Đắk Lắk). Buôn làng yên bình nằm dưới những tán cây xanh thẫm, từ đầu buôn đã rộn ràng tiếng nói cười của người già, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ.

Khi được hỏi thăm về bác sĩ Trần Sỹ Tố (Khu điều trị phong Ea Na), dường như tất cả cùng đồng thanh "cái bụng ông ấy tốt lắm..."

Tận tình dẫn chúng tôi vào Khu điều trị phong Ea Na, anh Y Thiên (một người dân địa phương) thổ lộ thêm: "Buôn trên, làng dưới ở chốn vùng sâu này đều quý mến bác sĩ Tố. Hiếm có ai bám trụ suốt mấy chục năm ở mảnh đất này để chăm sóc, chữa trị cho những bệnh nhân bị rụng ngón tay, ngón chân... do bệnh phong như ông".

Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong- Ảnh 1.

Hơn 30 năm qua, làm việc xong, bác sĩ Tố ít khi về nhà mà mỗi tháng ngủ lại Khu điều trị phong Ea Na khoảng 16 đêm để tiện cho việc chăm sóc bệnh nhân.

Tạm nghỉ tay sau một buổi cật lực chăm sóc bệnh nhân phong, bác sĩ Trần Sỹ Tố tâm tình: "Từ nhỏ, tôi đã có khát vọng trở thành thầy thuốc để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho những người dân, nhất là ở nơi gian khó. Sau nhiều năm làm y sĩ ở chiến trường Camphuchia, năm 1990, tôi tình nguyện về Khu điều trị phong Ea Na (thuộc Trung tâm Da liễu Đắk Lắk) gắn bó cho đến nay".

Những ngày đầu về Khu điều trị phong Ea Na, bác sĩ Trần Sỹ Tố cùng các đồng nghiệp của mình phải đối diện với muôn vàn khó khăn.

Đa số bệnh nhân phong ngày ấy còn bị kỳ thị. Thậm chí, mỗi khi có người không may bị "thần chết" kéo đi, dân làng lại xì xào rằng "con ma" ấy sẽ mang nhiều xui xẻo, sẽ về truyền bệnh. Đây là căn bệnh không bao giờ hết lở loét. Nhiều bệnh nhân phong chán nản muốn phó mặc cho số phận, không thiết chữa trị. Có bệnh nhân dẫu chân tay đang bị thương nhưng cứ thấy người lạ là chạy hút vào rừng sâu như thể những nơi cô quạnh, hẻo lánh nhất mới là thế giới của họ.

Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong- Ảnh 2.

Sau khi điều trị vết lở loét trên tay cho bệnh nhân Tloh, bác sĩ Tố còn mai mối, tổ chức đám cưới cho ông với bà H'Chíp.

Bằng tất cả kiến thức y học và trái tim tràn căng nhiệt huyết, yêu thương, bác sĩ Tố nắm tay từng người, chỉ vào tim mình, cam kết: "Tôi đến đây là để chữa lành những vết thương cho người bị bệnh phong. Đó là căn bệnh, cần được chăm sóc, theo năm tháng vết thương sẽ khỏi dần".

Nhà cách nơi làm việc không xa nhưng để tiết kiệm thời gian, bác sĩ Tố mua chiếc giường cũ đặt trong Khu điều trị phong Ea Na, khi nào mệt quá thì ngả lưng cho đỡ mỏi rồi lại dậy đi chữa trị cho bệnh nhân.

Nhớ về những ngày gian khó, bác sĩ Trần Sỹ Tố bộc bạch: "Hồi đó, trại phong này có đến 400 bệnh nhân, tôi phụ trách điều trị chính. Ai cũng mặc cảm ghê gớm lắm. Khi bệnh nặng, chuyển đi đâu họ cũng nhất quyết không đi. Thế nên, riêng bản thân tôi có ngày phải thăm khám, băng bó cho 100 lượt bệnh nhân. Triền miên túc trực trong phòng bệnh".

"Hơn 10 năm chúng tôi làm việc dưới ánh đèn dầu. Để không xảy ra sự cố, tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian một cách khoa học là ban ngày thì tiểu phẫu vết thương, ban đêm thì cho uống thuốc, vỗ về người bệnh. Vì ban ngày có ánh sáng đầy đủ, thuận tiện cho việc phẫu thuật hơn. Tuy nhiên, có những bất thường giữa đêm khuya thì cũng phải dốc hết sức để xử lý" - bác sĩ Trần Sỹ Tố nhớ lại.

Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong- Ảnh 3.

Ngoài việc điều trị, bác sĩ Tố còn trực tiếp kiểm tra suất ăn và phát cho bệnh nhân.

Ngày mới về Khu điều trị phong Ea Na, bác sĩ Tố được giao phụ trách chính công tác điều trị, mỗi đêm trước khi đi ngủ, cửa sổ phòng ông luôn mở ra và ông dặn bệnh nhân, có bất cứ việc gì cứ gọi. Đừng thấy ông quá mệt mà ngại, hãy xem ông người thân trong nhà.

Nhớ như in về một ca bệnh đặc biệt, bác sĩ Tố trải lòng: "Đó là ca bệnh gay cấn nhất với chúng tôi. Bệnh nhân bị dị ứng, biến chứng, phải truyền đến 178 chai dịch truyền... Trước khi trôi vào mê man, bệnh nhân còn nắm tay thầy thuốc như muốn nói lời từ biệt cuối cùng. Nhưng rồi, bệnh nhân ấy đã được hồi sinh. Từ đó, người dân vùng sâu này cùng với tất cả bệnh nhân phong ở đây đã vững tin vào sự tiến bộ của y học. Trong bộn bề gian khó nhưng chúng tôi cũng có một thuận lợi là ngành y tế đã luôn đồng hành, cần bao nhiêu thuốc men, dịch truyền... đều được cung ứng hết".

Lo chuyện hiếu, hỷ cho bệnh nhân

Phát cơm xong, bác sĩ Tố dẫn chúng tôi đến thăm nơi ở của một số bệnh nhân phong. Gia đình ông Y TLóh cố vẫy bác sĩ Tố và khách vào nhà để khoe việc vợ chồng ông đã thuộc nhiều biện pháp phòng các bệnh thông thường hay xuất hiện vào mùa đông, mùa xuân mà bác sĩ Tố đã căn dặn.

Chìa đôi tay đã bị mất nhiều đốt, hiện đã được chữa lành, ông Y TLót rưng rưng: "Nếu không có bác sĩ Tố, cuộc đời chúng tôi không biết sẽ ra sao. Không chỉ chữa vết thương mà bác sĩ còn tạo dựng cho tôi một gia đình, một hạnh phúc mà tưởng chừng như chẳng bao giờ có được.

Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong- Ảnh 4.

Bà Hứ Ênuôl (giữa ảnh) cho biết, ai cũng thương bác sĩ Tố như người nhà.

Khi tôi chìm trong đau đớn của bệnh tật, lại có một mình nên rất tủi phận. Tôi chỉ dám ước giá như mình có được một người vợ ở bên. Bác sĩ Tố đã cầm tay tôi và bà H'Chíp cùng lời nhắn nhủ "hãy nương tựa vào nhau, tìm hiểu, yêu thương nhau. Hai thân thể bị tật vì bệnh phong, cùng sát cánh, chung sức tạo niềm vui cho nhau nhé. Hạnh phúc quá lớn lao và bất ngờ với cả tôi và bà Chíp là sau đó đích thân bác sĩ Tố lo chạy đôn đáo khắp nơi để đứng ra tổ chức một đám cưới trọn vẹn cho chúng tôi".

Tiếp thêm vào câu chuyện của chồng mình, bà Chíp tự tin: "Có vợ, có chồng nên cái gì cũng vui. Ở đây, bác sĩ Tố không chỉ chữa bệnh giỏi mà còn mát tay trong việc se duyên cho bệnh nhân phong. Vậy nên chúng tôi đã xem bác sĩ là người yêu thương của các gia đình từ lâu lắm rồi".

Bao đổi thay kỳ diệu đã đến, hiện hữu ở nơi này như một hành trình của san sẻ, yêu thương.

Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong- Ảnh 5.

Vợ chồng bà H'Chíp hạnh phúc khi được bác sĩ Tố chữa bệnh và tổ chức đám cưới cho hai người.

Nhìn những căn nhà ấm cúng của bệnh nhân phong, bác sĩ Trần Sỹ Tố bảo rằng không nhớ rõ đã mai mối được cho bao nhiêu cặp bệnh nhân phong. Chỉ biết rằng, không có gia đình nào lục đục cả. Sức mạnh tinh thần của họ được nhân đôi khi tật nguyền mà vẫn có vợ, có chồng bình thường.

"Nâng đỡ từng cơ thể, ăn bên họ, ở bên họ, tôi hiểu trong tâm khảm họ cũng khắc khoải một nỗi nhớ quê. Nhất là những bệnh nhân ở vào thời điểm "gần đất xa trời" luôn run rẩy kiếm tìm về nơi họ sinh ra... Vậy nên, tôi càng phải bên họ để an ủi, giúp họ có tâm thế thoải mái nhất trước lúc vĩnh viễn ra đi. Bản thân tôi đã trực tiếp lo hậu sự, an táng cho gần 100 bệnh nhân phong", bác sĩ Tố chia sẻ.

Lo chôn cất cho bệnh nhân xong, bác sĩ Tố còn thường xuyên nhang khói, khẩn cầu những điều tốt đẹp nhất đến với họ ở một thế giới khác.

Như người anh, người thầy đặc biệt

Theo thời gian, một số bệnh nhân phong đã mất, đến cuối tháng 10/2023, Khu điều trị phong Ea Na còn 50 bệnh nhân, trong đó có 28 bệnh nhân điều trị nội trú, còn lại điều trị ngoại trú.

Nhưng theo bác sĩ Trần Sỹ Tố, số bệnh nhân ngoại trú cũng vào Khu điều trị phong Ea Na hàng ngày để được chăm sóc, thăm khám. Và khi bệnh nặng tất cả đều vào điều trị nội trú cho đến khi mất.

Ở Khu điều trị phong Ea Na, bác sĩ Tố còn như một người thầy, người anh đặc biệt của các nhân viên y tế trẻ.

Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong- Ảnh 6.

Hàng ngày, bác sĩ Tố vẫn miệt mài đến an ủi, chăm sóc từng bệnh nhân phong.

Điều dưỡng H'Rít kể: "Cúng tôi còn yếu chuyên môn chỗ nào là anh Tố chỉ dạy chỗ đó. Kể cả thái độ ứng xử với bệnh nhân phong được anh huấn luyện một cách kỹ càng. Xuyên suốt qua bao nhiều năm, anh luôn tận tâm với người bệnh và các thế hệ trẻ như chúng tôi, anh căn dặn phải đặt mình vào vị trí của người bệnh để hiểu những đớn đau, mặc cảm của họ. Để từ đó có cách chữa trị, chăm sóc cho thật tốt, đừng bao giờ làm tổn thương họ. Khi lớp trẻ chúng tôi có việc gia đình đột xuất, anh Tố còn làm thay mọi công việc".

Thương bác sĩ Tố, có bệnh nhân phong sau khi được ông điều trị cho lành lặn đã tình nguyện ở lại giúp đỡ cho những người đồng cảnh ngộ. Tiêu biểu như anh Huỳnh Thanh Phong.

Thấy rõ những cống hiến, hy sinh lặng thầm của bác sĩ Tố, nhiều lần cấp trên muốn điều động ông về thành phố. Thậm chí, có cơ sở y tế tư nhân còn sẵn sàng trả lương hậu hĩnh mời ông về làm việc.

Biết thông tin này, bệnh nhân phong cùng các nhân viên y tế trẻ ở Khu điều trị phong Ea Na đã đến với ánh mắt đầy nỗi niềm, thốt lên: "Bác sĩ Tố ơi đừng đi, anh là ruột thịt của các gia đình bệnh nhân phong. Cái bụng, cái tâm của chúng tôi không muốn cho Tố đi đâu cả". Cảm kích trước nghĩa tình này, bác sĩ Tố lại không nỡ ra đi.

Thậm chí, khi Trung tâm Da liễu Đắk Lắk điều động bác sĩ Tố lên TP. Buôn Ma Thuột làm Trưởng phòng Tổ chức của Trung tâm thì ông vẫn kiên quyết đề xuất chỉ làm ở phố thị thứ 2-4-6 còn thứ 3-5-7 phải để anh về Khu điều trị phong Ea Na để ăn ở cùng bệnh nhân phong và chữa trị, chăm sóc cho họ được chu đáo nhất.

Hơn 30 năm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân phong- Ảnh 7.

Vừa chữa bệnh, bác sĩ Tố còn là người xóa đi nỗi buồn của nhiều bệnh nhân phong.

Sau hơn 33 năm cống hiến, đến đầu năm 2024, bác sĩ Trần Sỹ Tố đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước. Nhận thông tin này, không ít bệnh nhân phong hụt hẫng, viết thư đề nghị bác sĩ Tố ở lại.

Bà Hứ Enuôl (bệnh nhân phong) quả quyết: "Bác sĩ Tố đã là người nhà chúng tôi rồi, thương lắm nhưng không cho nghỉ đâu, còn khỏe là phải ở chăm sóc, chia sẻ, động viên và điều trị cho chúng tôi chứ".

Trước những yêu cầu tha thiết của bệnh nhân, bác sĩ Tố cho biết: "Tôi đã nhận được đề nghị của cấp trên là đầu năm 2024 nghỉ chế độ nhưng hãy ký hợp đồng ở lại thêm nhiều năm nữa. Tôi đã đồng ý sẽ ký hợp đồng ở lại và cũng hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm bác sĩ khác về bám trụ với nơi này".

Đánh giá về bác sĩ Tố, ông Hoàng Nguyên Duy (người nhiều năm làm Giám đốc Trung tâm Da liễu Đắk Lắk và vừa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh) cho biết: "Bác sĩ Trần Sỹ Tố là người tận tình gắn bó và chăm sóc bệnh nhân phong suốt một thời gian dài, chuyên môn vững vàng. Ông là người thầy thuốc nhân hậu, được bệnh nhân phong rất mực yêu thương, quý mến, kính trọng".

Người bác sĩ tận tâm xứ trầm hươngNgười bác sĩ tận tâm xứ trầm hương

SKĐS - Ít nói về mình, nặng lòng với nghề y đã chọn, bác sĩ Tôn Thất Toàn (Nha Trang, Khánh Hòa) đã gần 30 năm cần mẫn, hết lòng với công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng.


Hà Văn Đạo- Bùi Huy
Ý kiến của bạn
Tags: