Từ ý chí, duyên nợ tới tài năng
Ông sinh ngày 17/10/1957 trong một gia đình đông con ở một xã miền núi nghèo khó của tỉnh Nghệ An. Thời ấy, cái ăn cái mặc còn túng thiếu huống chi đến chuyện đi học. Tuy nhiên, trong bảy người con, cậu bé Đức tỏ ra là người thông minh, nhanh nhạy hơn cả, thấy con ham học nên cha mẹ không nỡ bắt nghỉ học. Con đường đi tìm cái chữ vô cùng khó khăn, phải vượt đèo, vượt suối, có những hôm trời mưa đường trơn trượt, lầy lội nhưng Đức vẫn không bỏ học ngày nào, kể cả những lúc ốm đau, mệt mỏi. Những năm học cấp 3, trường học xa nhà, Đức phải cuốc bộ 30km tới trường, mỗi tuần được mẹ cho 3kg gạo và một lọ muối vừng để trọ học ở nhà dân nhưng cũng có khi phải dựng lều ngoài đồng để ở, 3 - 4 tuần mới về thăm nhà được 1 lần. Cứ nghĩ hoàn cảnh khó khăn như thế sẽ làm Đức nhanh chóng nản lòng, tuy nhiên, chính trong môi trường đó đã rèn luyện cho ông một ý chí, nghị lực phi thường, càng khó khăn bao nhiêu thì càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều bấy nhiêu, do vậy mà thành tích học tập của Đức ngày nào luôn vượt trội hơn so với các bạn.
PGS.TS. Cao Tiến Đức.
Từ nhỏ Cao Tiến Đức đã ước mơ trở thành bác sĩ, do đó, ông luôn cố gắng học tập để thực hiện ước mơ của mình, nhưng thời điểm đó đất nước còn chiến tranh. Năm 1974, khi đang học lớp 10, ông đành gác lại ước mơ trở thành bác sĩ, xung phong đi bộ đội và trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 22 Quân khu 4 (QK4). Nhưng dường như có duyên nợ với nghề y, trong quân ngũ, nhờ chăm chỉ rèn luyện, ông được cấp trên cử đi học và trở thành học viên của Tiểu đoàn Quân y, Trường Hậu cần QK4. Với kết quả học tập tốt, ông đã được đưa về Sư đoàn 316B làm y tá tại đơn vị C23 - F316B. Tháng 3/1976, về Trường văn hóa QK4 và sau đó thi đỗ đại học tại Học viện Quân y. Sau 6 năm miệt mài học tập, năm 1982, ông tốt nghiệp ra trường và được phân về làm việc tại Bệnh viện Quân Y 103. Và năm 1986, ông bắt đầu tham gia giảng dạy tại Học viện Quân y, từ đó cho đến nay vẫn luôn song hành 2 nhiệm vụ giảng dạy và chữa bệnh.
Thời điểm ông vừa ra trường, các biện pháp cũng như phương tiện hỗ trợ cho bệnh nhân tâm thần ở nước ta còn rất nhiều hạn chế. Công trình nghiên cứu về lý luận và khoa học chưa thành một hệ thống hoàn chỉnh. Đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình trị bệnh, công tác nghiên cứu của ông và đồng nghiệp. Nhưng bản tính ham học hỏi không ngừng đã giúp ông có những sáng tạo để hoàn thành công việc. Ông thi đỗ nghiên cứu sinh và được cử sang Đức học về chuyên khoa Tâm thần. Về nước, ông tiếp tục học tập và nghiên cứu, tháng 1/1995, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học với đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng ở 296 bệnh nhân động kinh”.
Từ năm 1993 đến năm 2010, ông đã chủ biên và viết nhiều bài báo về chuyên ngành tâm thần học. Những kiến thức ông cung cấp trên các tạp chí khoa học đều được lấy từ kinh nghiệm chữa bệnh thực tiễn và quá trình nghiên cứu của ông, qua đó trở thành những tài liệu tham khảo vô cùng quý giá cho những sinh viên y khoa - bác sĩ của ngành tâm thần thế hệ sau.
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Nói về công việc của mình, trong lòng BS. Đức chợt thoáng nỗi buồn, giọng trở nên ngậm ngùi. Ông nói, dưới con mắt của nhiều người khi nhắc đến ngành tâm thần có cái gì đấy giống như coi thường, kỳ thị. Có rất ít người tình nguyện vào ngành, do vậy mà ngành tâm thần luôn thiếu bác sĩ. Nhiều gia đình có người thân mắc bệnh thường che giấu hoặc có đưa đi khám nhưng đều tránh khoa tâm thần. Một số người khi thấy người thân bị tâm thần còn có cách làm trái khoa học, thậm chí là mê tín dị đoan như đi lễ bái, cúng vái, hầu đồng...; nặng nề hơn nữa là đánh đập người bệnh… PGS.TS. Cao Tiến Đức cũng bày tỏ, nhiều khi chẩn đoán bệnh nhân bị tâm thần, người nhà không cảm ơn mà còn chửi rủa bác sĩ… khiến thầy thuốc nhiều lúc cũng nản lòng. Đặc thù của bệnh nhân tâm thần là không kiểm soát được ý thức và hành vi, bệnh nhân không cần bác sĩ, không hợp tác với bác sĩ để chữa bệnh, nhiều khi lên cơn kích động là tấn công cả thầy thuốc và BS. Đức cũng không ngoại lệ. Ông kể, có lần đang thăm khám, bệnh nhân đột ngột đấm thẳng vào mặt, “đau lắm nhưng vẫn phải mỉm cười tiếp tục công việc”, BS. Đức chia sẻ. Những lần bị “ăn đòn” ấy không khiến ông buồn mà trái lại, ông lại xem đó như một kinh nghiệm để lần sau có thêm phương pháp ứng phó, chữa trị... cho người bệnh.
BS. Cao Tiến Đức thăm khám, trò chuyện với bệnh nhân.
Lúc mới vào nghề, BS. Đức được phân công vào Khoa Tâm thần của Bệnh viện Quân y 103. Lương bác sĩ trẻ vừa ra trường vô cùng thấp, phải dành dụm cả năm mới đủ tiền về thăm gia đình một lần, tài liệu về bộ môn tâm thần rất hạn chế, cộng với xã hội lúc bấy giờ không có cái nhìn thiện cảm với ngành tâm thần khiến ông nhiều khi nản lòng. Trong khoa lại luôn thiếu bác sĩ, việc thức đêm trực cùng đồng nghiệp diễn ra thường xuyên… Tuy nhiên, bằng lòng yêu nghề, sự động viên của đồng nghiệp, ông không bỏ cuộc và đi tới những hành trình đáng nhớ, đầy ắp kỷ niệm trong bao nhiêu năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Ông tâm niệm mỗi bệnh nhân là một thực thể khác nhau, mắc những triệu chứng khác nhau, chữa bệnh cho bệnh nhân cũng là tự biết trình độ của bản thân đến đâu và cũng là để tích lũy thêm kinh nghiệm và phương pháp chữa bệnh. Ông cũng tự học tiếng Anh, học phụ đạo ở ngoài để có thể tìm hiểu thêm các tài liệu y khoa của nước ngoài.
Hơn 30 năm làm nghề ông không nhớ rõ mình đã chữa khỏi cho bao nhiêu người, nhưng kỷ niệm trong nghề thì ông chưa bao giờ ngơi quên. Ông chia sẻ, có một ca bệnh mà ông dành nhiều công sức và tâm huyết nhất - đó là bệnh nhân ở phố Thành Công (Hà Nội) mắc chứng sợ ánh sáng, sợ gió, sợ nước... Mùa hè, trời nắng ngột ngạt nhưng lúc nào bệnh nhân này cũng mặc 4 - 5 bộ quần áo nỉ dày cộm, cả năm không tắm, không đi ra ngoài, cứ ở trong phòng dán giấy kín mít, gia đình đã cầu cứu nhiều nơi nhưng không khỏi. Với tấm lòng của một người bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân, qua thăm hỏi bệnh sử và đến nhà nhìn thấy tình trạng của bệnh nhân, trong lòng người thầy thuốc già trào dâng niềm thương cảm sâu sắc. Ông nghiên cứu thêm nhiều tài liệu, dốc hết những kiến thức, kinh nghiệm bao nhiêu năm trong nghề tìm tòi phương pháp thích hợp chữa trị cho bệnh nhân. Và qua nhiều tháng kiên trì đến nhà bệnh nhân chữa trị, dần dần, bệnh nhân đã cởi bỏ bớt đồ, nhưng vẫn sợ tắm, mỗi lần đến thăm khám ông luôn phải động viên “anh cứ tắm đi, hễ bất cứ vấn đề gì cứ gọi điện là em sẽ có mặt ngay”. Nhờ vào sự kiên trì, nỗ lực của BS. Đức, bệnh nhân đã đi tắm, không còn sợ nước nữa và cứ như thế hơn 1 năm sau đã có thể ra ngoài trời và đến bây giờ thì đã phục hồi hoàn toàn.
Trong quá trình chữa trị, cũng đã có đôi lần ông phải đưa ra những quyết định khó khăn, có thể sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp, đến cả quá trình phấn đấu của mình. Ông nhớ lại, đó là lần chữa trị cho một bệnh nhân ở Thanh Hóa, cháu bé là con của một phụ nữ góa chồng bị tâm thần phân liệt, không ăn uống được, người chỉ còn da bọc xương, gia đình đã đi chữa nhiều nơi nhưng đều bị trả về vì tình trạng bệnh đã quá nặng. Khi nhìn thấy bệnh nhân còn quá trẻ, tương lai đang còn rộng dài phía trước, ông không khỏi xót xa, trăn trở. Trong trường hợp này, biện pháp chữa trị duy nhất là sốc điện, nhưng biện pháp này lại có chống chỉ định không sử dụng cho người có sức khỏe quá yếu, nếu áp dụng không thành công (làm sai chỉ dẫn của y học) thì có thể ảnh hưởng đến uy tín và sự nghiệp của ông. Sau nhiều lần cân nhắc và bàn bạc với gia đình bệnh nhân, ông vẫn quyết định sử dụng phương pháp sốc điện và qua vài lần sốc điện, điều kỳ diệu đã đến, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, ăn được rồi dần bình phục từng ngày trong niềm vui sướng của người mẹ góa bụa. Hiện nay, bệnh nhi của BS. Đức ngày nào đã lập gia đình, có con cái khỏe mạnh.
Hơn 30 năm đã trôi qua, đã có biết bao nhiêu bệnh nhân tâm thần được chính tay ông chăm sóc, chữa trị, biết bao nhiêu người đã khỏi bệnh và trở về hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng, làm những việc có ích cho xã hội.
Tâm sự về người bác sĩ tài đức, đáng mến này, một bệnh nhân đã được BS. Đức chữa khỏi cho biết: “Đã mấy chục năm rồi, nhưng tôi vẫn không quên được những ngày được BS. Đức chữa trị, ngày nào cũng vậy, cứ hết giờ làm việc trên viện, tối đến là ông đạp xe đến nhà chữa trị cho tôi, vừa học vừa trông dịch truyền. Ông chữa bệnh bằng cái tâm của người thầy thuốc, vô tư, hết lòng, hết sức vì người bệnh”.
Vẫn hết mình cho ngành tâm thần học
Một bệnh nhân (xin giấu tên) từng được ông trực tiếp điều trị tâm sự với chúng tôi: “Bây giờ, bác sĩ tài giỏi thì nhiều, nhưng tìm được một bác sĩ tâm huyết với nghề, hết lòng vì bệnh nhân tâm thần như ông Đức không nhiều lắm. BS. Đức không chỉ là người đem lại cuộc sống mới cho tôi mà còn là một người bạn để chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống”.
Không chỉ tận tụy với nghề, BS. Đức còn được biết đến là một người thầy hết lòng vì học trò khi đứng trên bục giảng. Trong cương vị người thầy, ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò vừa có tài vừa có đức, bổ sung thêm nhiều nhân lực cho ngành tâm thần luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ. Ông luôn nhắc nhở sinh viên không chỉ phải giỏi về kiến thức, chuyên môn mà còn phải có cái tâm với nghề, phải thấu hiểu, cảm thông với bệnh nhân, khi chữa trị phải hết sức thận trọng vì chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể lấy đi sinh mạng của con người.
Ngoài thời gian thăm khám, chữa trị và lên lớp, hầu hết thời gian còn lại ông dành để nghiên cứu tài liệu tích lũy thêm nhiều kiến thức.Bản thân ông vẫn tham gia viết sách, viết giáo trình nhằm đổi mới bài giảng và phương pháp giảng dạy, tuyên truyền sức khỏe tâm thần cho cộng đồng.
Với sự cố gắng, nỗ lực và cả tài năng, BS. Đức đã được các đồng nghiệp tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Chống động kinh Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Tâm thần học Việt Nam. Từ năm 2002, ông là chuyên viên kỹ thuật chuyên ngành tâm thần của Cục Quân y, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám định sức khỏe tâm thần Bộ Quốc phòng. Với cương vị công tác của mình, ông đã hết sức cố gắng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho các quân nhân mắc bệnh tâm thần. Mặt khác, ông cũng tích cực cùng hội đồng giám định sức khỏe tâm thần cho quân nhân, làm cơ sở giải quyết chính sách cho quân nhân, góp phần tăng cường sức khỏe tâm thần cho cán bộ và chiến sĩ quân đội.
Ghi nhận những thành quả, sự đóng góp của ông cho ngành y nói chung, Bộ môn Tâm thần học nói riêng, năm 2005, Nhà nước phong tặng BS. Cao Tiến Đức danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và đồng thời công nhận học hàm Phó Giáo sư. Đến nay, PGS.TS. Cao Tiến Đức vẫn hết lòng chữa trị cho bệnh nhân, không ngừng học hỏi, nghiên cứu để nâng cao chuyên môn, vừa chữa bệnh cho bệnh nhân, vừa đứng lớp để cho ra đời những trái ngọt - các thầy thuốc chuyên ngành Tâm thần học.