Ngày 22/7, BS.CKII Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin về kết quả thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2025-2026.
Theo đó, nhằm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị và đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" của Bộ Y tế, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Sở Y tế TPHCM đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn.
Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo thực hiện cuộc vận động thông qua công tác đấu thầu thuốc trên địa bàn, giám sát thực hiện đề án kê đơn và ưu tiên kê đơn thuốc sản xuất trong nước.
Từ 01/4- 30/6/2025, Sở Y tế TPHCM đã triển khai đến phòng y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, các doanh nghiệp dược, các cơ sở khám, chữa bệnh về việc triển khai, tham gia kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2025-2026.

Hiện TPHCM có 2.711 điểm bán thuốc bình ổn bao gồm nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức cuộc họp với phòng y tế và các doanh nghiệp tham gia bình ổn để xác định trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị trong công tác triển khai chương trình bình ổn.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa cuộc vận động, nâng cao nhận thức sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
Thông tin về chương trình bình ổn thuốc được cập nhật trên cổng thông tin điện tử ngành y tế, thông báo rộng rãi danh mục, giá bán để người dân dễ tiếp cận. Công tác truyền thông có chuyển biến tích cực, các phòng y tế đã triển khai đầy đủ đến nhà thuốc, khuyến khích mở rộng mạng lưới tham gia chương trình.
Sở Y tế TPHCM phối hợp các sở, ngành và địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường thuốc với sự tham gia của doanh nghiệp dược. Phối hợp Sở Công Thương triển khai chương trình, cùng Sở Tài chính thẩm định giá bán lẻ, đảm bảo thấp hơn thị trường. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị nguồn thuốc, chỉ đạo kiểm tra các điểm bán, giám sát việc thực hiện cam kết bình ổn. Công tác truyền thông được lồng ghép trong kiểm tra nhà thuốc, hướng dẫn tham gia, treo bảng giá, băng rôn và biểu trưng để người dân dễ nhận biết.
Kết quả, trong chương trình bình ổn thị trường thuốc năm 2025–2026, TPHCM đã có 8 doanh nghiệp đăng ký tham gia với tổng cộng 290 mặt hàng thuộc 20 nhóm thuốc sản xuất trong nước.
Tất cả các mặt hàng trong chương trình đều bảo đảm chất lượng, gồm các loại thuốc điều trị bệnh thường gặp, bệnh mạn tính và có nhu cầu sử dụng cao, được xây dựng dựa trên nhu cầu thiết yếu của người dân TPHCM. Các nhóm thuốc chủ yếu bao gồm: Thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm (như Paracetamol, Meloxicam), thuốc trị ho, long đàm (Acetylcystein, Bromhexin), thuốc chống dị ứng (Chlorpheniramin, Fexofenadin), thuốc chống loét dạ dày, tá tràng (Omeprazole, Simethicon), và thuốc tim mạch (Atenolol, Methyldopa).
Hiện TPHCM có 2.711 điểm bán thuốc bình ổn bao gồm nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc của các doanh nghiệp.
Lượng thuốc cung ứng ra thị trường đã đáp ứng được nhu cầu dùng thuốc của người dân, người dân có nhiều hơn sự lựa chọn thuốc trong điều trị bệnh. Doanh số bán thuốc bình ổn từ 01/4 - 30/6/2025 là 6,8 tỷ đồng, tăng 101,09% so với doanh số cùng kỳ năm trước.
Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trong Quý III năm 2025. Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và thuyết phục các đơn vị phối hợp thực hiện hiệu quả chương trình; nhắc nhở đội ngũ bác sĩ ưu tiên kê đơn thuốc sản xuất trong nước và thuốc thuộc danh mục bình ổn cho bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú.
Đồng thời, phối hợp với UBND các phường, xã, đặc khu đẩy mạnh truyền thông, mở rộng điểm bán thuốc nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Công tác giám sát việc thực hiện chương trình cũng sẽ được siết chặt, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về hàng hóa, giá cả, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu phát hiện.