Hà Nội

Hơn 236.700 ca mắc, 98 ca tử vong do sốt xuất huyết, 'chìa khoá' để nhận biết bệnh, điều trị kịp thời

05-10-2022 07:04 | Y tế

SKĐS - Cả nước hiện đã ghi nhận 236.730 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 98 ca tử vong. TP HCM áp dụng việc phân tầng trong điều trị sốt xuất huyết còn tại Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tuần qua ghi nhận 11.118 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 2 trường hợp tử vong. So với tuần trước số mắc giảm 7,3%. Trong đó, số nhập viện so với tuần trước giảm 7%. 

Như vậy tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 236.730 trường hợp mắc, 98 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,6 lần, tử vong tăng 78 trường hợp.

Nơi phân tầng điều trị; Nơi gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Tại TP HCM, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) tối 4/10 cho biết, từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận 62.085 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Hơn 236.700 ca mắc, 98 ca tử vong do sốt xuất huyết, 'chìa khoá' để nhận biết bệnh, điều trị kịp thời - Ảnh 1.

Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM. (Ảnh: Kim Vân)

Hiện nay có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện muộn khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Để hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TP HCM đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 để ứng phó với dịch sốt xuất huyết. Theo đó, Sở Y tế đã có văn bản gửi tới các cở sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 23 - 29/9), trên địa bàn thành phố ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 9,3% so với tuần trước đó). 

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố ghi nhận 4.720 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 465/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành trên địa bàn thành phố là D1 và D2, D4.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký, ban hành Công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.

Công điện nêu rõ, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Tái nhiễm virus dengue có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn

Tại hội thảo "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết dengue vì sức khỏe cộng đồng" do Viện Pasteur TP HCM tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không.

Hơn hết, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần thường xuyên, lâu dài và rất cần sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng và xã hội" – ông Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh.

Hơn 236.700 ca mắc, 98 ca tử vong do sốt xuất huyết, 'chìa khoá' để nhận biết bệnh, điều trị kịp thời - Ảnh 3.

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết và nguyên nhân gây COVID-19 là khác nhau

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) Mặc dù có những triệu chứng khởi phát tương tự nhau, nhưng COVID-19 và sốt xuất huyết là hai loại bệnh hoàn toàn khác nhau. COVID-19 do virus corona (SARS-CoV2) gây ra, còn sốt xuất huyết dengue là do virus sốt xuất huyết gây ra.

Cách lây truyền của hai bệnh cũng hoàn toàn khác nhau. Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua người thông qua vết đốt của muỗi nhiễm virus. Còn COVID-19 lây từ người qua người thông qua tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần hoặc thậm chí gián tiếp, qua các giọt bắn lúc ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện.

"Nhận biết được sự khác biệt là chìa khóa để điều trị kịp thời và hiệu quả cho cả hai loại bệnh"- tài liệu của WHO nhấn mạnh.

Sốt xuất huyết và COVID-19 đều có những triệu chứng giống nhau ở giai đoạn khởi phát của bệnh, ví dụ như sốt, đau đầu, mệt mỏi toàn thân. Nhưng đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, từ nguyên nhân gây bệnh và chủng loại virus.

WHO nhấn mạnh: Nếu bạn có các triệu chứng trên, hãy tư vấn với nhân viên y tế ngay lập tức để đảm bảo bạn được chẩn đoán và điều trị đúng, tránh nguy cơ bệnh trở nặng.

Ngày 4/10: Ca COVID-19 tăng lên 1.020; có 2 bệnh nhân ở Hà Nội và Bến Tre tử vongNgày 4/10: Ca COVID-19 tăng lên 1.020; có 2 bệnh nhân ở Hà Nội và Bến Tre tử vong

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 4/10 của Bộ Y tế cho biết có 1.020 ca mắc mới, tăng hơn 200 ca so với hôm qua. Trong ngày có 805 bệnh nhân khỏi, 2 trường hợp tử vong tại Hà Nội và Bến Tre.

Thái Bình
Ý kiến của bạn