Lễ khai giảng gọn nhẹ
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề là "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương". Đây là năm Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, lễ khai giảng năm học mới được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường, gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước,...; Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.
Tại Thủ đô Hà Nội, hiện có gần 3.000 trường học với gần 2,3 triệu học sinh. Tất cả các nhà trường sẽ đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào sáng nay (5/9) từ 7h30 đến 8h30 với yêu cầu tổ chức gọn nhẹ lấy học sinh là trung tâm; chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, bảo đảm lễ khai giảng thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Đối với cấp mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn các nhà trường tổ chức khai giảng theo hình thức "Ngày hội đến trường của bé" một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ; bảo đảm an toàn sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường trong ngày đầu tiên của năm học mới. Thời lượng tổ chức lễ khai giảng tối đa 60 phút.
Sẽ có nhiều giải pháp quan trọng được triển khai trong năm học mới
Chia sẻ trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau 4 năm triển khai theo từng lớp, cấp học, năm học 2024 - 2025, quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn tất chu trình với lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình GDPT.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD&ĐT bắt tay vào chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được ban hành vào tháng 11/2024, tính ổn định lâu dài của Quy chế thi cũng được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương khi thực hiện.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi rộng để đánh giá, do đó các sở GD&ĐT đã sẵn sàng phương án cho công việc này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.
Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học được Bộ GD&ĐT ban hành từ sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp cuối cùng các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Về giải pháp bảo đảm đội ngũ giáo viên về số lượng, chất lượng, cơ cấu trong năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc, …
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Gửi gắm thông điệp tới đội ngũ giáo viên, các em học sinh, sinh viên trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với giáo dục và đào tạo. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay.
"Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Năm học 2023 - 2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua.
Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Chúc các thầy cô sẽ thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc các em học sinh, sinh viên sẽ có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc.