Bên cạnh đó, tại Việt Nam một nghịch lý đang diễn ra là 90% nguồn tạng ghép lấy từ người cho sống, chỉ có 10% lấy từ người cho chết não. Điều này trái ngược hoàn toàn với thế giới.
Đó là một số nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo: “Hiến ghép tạng và những vấn đề liên quan” do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp cùng Hội chữ thập đỏ Vĩnh Phúc tổ chức ngày 8/7, tại Vĩnh Phúc. Hội thảo thu hút hơn 500 hội viên Hội chữ thập đỏ, người dân và các y, bác sĩ của Sở y tế Vĩnh Phúc, BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tham dự.
Khan hiếm nguồn tạng
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: Trong những năm gần đây, lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ.
Sau hơn 20 năm, đến nay số ca ghép tạng tại Việt Nam lên tới 2.425 ca, trong đó, 2.327 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận tụy, một ca ghép tim phổi và một ca ghép phổi. Trên toàn quốc đã có 16 đơn vị có thể lấy và ghép tạng nhưng điều khó khăn lớn nhất khiến số ca ghép tạng từ trước tới nay còn quá ít bởi không có nguồn tạng hiến. Hiện đang có khoảng hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn nhấn mạnh: Một nghịch lý của ghép tạng Việt Nam đang tồn tại là số nguồn tạng hiến chủ yếu hiện nay từ người cho sống. Sau 25 năm ngành ghép tạng hoạt động, mới có 50 người chết não hiến tạng. Điều ngày trái ngược hoàn toàn với các nước phát triển khác trên thế giới. Như tại Mỹ, mỗi năm có 30.000 ca ghép tạng thì trong đó, 70% lấy từ người cho chết não, 10% lấy từ người chết tim và 20% lấy từ người sống.
Còn theo Thầy thuốc Nhân dân Đặng Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc hiện nay có khoảng gần 400 người bệnh suy chức năng gan vào điều trị thường xuyên và hơn 600 người bệnh phải chạy thận theo chu kỳ và rất nhiều bệnh nhân suy chức năng tim, phổi, giác mạc cần được điều trị. “Chúng ta cần có những giải pháp cụ thể trong chiến lược giúp những trái tim nhân hậu trong cộng đồng có thể thực hiện nguyện vọng hiến, ghép mô, tạng của chính mình, đây là điều chúng tôi cũng luôn trăn trở” - Thầy thuốc Nhân dân Đặng Quang Thanh chia sẻ.
GS. Trịnh Hồng Sơn cho biết, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đang thành lập một danh sách của người cần ghép tạng trên toàn Quốc sau đó đưa danh sách này vào hệ thống máy tính nối mạng Quốc gia.
Trong quá trình đi vận động, tuyên truyền về cho, hiến tạng, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cũng thực hiện khám sức khỏe cho người dân tại các địa phương, sàng lọc, phát hiện những người bệnh cần phải ghép tạng. Việc khám sức khỏe sàng lọc bệnh nhân cần ghép tạng này cũng đồng thời thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phát hiện bệnh cho người dân.
Hiến tạng khi chết não có phải là tước mất quyền sống của người hiến tạng?
Theo GS. Đồng Văn Hệ - Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh BV Hữu nghị Việt Đức, hiện nay rất nhiều người chết mòn vì không có tạng để ghép trong khi một nguồn tạng lớn đang bị lãng phí bởi…. rào cản quan niệm. Mỗi năm, Việt Nam có 1200-1400 người chấn thương sọ não và tử vong trong khi đó, có 20.000 người chết do không có nguồn tạng cho để ghép.
Theo GS. Đồng Văn Hệ, một trong những lý do là 25 năm nay, Việt Nam chỉ có 50 người hiến tạng khi chết não bởi mọi người chưa hiểu rõ về khái niệm chết não. Nhiều người cho rằng khi tim vẫn đập thì chưa gọi là chết và vì thế không thể lấy tạng được.
Phân biệt giữa chết não với chết lâm sàng và sống thực vật, GS. Đồng Văn Hệ cho biết, người chết não tức là chết, không thể sống lại được. Người chết não sẽ mất hoàn toàn ý thức dù tim và các bộ phận khác của người đó có thể vẫn hoạt động bằng sự hỗ trợ của máy móc. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận trong cơ thể chỉ có thể hoạt động thêm ít giờ nữa sau khi đã chết não (không kéo dài quá 2, 3 ngày) và sẽ ngừng hẳn hoạt động rồi phân hủy dù có sự hỗ trợ của máy thở.
Video: GS. Đồng Văn Hệ - Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh BV Hữu nghị Việt Đức phân biệt sự khác nhau giữa chết não, sống thực vật và hôn mê sâu...
Chết não khác hoàn toàn với trạng thái chết lâm sàng, hôn mê sâu. Nếu một ai đó được chẩn đoán là chết lâm sàng, dù các bộ phận trong cơ thể có thể ngừng hoạt động trong một thời gian rất ngắn nhưng não người đó chưa chết nên người đó có thể được cứu sống và sống với trí não bình thường sau này nếu các hoạt động y tế can thiệp đúng lúc và chính xác.
Còn sống thực vật là một người bị suy giảm các chức năng cơ thể, có thể phải sống nhờ vào máy móc hoặc không sống nhờ vào máy móc nhưng mất khả năng hoạt động, giao tiếp, ý thức… Tuy nhiên, người này vẫn có thể tồn tại với thời gian dài hàng năm hoặc vài chục năm vì não chưa chết.
Nói về quy trình đánh giá chết não tại Việt Nam, GS. Đồng Văn Hệ cho biết, quy trình này rất chặt chẽ và qua nhiều khâu hơn so với nhiều nước trên thế giới.
Tại nhiều nước trên thế giới, đơn cử như tại 1 số bang của Mỹ, để đánh giá một người chết não, bác sĩ chỉ cần dựa vào các dấu hiệu lầm sàng như: bệnh nhân mất hoàn toàn ý thức, hỏi, gọi không nói, không có cảm giác đau, đổ nước, ấn vào họng không thấy phản xạ ho, sặc là có thể đưa ra kết luận người đó đã chết não và được phép lấy tạng hiến cho những người khác đúng như tâm nguyện của người chết não khi còn sống.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngoài các dấu hiệu lâm sàng chứng tỏ bệnh nhân đã chết não như kể trên, cần dựa vào 5 dấu hiệu cận lâm sàng nữa (tức là đánh giá chết não bằng máy móc y tế) như cắt lớp, siêu âm sọ não để thấy hình ảnh máu không lên não, không nuôi được não… cộng thêm có sự đánh giá của hội đồng y khoa. Nếu chỉ một thành viên trong hội đồng y khoa nghi ngờ hoặc cho rằng bệnh nhân chưa chết não thì người nhà và bệnh nhân dù có ý nguyện hiến tạng nhưng cũng không được hiến tạng.
Video: Ths.Bs Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia nói về các thủ tục pháp lý cho, hiến tạng
Ths.Bs Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi mua bán tạng. Đây là quy định nhằm bảo toàn tính nhân văn của vấn đề hiến tạng. Trong thời gian qua, có nhiều trường hợp hiến tạng sống hết sức cảm động. Họ thực sự là những người giầu lòng nhân ái. Trước đây, pháp luật chưa có điều khoản nào quy định rõ về việc môi giới mua bán nội tạng nhưng hiện nay, pháp luật đã bổ sung và quy định rõ tại điều 154 Bộ luật hình sự: Nếu môi giới, buôn bán nội tạng sẽ bị xử phạt từ 3 - 20 năm tù.
Vượt qua mọi rào cản - Bà mẹ Việt Nam anh hùng hồi sinh sự sống cho 6 người không quen biết
Theo Ths.Bs Nguyễn Hoàng Phúc, để nhân rộng nghĩa cử cao đẹp hiến tạng khi không may chết não, rất cần tôn vinh những gia đình đã hiến tạng cứu người. Một nhân vật mà Ths.Bs Nguyễn Hoàng Phúc nhắc tới rất nhiều tại buổi Hội thảo là bà Cấn Thị Ngần (Tuyết Nghĩa – Quốc Oai – Hà Tây) – người mẹ nhân hậu đã hiến gan, tim, thận, giác mạc của con trai mình là anh Trịnh Đình Vàng để hồi sinh sự sống cho 6 người không quen biết. Anh Trịnh Đình Vàng còn rất trẻ sinh năm 1984, chưa có gia đình, một thanh niên hiền lành, làm nghề cơ khí nhưng không may ngày 27/7/2016, anh bị chết não sau một đêm ngủ quên rơi từ sân thượng gia đình xuống đất.
Tuy nhiên, sau khi hiến tạng của con trai để cứu nhiều người, bên cạnh sự nể phục của nhiều người dân trong vùng nhưng tim bà Ngần vẫn nhói đau bởi không ít những dè bỉu, bàn tán của một số người họ hàng, làng xóm. Họ xì xầm rằng bà hiến tạng của con trai là để nhận nhiều thứ… Sự thực là bà Ngần và gia đình không được biết những người nhận và gia đình người nhận tạng bởi Bệnh viện Quân Y 103 thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không cung cấp địa chỉ của người cho và người nhận. Bà Ngần vẫn luôn đau đáu một mong mỏi được gặp lại những người mang tạng của con trai mình để cảm nhận con trai như vẫn hiện hữu ở cõi đời này.
Video: Bà Cấn Thị Ngần chia sẻ giờ phút bà quyết định hiến tạng con trai khi anh không may chết não
Sau loạt bài phóng sự đầu tiên về câu chuyện của gia đình bà Ngần trên báo Sức khỏe&Đời sống: “Cuộc "gặp gỡ” đặc biệt của người mẹ và con trai sau 100 ngày mất” và "Hành trình gặp lại người con đã mất của bà mẹ “kỳ lạ” ngày đầu xuân", như một cầu nối nhân duyên, những người nhận tạng của con trai bà Ngần lần lượt tìm gặp được bà Ngần.
Từ đó, câu chuyện về tấm lòng cao đẹp của bà Ngần và gia đình đã xuất hiện nhiều trên các tác phẩm báo chí và truyền hình, VTV1 dựng thành phim tài liệu, VTV3 cũng làm thành những phóng sự rất cảm động trên chương trình: “điều ước thứ 7”. Đặc biệt, chương trình tọa đàm: “Cho đi là còn mãi” trên VTV4 có một phần nói về câu truyện của gia đình bà Ngần đạt giải B báo chí Quốc gia năm 2017.
Ngày 8/7, khi được Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia mời tới chương trình: “Hiến ghép tạng và những vấn đề liên quan” bà Ngần đã xúc động gửi lời nhắn tới mọi người : “Nếu chẳng may có chuyện xảy tới với bản thân mình hay với người thân trong gia đình mình, hãy cho đi để cứu người và cho đi để… còn mãi”.
Bà Ngần cũng mong rằng ngay trong chính những gia đình có người suy tạng, như bị hỏng giác mạc hay suy thận, hãy san sẻ cuộc sống cho chính người thân của mình. Một ai đó mất đi do già yếu vẫn có thể nhường lại được đôi mắt cho người thân hay chính những người đang sống khỏe mạnh có thể hiến chính một quả thận sống cho người thân mà không phải đi tìm ở đâu xa.
Để những người có tâm nguyện hiến tạng khi chết não được thỏa nguyện khi ra đi?
Tại Hội thảo, ông Thắng – Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với Trung tâm Điều Phối tạng Quốc gia tuyên truyền về việc hiến tạng khi chết não. Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc sẽ cố gắng vận dụng kinh nghiệm từ nhiều năm hoạt động hiệu quả trong việc tuyên truyền hiến máu tình nguyện.
Ông Thắng chia sẻ, hiện tại, có một số cụ cao tuổi tại Vĩnh Phúc với tâm niệm muốn hiến giác mạc và ghi rõ cả trong di chúc. Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc sẽ chuyển tới Trung tâm Điều phối Tạng Quốc gia để Trung tâm làm thẻ hiến tạng cho các cụ.
Ông Trần Minh Quang – hiện là đội trưởng Đội tình nguyện Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc cho biết: ông đã hơn 85 tuổi, ông có tâm nguyện hiến giác mạc sau khi mất. Dù mọi người trong gia đình đồng ý nhưng duy có một người con chưa đồng ý việc này vậy sau khi ông mất thì ý nguyện của ông có thực hiện được không?
Ông Trần Minh Quang – hiện là đội trưởng Đội tình nguyện Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc đặt ra các câu hỏi về hiến, ghép tạng tại Hội thảo
Video: GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người giải đáp các câu hỏi xung quanh vấn đề hiến, ghép, lấy tạng của đại biểu tại Hội thảo
Trả lời câu hỏi này, GS. Trịnh Hồng Sơn cho biết, từ tâm nguyện hiến tạng tới việc cho tạng khi mất là 2 việc không gần nhau. Không phải người hiến cứ có tâm nguyện và đăng ký hiến tạng, có thẻ hiến tạng là sẽ được hiến tạng của mình sau khi qua đời. Bởi, chỉ cần một ý kiến của người trong gia đình phản đối việc cho tạng thì nhân viên y tế sẽ không được phép lấy tạng của người đã mất tuân thủ như đúng Pháp luật Việt Nam quy định.
Việc đăng ký hiến tạng và làm thẻ hiến tạng này có ý nghĩa như là một hình thức lan truyền, nhân rộng trong ý thức cộng đồng về việc hiến tạng khi chết và chết não. “Như trường hợp của bác Trần Minh Quang kể trên, nếu bác đã đăng ký hiến giác mạc khi mất nhưng con gái phản đối thì cụ cần tìm cách thuyết phục con gái tới khi chị ấy đồng ý thì sau khi cụ ra đi, y khoa mới có thể thực hiện được ý nguyện của cụ” – Gs. Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.
Cuối buổi Hội thảo: “Hiến ghép tạng và những vấn đề liên quan”, rất nhiều lá đơn đăng ký hiến tạng đã được chuyển tới cán bộ của Trung tâm Điều phối Tạng Quốc gia.
Mọi chi tiết xin liên hệ và gửi về: Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.39386692 – 04. 39386693
Số hotline (phục vụ 24/24): 091.5060.550
Email: gheptang@vncchot.com
Webside: vnhot.com.vn
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại Hội thảo
Ông Thắng – Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc (người mặc áo đỏ) cho biết trong thời gian tới sẽ phối hợp với Trung tâm Điều Phối tạng Quốc gia tuyên truyền về việc hiến tạng khi chết não.
GS. Trịnh Hồng Sơn cảm ơn bà Cấn Thị Ngần và gia đình đã hiến tạng của con trai chết não để cứu người
Nhiều ý kiến chia sẻ mong muốn được hiến tạng, hiến giác mạc sau khi qua đời tại hội thảo