Nhằm gắn kết mối quan hệ giữa người bệnh Parkinson, người nhà bệnh nhân, các y, bác sĩ và cộng đồng, sáng 1/12, tại khu vực Tượng đài Cảm tử quân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp với một số đơn vị tổ chức Giải chạy vì người bệnh Parkinson với thông điệp "Mỗi bước chạy một niềm vui".
Các "vận động viên" khởi động trước khi tham gia giải chạy của Câu lạc bộ người bệnh Parkinson Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Run for Parkinson 2019)
Hơn 2.000 người bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các nhà tài trợ và những người quan tâm đã tham gia Giải chạy ở cự ly 2km và 5km (vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm).
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, giải chạy của Câu lạc bộ người bệnh Parkinson Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Run for Parkinson 2019) là hoạt động dã ngoại bổ ích, góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn tốt đẹp đến cộng đồng. Giải chạy là hoạt động đặc biệt và có thể nói là đầu tiên ở Việt Nam với một câu lạc bộ người bệnh.
Các "vận động viên" bắt đầu chạy quãng đường 5km quanh Hồ Hoàn Kiếm
Theo các bác sỹ, bệnh Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp nhất sau bệnh Alzheimer, chiếm 2% dân số thế giới, thường gặp trên 65 tuổi, bệnh xu hướng trẻ hoá.
Bệnh tiến triển qua nhiều năm. Biểu hiện đặc trưng nhất là các dấu hiệu về vận động: cử động chậm chạp, run khi nghỉ ngơi, mất vững tư thế, giai đoạn sau có rối loạn nhận thức...
Các "vận động viên" bắt đầu chạy quãng đường 2km quanh Hồ Hoàn Kiếm
Khi bị mắc chứng bệnh này, những người bệnh ở giai đoạn sớm thường có biểu hiện run ở phần ngọn chi và miệng, kèm theo co cứng các cơ, động tác chậm chạp dẫn đến hạn chế vận động.
Ở những giai đoạn sau, triệu chứng nặng dần, run và cứng cơ nhiều hơn khiến người bị mất ổn định về tư thế, dễ bị ngã khi đi lại. Ngay những động tác đơn giản như cài khuy áo, tự mặc quần áo cũng không tự làm được…
"Vận động viên" chiến thắng đầu tiên của vòng chạy 2km
Việc điều trị cho người bệnh Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Ở những giai đoạn đầu, thuốc thường đem lại hiệu quả ấn tượng và giai đoạn này được gọi là "thời kỳ trăng mật" (thường là từ bốn đến 5 năm sau khi khởi phát bệnh). Tuy nhiên, ở những giai đoạn sau, khả năng đáp ứng với thuốc ngày càng kém dần, người bệnh có xu hướng phải tăng liều điều trị và đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều biến chứng do thuốc.
Với người bệnh Parkinson, vận động là cách tốt nhất để chữa bệnh, đặc biệt là vận động cùng với âm nhạc. Hoạt động cơ thể có tác dụng giúp bộ não sử dụng dopamine một cách hiệu quả, cải thiện chức năng vận động của hệ cơ xương và giảm run giật
Niềm vui hoàn thành đường chạy 2km quanh Hồ Hoàn Kiếm của hai "vận động viên"
Bệnh Parkinson không phải gây nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì nhưng nó làm trở ngại lớn cho công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nhiều người bệnh sau một thời gian dài mắc bệnh sẽ có những dấu hiệu trầm cảm do ngại tiếp xúc xã hội.
Ngày 8/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân Parkinson tại Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh. Câu lạc bộ ra đời sẽ là nơi giao lưu, chia sẻ, cập nhật các kiến thức, giải đáp thắc mắc giữa những người bệnh và người nhà người bệnh giúp người bệnh có một cuộc sống tốt nhất.
“Câu lạc bộ không chỉ có ý nghĩa với người bệnh mà còn có ý nghĩa với đội ngũ thầy thuốc trong bệnh viện. Mỗi chia sẻ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ giúp nhân viên y tế có thêm những kiến thức thực tế mà để có thể đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh” – PGS.TS Đồng Văn Hệ – chủ nhiệm Câu lạc bộ bệnh nhân Parkinson khẳng định.