BS.CK2 Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh, BV. Từ Dũ cho biết, sau 6 tháng hoạt động, Ngân hàng sữa mẹ - BV. Từ Dũ đã vận động được 135 bà mẹ hiến tặng sữa, có 120 bà mẹ đã được thu nhận sữa mẹ. Trong đó có 42 bà mẹ có con sinh non đang điều trị tại khoa Sơ sinh bệnh viện Từ Dũ và 78 bà mẹ ở cộng đồng. Các bà mẹ đã hiến tặng cho Ngân hàng sữa mẹ 2056 lít sữa mẹ. Bà mẹ hiến tặng nhiều nhất là 172 lít.
Đôi vợ chồng trẻ tự nguyện hiến sữa cho những trẻ sinh non cần sữa mẹ
Ngân hàng sữa mẹ đã chạy được 235 lượt thanh trùng sữa, trung bình 2 lượt mỗi ngày và 6 ngày trong tuần mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Tổng cộng có 2768 trẻ sơ sinh đã được dùng sữa mẹ thanh trùng, trong đó có 1609 trẻ sơ sinh bệnh nặng. Có 25 trường hợp được sử dụng miễn phí vì gia đình nghèo, mẹ bệnh nặng hoặc mẹ tử vong. Trong số đó có 1 trường hợp mẹ là người Campuchia, gia đình khó khăn. Mỗi ngày khoa Sơ sinh sử dụng trung bình 14 lít sữa mẹ thanh trùng.
Ngân hàng sữa mẹ đã giúp cứu sống nhiều trẻ sinh non. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cực non và non tháng của khoa đã được cải thiện từ khi tất các trẻ sơ sinh sinh non được sử dụng sữa mẹ ruột hoặc sữa mẹ thanh trùng, không còn sử dụng sữa công thức. Tỷ lệ tử vong của nhóm trẻ cực non dưới 28 tuần tuổi thai đã giảm được khoảng 20% so với trước khi có Ngân hàng sữa mẹ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 600 ngân hàng sữa mẹ ở 37 quốc gia. Với sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ tại BV. Từ Dũ, Việt Nam chính thức có hai ngân hàng sữa mẹ được Bộ Y tế cấp phép. Ngành y tế kỳ vọng với tiêu chuẩn quốc tế, các ngân hàng hội nhập vào mạng lưới ngân hàng sữa mẹ khu vực Đông Nam Á và toàn cầu.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ra đời tại BV. Phụ sản - nhi Đà Nẵng vào tháng 2-2017. Đây là bệnh viện được Bộ Y tế và dự án Alive&Thrive đánh giá việc áp dụng thực hành nuôi con bằng sữa mẹ rất tốt và được tặng danh hiệu "Trung tâm kiểu mẫu" về chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu sớm.