Hơn 200 "chiến sĩ" làm việc xuyên đêm ngày, chống dịch COVID-19 trên "mặt trận" truy vết

31-01-2021 09:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Để đảm bảo truy vết thần tốc các trường hợp liên quan đến bệnh nhân COVID-19, hơn 200 người ở Tổ truy vết COVID-19 đang ngày đêm làm việc không bỏ lỡ giây phút nào. Họ chính là những chiến sĩ chống dịch COVID-19 trên “mặt trận” truy vết- nơi cung cấp những “mảnh ghép” dịch tễ phục vụ chống dịch

Nơi xâu chuỗi các mảnh ghép dịch tễ...

Sáng cuối tuần, trò chuyện với chúng tôi trên tầng cao cao của toà nhà trên phố Giang Văn Minh ( Hà Nội)- nơi tổ truy vết “cắm chốt” để phục vụ công tác chống dịch trên “mặt trận” truy vết, ông Bùi Thế Duy- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 ( tên đầy đủ của Tổ truy vết COVID-19) kể, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của BN1552 dương tính với SARS-CoV-2, đêm 27/1, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã triệu tập và chỉ đạo Tổ gấp rút truy vết, khoanh vùng dịch do nhận định tình hình dịch sẽ diễn biến nghiêm trọng.

Ông Bùi Thế Duy- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 chia sẻ với phóng viên về bản đồ dịch tễ của khu vực Chí Linh- Hải Dương do Tổ truy vết COVID-19

Đây là đợt thứ 3, Tổ truy vết phải thường trực số lượng nhân lực lớn và ngày đêm tìm kiếm các nhánh nhỏ mà dịch có thể lây lan, sau hai đợt vào tháng 3 và 7/2020.

“Với yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với bệnh nhân là nữ công nhân đi Nhật, làm việc tại nhà máy, tiếp xúc với nhiều người, chủng virus biến thể… các thành viên của Tổ đã lường trước sẽ có những khó khăn của đợt này”- Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.

Khi bắt tay vào truy vết, Tổ thấy có 3 điểm đáng chú ý, đó là các ca bệnh dương tính (F0) phát hiện ban đầu (gồm cả ca bệnh phát hiện tại Nhật) đều tham dự các sự kiện đông người và không đeo khẩu trang như liên hoan chia tay, liên hoan tất niên, dự đám cưới... Nữ công nhân đi Nhật và BN1552 lây bệnh sau bữa liên hoan chia tay.

Nhóm công nhân trong nhà máy ở Hải Dương lây qua bữa liên hoan tất niên và tất nhiên những người tham dự đều không đeo khẩu trang.

Đội truy vết sẽ phỏng vấn các ca F0, từ đó tìm F1, xem phương tiện di chuyển là gì, đi đến địa phương nào, phát thông báo khẩn để F1 hồi báo...

Tổ trưởng Bùi Thế Duy, Phó tổ trưởng Nguyễn Thế Trung cùng các chuyên gia đang "miệt mài" phân tích dữ liệu dịch tễ

“Qua phỏng vấn các F0, xâu chuỗi các mảnh ghép dịch tễ mà F0 cung cấp, Tổ phát hiện đám cưới ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đón dâu về Ba Vì, Hà Nội cách đây hơn 10 ngày thuộc diện có nguy cơ. Từ đó, chúng tôi cung cấp để Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế ban hành các thông báo khẩn chỉ dấu các địa điểm mà bệnh nhân COVID-19 đã có mặt để những ai đã đến đó biết thông tin, liên hệ với cơ quan y tế”- Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Mong những người liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh... nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế

Ông Nguyễn Thế Trung, Phó tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19, cho hay: "Để tổ truy vết hoạt động hiệu quả, chúng tôi phải có 2 nguồn thông tin: chủ động tìm kiếm và người dân khai báo lên. Người dân khai báo nhiều, hiệu quả truy vết càng cao. Tuy nhiên, một vấn đề khá bất ngờ là 20% F0 không hợp tác với chúng tôi trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2. Con số này cao hơn nhiều các đợt bùng dịch trước đây".

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết thêm chỉ có 1% trong số F1 tự báo tin tới các cơ quan chức năng, 99% là kết quả tìm kiếm. Tìm rồi cũng ra nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn, virus lại lây lan nhanh, nếu chậm sẽ bỏ lỡ mất thời gian vàng...

Ông Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thành viên Tổ truy vết COVID-19 chia sẻ thêm về quy trình quy vết

Chính vì thế Thứ trưởng Bùi Thế Duy rất mong những người có liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh, người có tiếp xúc ca bệnh đã công bố, những trường hợp liên quan đến chỉ dấu thông báo khẩn đã được thông báo rộng rãi…  hãy nhanh chóng liên lạc với cơ quan y tế để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.

"Đây là cuộc chiến của con người và virus, cần càng nhanh càng tốt. Những ngày cuối năm đang đến gần, lượng người về quê đón Tết cổ truyền sẽ rất lớn, nếu để chậm sẽ khó khăn" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ.

Có những dấu hiệu cho thấy tâm dịch đã được khống chế bước đầu. Kết quả xét nghiệm tại vùng lõi của dịch cho thấy các nhà máy lân cận, người sống cùng thôn với bệnh nhân chưa mắc bệnh, số mắc tập trung tại Công ty POYUN. Nhưng dịch bắt đầu lan ra các nhánh nhỏ như sang Hà Nội 9 ca, Bắc Ninh 3 ca, Hải Phòng 1 ca, TP.HCM 1 ca, Gia Lai 4 ca…

Những chiến sĩ thầm lặng...

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Tổ truy vết COVID-19 là tên gọi ngắn gọn, quen thuộc của Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 thuộc  Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Tổ được thành lập và hoạt động liên tục từ đầu năm 2020 với khoảng 200 thành viên, gồm nhiều sinh viên chuyên ngành dịch tễ học, y khoa và một số chuyên ngành khác cùng các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ.

Tấm biển đặt trước cửa ra/vào của Tổ truy vết

Nhiệm vụ chính của Tổ là thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin dịch tễ, qua đó bổ sung vào danh sách F1, F2, đưa ra góc nhìn toàn cảnh về sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Tổ có một nhóm chuyên thu thập và phân tích các thông tin ban đầu, qua đó đưa ra những trường hợp cụ thể và điểm cần chú ý.

Một nhóm khác với chuyên môn về dịch tễ có nhiệm vụ điều tra thông tin, gọi điện phỏng vấn tất cả trường hợp liên quan ca bệnh để bổ sung các "mảnh ghép".

Nhóm chuyên gia cấp cao của Tổ sẽ nhận thông tin đã được các bộ phận khác xử lý sau đó đưa ra kết luận và chỉ đạo dựa trên chuyên môn về dịch tễ học. Các kết luận này sẽ được gửi đến Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, địa phương, qua đó đề xuất phương án như giãn cách, phong tỏa..., tại một khu vực cụ thể.

Ông Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thành viên Tổ truy vết chia sẻ thêm, ngoài gọi điện phỏng vấn F0, quy trình truy vết của tổ còn bắt đầu từ nguồn tin về F1, F2 cũng như người dân khai báo.

Lê Công Thành, phụ trách đội IT của Tổ truy vết

Theo đó, sau khi có kết quả dương tính từ trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương và các phòng thí nghiệm, Tổ sẽ có nhóm tổng hợp và phân tích lại thông tin để đưa ra chi tiết các mốc dịch tễ quan trọng. Từ đây, Tổ phối hợp với các địa phương để bổ sung vào danh sách F1, F2.

Các thành viên của Tổ cũng đóng vai trò như tư vấn viên nhắc các trường hợp liên quan cần liên hệ với cơ quan y tế, khai báo y tế và thực hiện cách ly.

Một trong công đoạn rất quan trọng của truy vết và đảm bảo mọi đối tượng F1, F2 đều được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm là chúng tôi lại gọi điện trở lại cho những người thuộc danh sách F1, F2 mà Tổ đã lập hỏi họ đã được lấy mẫu xét nghiệm chưa, đã khai báo y tế chưa.

“Từ ngày 30/1, một nhóm của Tổ đã gọi điện cho các công nhân của  nhà máy POYUN xem còn ai chưa được lấy mẫu xét nghiệm, từ đó kết nối với chính quyền địa phương nơi công nhân cư trú để tiến hành lấy mẫu triệt để”- Thứ trưởng Bùi Thế Duy dẫn chứng.

Thông tin của Tổ truy vết cho biết, cập nhật số liệu đến ngày 30/1 cho thấy số lượng thông tin chuyển về tổ truy vết rất lớn, có đến nhiều triệu tờ khai nhập cảnh và tờ khai y tế trong dân cư. Robot sẽ "quét" để lấy dữ liệu và từ đó sẽ tìm ra các manh mối, chưa kể những người phải kết nối trực tiếp với các F.

Lê Công Thành, phụ trách đội IT của Tổ truy vết, ví các thông tin ban đầu như những mảnh ghép nhỏ. Nhiệm vụ của tổ là thu thập, bổ sung, phân tích và tổng hợp lại nhằm tạo ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch.

Một buổi làm việc của các tình nguyện viên của Tổ truy vết

Trần Diễm My - cựu sinh viên ĐH Y Hà Nội, tình nguyện viên của đội truy vết cho biết 2 ngày nay bạn được phân công vào nhóm khai thác thông tin ca bệnh F0. Mỗi người chịu trách nhiệm gọi 5-10 F0 và từ đó tìm các F1.

"Có nhiều bệnh nhân sẵn sàng cung cấp thông tin, nhưng cũng có người không nhớ đầy đủ lịch trình hoặc chỉ nhớ mang máng, có người vì lý do cá nhân họ e ngại thông báo những người từng gặp, các trường hợp như vậy tìm F1 sẽ khó hơn" – Diễm My nói.

Còn Cao Văn Quyết, sinh viên Đại học Y Hà Nội, thuộc nhóm điều tra thông tin dịch tễ, chia sẻ: Hiện khối lượng công việc khá nhiều do số lượng người mắc Covid-19 rất đông nhưng vẫn trong khả năng của chúng tôi. Vấn đề lớn gây khó khăn cho các thành viên của nhóm là sự hợp tác của người dân khi được phỏng vấn...

My và Quyết cũng như nhiều tình nguyện viên khác cũng như các chuyên gia của Tổ truy vết đang chia nhau làm việc theo ca, ngày 3 ca (mỗi ca 8 tiếng), để làm sao mỗi phút, mỗi giây “mặt trận” truy vết đều hoạt động liên tục. Họ ăn uống tại đó, thường trực bên bàn làm việc là điện thoại, là máy tính, là bút viết, là giấy... để làm sao mọi dữ liệu dịch tễ đều được ghi lại cẩn trọng, không sai sót...

Nhóm truy vết dịch tễ, người thì gọi điện, người nghe lại thông tin, người khác đang tìm kiếm thông tin... Mỗi người 1 việc, để góp phần làm nên những "mảnh ghép" dịch tễ

Họ là những chiến sĩ thầm lặng đã và đang góp phần làm nên những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch ở nước ta...


Thái Bình
Ý kiến của bạn