Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Chủ quan không tiêm phòng khiến con đổ bệnh
Tại cuộc họp cung cấp thông tin về phòng chống dịch bệnh chiều 9/10, TS. Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thống kê 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn.
Các tỉnh có số mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La và Quảng Ninh.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố cho biết, hiện Hà Nội ghi nhận 405 trường hợp mắc, chưa có tử vong. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 218 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các trường hợp mắc bệnh tản phát, không tập trung thành ổ dịch và rải rác từ đầu năm và hầu hết đã khỏi, hiện chỉ còn 9 ca bệnh đang điều trị. Đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định.
Hiện 10 tỉnh, thành phố có số tích lũy trường hợp sốt phát ban trên 100.000 dân cao nhất cả nước: Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái, Bắc Ninh, Đồng Nai và Vĩnh Phúc.
Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi có 628 trường hợp mắc (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi có 1.106 trường hợp (37,8%).
TS. Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
"Đáng chú ý chỉ có 399 trường hợp đã được tiêm chủng (chiếm 13,6%), còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (1.302 trường hợp, chiếm 44,5%) và không rõ tiền sử tiêm chủng (1.227 trường hợp, chiếm 41,9%).
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên và lây lan rất mạnh qua đường hô hấp, trẻ em, người lớn chưa bị bệnh, chưa được tiêm phòng khi tiếp xúc với nguồn bệnh đều có thể mắc bệnh. Cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc xin sởi"- TS. Tấn nhấn mạnh.
Tiêm vắc xin sởi - rubella tại 13 tỉnh nguy cơ cao
Theo TS. Tấn, ngành y tế đã triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi - rubella (MR) cho 6 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La). Hiện đã triển khai tại 33/33 huyện, có 261.331/264.462 trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vắc xin sởi - rubella, đạt tỷ lệ 96,15%. Hiện có 28/33 huyện đã kết thúc việc triển khai, còn 05 huyện đang tiến hành tiêm vét. Tổng số liều vắc xin các đơn vị đã được cấp sử dụng là 373.900 liều (theo kế hoạch là 377.100 liều).
Kế hoạch tiêm vắc xin sởi - rubella tại 13 tỉnh nguy cơ cao (Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước) trong năm 2018 đã được Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch triển khai, hiện đã có 02 tỉnh/TP đã có kế hoạch triển khai là Quảng Trị và Kon Tum.
Cha mẹ cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh. Ảnh minh hoạ.
Các chuyên gia dịch tễ nhận định, trong thời gian qua, mặc dù dịch bệnh bùng phát mạnh tại khu vực châu Âu và Đông Nam Á, đặc biệt đã ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga). Tại Việt Nam, bệnh sởi xuất hiện rải rác tại 40 tỉnh, thành phố. Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng (86,4%).
Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi rải rác tại các địa phương do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Bệnh sởi chủ yếu mắc rải rác, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, tuy nhiên hiện đã ghi nhận một số trường hợp mắc sởi rải rác tại các tỉnh khu vực miền Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch sởi trên thế giới diễn ra hết sức phức tạp trên toàn cầu. Năm 2017, trên thế giới ghi nhận 281.488 trường hợp mắc sởi tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, trên thế giới ghi nhận 250.677 trường hợp mắc sởi tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ chủ yếu ghi nhận tại khu vực Đông Nam Á (71.127 trường hợp mắc), châu Phi (37.876 trường hợp mắc), phía Đông Địa Trung Hải (23.698 trường hợp mắc), châu Mỹ (5.323 trường hợp mắc), đặc biệt có sự gia tăng số mắc tại khu vực châu Âu (53.894 trường hợp mắc), trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc tại khu vực châu Âu tăng 2,6 lần. Các quốc gia có số mắc /100.000 dân cao nhất gồm: Pháp, Georgia, Hy Lạp, Ý, Liên bang Nga, Serbia và Ukraine. Trong đó Ucraina có số trường hợp mắc cao nhất với 23.000 trường hợp mắc, Serbia có số trường hợp tử vong cao nhất với 14 trường hợp tử vong. Đặc biệt việc ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga), điều này dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này.
Nguyên nhân dịch sởi gia tăng tại các nước châu Âu là do tỷ lệ bảo phủ vắc xin sởi không đạt tại nhiều nước. Năm 2017, tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi toàn châu Âu đạt tỷ lệ trung bình là 90%, trong khi một số nước đạt trên 95% thì còn nhiều nước mới đạt tỷ lệ dưới 70%. Tỷ lệ này đặc biệt thấp tại Ucraina với tỷ lệ tiêm vắc xin sởi 31% vào năm 2016.
Khu vực Tây Thái Bình Dương trong 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận 44.067 trường hợp mắc sởi, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017. Số mắc ghi nhận tại các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt ghi nhận số mắc tăng cao tại Philippines với 11.670 trường hợp mắc, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Các chủng vi rút sởi chính lưu hành tại khu vực tại khu vực Tây Thái Bình Dương chủng H1, B3 và D8, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi ở Việt Nam và trên thế giới.
Về lịch tiêm vắc xin sởi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nước sởi đang lưu hành cần tiêm vắc xin sởi cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 15-18 tháng tuổi. Hiện có trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêm vắc xin sởi mũi thứ nhất từ 9 tháng tuổi trở lên.