Hơn 100 trẻ nhập viện vì cúm, bác sĩ chỉ cách cần làm ngay để tránh mắc bệnh này

05-05-2019 07:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hơn 100 bệnh nhân phải nhập viện điều trị với chẩn đoán mắc cúm chỉ trong 1 tuần gần đây, trong đó trẻ em chiếm 90% với các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy cơ vân, viêm tai giữa,....

Đó là tình trạng bệnh nhân đang phải điều trị tại khoa Nội – Nhi – Đông y, bệnh viện tại Đoan Hùng, Phú Thọ.

Không tiêm phòng cúm, cả nhà vào viện

Đáng chú ý, có trường hợp cả gia đình phải vào viện vì cúm và phải "nghỉ lễ" 30/4 và 1/5 luôn ở bệnh viện. Mọi kế hoạch du lịch, nghỉ ngơi trong dịp lễ của gia đình anh Quang đều phải dừng lại do con trai anh có dấu hiệu bị ho, sốt liên tục; tiếp theo là con gái 1 tuổi của anh và anh cũng có những dấu hiệu tương tự.

Khi đến bệnh viện khám, cả ba bố con anh đều được bác sĩ tư vấn phải nhập viện điều trị ngay với chẩn đoán cả ba bị nhiễm cúm A, riêng con trai anh đã có biến chứng viêm phế quản dẫn đến ho nhiều, sốt liên tục.

Vợ anh Quang cho biết, cả hai bé nhà chị chưa hề được tiêm vắc xin cúm trước đó và tất nhiên người lớn thì càng không. Lý do vì chị không rõ độ tuổi nào có thể tiêm vắc xin cúm nên gia đình đã chủ quan, không tìm hiểu.

Nhiều trẻ nhập viện vì mắc cúm biến chứng nặng do không chịu tiêm phòng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền – Phó trưởng khoa Nội – Nhi – Đông y cho biết: Trường hợp cả gia đình phải nhập viện như bệnh nhân Quang không phải hiếm tại khoa. Hiện tại, các bác sĩ trong khoa đang điều trị cho rất nhiều trường hợp là hai chị em, anh em trong cùng một nhà bị cúm và hầu như tất cả các bệnh nhân nhập viện điều trị chưa được tiêm vắc xin cúm trước đó.

Đáng lưu ý là số ca bệnh nhi nhiễm cúm B dẫn đến biến chứng tiêu cơ vân, viêm phổi khá nhiều. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn, đã khiến cho bệnh cúm mùa chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, tiêu cơ vân.

Biến chứng viêm phổi thường xảy ra ở trẻ em, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Phòng ngừa bệnh cúm cách nào?

Theo BS. Hiền, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi.

Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (>1m); mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim….

Tăng cường tập thể dục; ăn uống điều độ, nhiều rau xanh, trái cây giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Bên cạnh đó, cách phòng ngừa chủ động tốt nhất và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm. Việc tiêm phòng vắc xin cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm mùa đang lưu hành mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm khác do tính miễn dịch chéo trong vắc xin.

Tiêm vắc xin phòng cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình một năm. Ngoài ra các virút cúm cũng thay đổi mỗi năm và thành phần vắcxin ngừa cúm được điều chỉnh hàng năm nhằm phù hợp với chủng virút cúm đang lưu hành trên thế giới.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm gây nên (thường là do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C).

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh… Bệnh xuất hiện quanh năm và thường tăng cao hơn vào mùa đông xuân.

Biểu hiện của bệnh thường là: hắt hơi, sổ mũi, đau họng, sốt, ho, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng, gây các biến chứng (viêm phổi…) và có thể dẫn đến tử vong. Một số chủng cúm đã có vắc xin phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm.

5. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn