Tại 4 nước đang có dịch Ebola, số người Việt ở Guinea là nhiều nhất, khoảng 60-70 người. Trong khi đó, số ca nhiễm và tử vong vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, tại Liberia có khoảng 20 người Việt Nam, Sierra Leon là 24 và Nigeria khoảng 12 người.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế ngày 22/8. Tuy nhiên theo PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế), số liệu này do Bộ thu thập từ các đại sứ quán. Song, do có nhiều lao động Việt Nam làm tự do nên con số chính xác cuối cùng chưa thể thống kê. “Số trường hợp mắc virus Ebola vẫn đang tăng liên tục và chưa có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm nào”, tiến sĩ Phu nói.
Giám sát chặ chẽ người dân về từ vùng dịch
Cũng theo ông Phu mặc dù đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, tuy nhiên dịch bệnh do vi rút Ebola tiếp tục diễn biến phức tạp tại 4 quốc gia Tây Phi và liên tục ghi nhận các trường hợp mắc mới và tử vong. Chỉ tính riêng trong hai ngày 17-18/8, tại 3 nước Guinea, Liberia và Sierra Leone đã ghi nhận thêm 221 trường hợp mắc mới, 106 tử vong, tương đương 48%. Tích lũy từ đầu mùa dịch năm 2014 đến nay đã ghi nhận 2.473 ca mắc trong đó có 1.350 tử vong (hơn 54%)
Giám sát thân nhiệt hành khách tại sân bay. Ảnh TTX
Hiện nay, ngành y tế đã giám sát được 83 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch bệnh do vi rút Ebola, trong đó tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (79 người), sân bay Nội Bài (4 người). Tại sân bay tân Sơn Nhất, từ ngày 11-20/8/2014 đã thực hiện khai báo y tế đối với 79 người trong đó có 20 người Việt Nam trở về từ Liberia và 59 người từ Nigeria. Các khách nhập cảnh Việt Nam cư trú tại: Buôn Mê Thuột (1 trường hợp), Đồng Nai (1 người), Lâm Đồng (1 người), Phú Yên (1 người), Quảng Trị (1 người), Thái Bình (9 người), Thanh Hóa (2 người) và Thành phố Hồ Chí Minh (43 người). Ngoài ra, tất cả các cửa khẩu khác đã thực hiện khai báo y tế và báo cáo chưa có trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch.
Cục trưởng nhấn mạnh: Tất cả người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch được phân loại theo địa phương sẽ tới, nơi lưu trú và gửi về các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố tiến hành theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình giám sát theo dõi y tế gặp rất nhiều khó khăn như: khác biệt ngôn ngữ, địa chỉ khách đến luôn thay đổi, khách cung cấp thông tin không chính xác. Hiện nay ngành y tế đã đưa ra các biện pháp để có thể liên hệ với các hành khách như điện thoại, gửi email, đăng trên website (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt), liên hệ với công an xác định nơi lưu trú của hành khách để gặp gỡ tư vấn...
Sàng lọc tất cả hành khách đến từ các chuyến bay quốc tế bằng máy đo thân nhiệt
Để chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các tài liệu chuyên môn kỹ thuật phục vụ việc giám sát, phòng chống, điều trị bệnh do vi rút Ebola. Cục Y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan đang xây dựng Quy trình giám sát bệnh do vi rút Ebola. Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng đã gửi Email tới tất cả các hành khách từ vùng dịch nhập cảnh Việt Nam và khuyến cáo các biện pháp dự phòng bệnh Ebola trong vòng 21 ngày từ khi xuất cảnh khỏi quốc gia đang có dịch cũng như các thông tin liên lạc với cơ quan y tế khi cần thiết.
Đồng thời, Bộ Y tế đã tổ chức 2 lớp tập huấn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về giám sát và điều trị bệnh do vi rút Ebola cho cán bộ y tế trong cả nước; triển khai hệ thống khử trùng lưu động tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; tổ chức diễn tập ứng phó với dịch bệnh do ri rút Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất...
Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết Cục Quản lý Môi trường Y tế đang xây dựng hướng dẫn xử lý môi trường và chất thải của bệnh nhân mắc Ebola.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp Ảnh. T.Bình
Tại buổi họp giao ban trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola đang diễn biến phức tạp, các quốc gia đã tiến hành áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch bệnh này, trong đó có Việt Nam. Ngành y tế nước ta đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh.
Tại các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt là hàng không cần phải sàng lọc các hành khách ở tất cả các chuyến bay quốc tế từ xa bằng máy đo thân nhiệt để phát hiện sớm trường hợp bị sốt và cách ly kịp thời. Với các hành khách đến từ 4 quốc gia Tây Phi có dịch bệnh do vi rút Ebola phải thực hiện lấy tờ khai y tế. Ngành y tế tăng cường kiểm tra y tế hàng ngày đối với 83 hàng khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch bệnh do vi rút Ebola. Đồng thời, tiếp tục rà soát về nhân lực, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch và xây dựng danh mục dự trữ ngành y tế để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh khi xảy ra...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Thái Bình