Hơn 10 y bác sĩ và 8 giờ phẫu thuật cực kỳ căng thẳng

22-05-2017 08:03 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Bệnh viện (BV) Việt Đức vừa phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân mắc hội chứng Marfan nhiễm HIV bị lóc tách động mạch chủ (ĐMC) týp A.

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Bệnh viện (BV) Việt Đức vừa phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân mắc hội chứng Marfan nhiễm HIV bị lóc tách động mạch chủ (ĐMC) týp A. Đây cũng là lần đầu tiên BV Việt Đức cũng như ở Việt Nam thực hiện một ca đại phẫu cho bệnh nhân HIV bị bệnh tim nguy hiểm.

Bệnh tim nguy hiểm trên cơ thể nhiễm HIV

Bệnh nhân (BN) nữ - 42 tuổi (Hải Phòng) mắc hội chứng Marfan, phát hiện HIV từ năm 2000, điều trị thuốc ARV từ năm 2005. Cách khoảng 3 tuần, BN bị lóc bán cấp, có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, trước một ca phẫu thuật nặng nề nên BN có phần lo sợ, xin về nhà. Sau đó, được gia đình, người thân động viên và bản thân nhận thấy sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị nên BN đã quay lại BV. GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực. Về chuyên môn, PGS. Ước khẳng định có thể đảm bảo mổ cho BN được. Và BV đã lên phương án chuẩn bị phẫu thuật cho BN đặc biệt này.

Cứu bệnh nhân HIV bị lóc tách động mạch chủ týp A nguy hiểmKíp phẫu thuật hơn 10 người làm việc suốt 8 tiếng đồng hồ với nguy cơ phơi nhiễm HIV rất cao (ảnh lớn).

BN nhập viện ngày 4/5/2017 trong tình trạng bị lóc ĐMC týp A mạn tính, phồng gốc ĐMC, hở van ĐMC, hở van hai lá, phồng hình thoi ĐMC bụng dưới thận.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước cho biết, lóc ĐMC týp A là bệnh lý nặng nhất trong các bệnh lý tim mạch. Thành ĐMC được cấu tạo rất bền vững bởi 3 lớp tổ chức có tính chất mô học khác nhau (lớp ngoài, giữa và trong) để đảm bảo chịu được áp lực cao, liên tục trong suốt cuộc đời chúng ta (chính là huyết áp động mạch). Nếu vì một lý do gì đó phá hỏng cấu trúc thống nhất này, khả năng chịu lực bị đe dọa gây ra các biến chứng nghiêm trọng khó lường. Một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất là lóc tách thành ĐMC: lớp áo trong bị xé rách, dòng máu áp lực cao đi vào giữa các lớp làm thành động mạch bị tách làm đôi dẫn tới hậu quả: vỡ gây tử vong do sốc mất máu (giống như vỡ đường ống nước chính), thiếu máu các cơ quan do mảng thành mạch bị tách ra lấp kín các lỗ vào của nhánh mạch nuôi. Bệnh lóc tách ĐMC được chia thành nhiều loại tùy theo vị trí thương tổn. Hai vị trí quan trọng nhất gây tử vong tức thì là mạch vành và mạch não. Nếu thương tổn lóc tách chạm đến phạm vi của 2 chỗ này thì bệnh được xếp loại A - loại nguy hiểm nhất (giới chuyên môn gọi “lóc tách ĐMC týp A”).

Cứu bệnh nhân HIV bị lóc tách động mạch chủ týp A nguy hiểmHình ảnh phồng lóc động mạch chủ trên phim chụp (ảnh nhỏ).       Ảnh: BV cung cấp

“Với bệnh lý cấp cứu này, 90% bệnh nhân sẽ chết trong 4 ngày đầu sau khi lóc nếu không được can thiệp, 5% sẽ chết trong tháng tiếp theo. Số còn lại rất khó khăn để chống cự sau 1 năm”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước nói.

BN đã được tiến hành đầy đủ các xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm liên quan đến virut, đến khả năng miễn dịch của BN (BN chưa có sự suy giảm miễn dịch).

Thực hiện ca đại phẫu cho BN HIV, các thầy thuốc đã "vượt qua chính  mình"

Đó là cảm xúc của PGS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng kíp phẫu thuật khi kể lại cho các phóng viên về ca phẫu thuật này. Ngày 9/5/2017, lần đầu tiên ở BV Việt Đức cũng như ở Việt Nam đã tiến hành ca mổ phồng lóc ĐMC trên BN có HIV dương tính.

Cứu bệnh nhân HIV bị lóc tách động mạch chủ týp A nguy hiểmHình ảnh phồng lóc động mạch chủ trên phim chụp. Ảnh: BV cung cấp

PGS. Ước chia sẻ, trước đây, ông đã từng mổ cho các bệnh nhân nhiễm HIV nhưng hầu hết là các bệnh lý nhẹ, thời gian phơi nhiễm của kíp mổ với người bệnh có H ngắn và hậu phẫu cũng nhẹ nhàng hơn. Một ca phẫu thuật thông thường cần  5-7 y bác sĩ; nhưng với ca mổ lóc tách này cần từ 10-12 y bác sĩ, thực hiện trong thời gian rất dài (8 tiếng đồng hồ) nên nguy cơ phơi nhiễm của thầy thuốc với người bệnh rất lớn. Trang thiết bị phòng hộ phơi nhiễm, vật tư tiêu hao sử dụng 1 lần phải lên cơ số dự trù để cung ứng đầy đủ. Trong suốt 8 tiếng mổ, các bác sĩ, điều dưỡng phải rất cẩn thận từ cách cầm dao, luồn mũi kim khâu…

"Những người thầy thuốc chúng tôi đã vượt qua được chính mình; đảm bảo quyền được chăm sóc điều trị, khám chữa bệnh công bằng cho những BN có HIV dương tính. Một sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng của BV, các biện pháp phòng hộ hết sức kỹ càng, đảm bảo an toàn; cho đến giờ chưa có nguy cơ phơi nhiễm nào xảy ra cho nhân viên y tế, mặc dù việc chăm sóc vô cùng phức tạp", PGS. Ước bộc bạch.

1 ngày sau mổ, BN được rút máy thở. Thuốc vận mạch dùng giảm dần và sau 3 ngày không phải dùng thuốc trợ tim.  Cho tới giờ, BN đã được cho vào khu cách ly thông thường, diễn biến BN ổn định trong tầm kiểm soát và nếu ko có gì thay đổi sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Cứu bệnh nhân HIV bị lóc tách động mạch chủ týp A nguy hiểmBệnh nhân dần ổn định sau phẫu thuật.     Ảnh: ML

TS.BS. Phạm Tiến Quân - Phó trưởng khoa phụ trách đơn vị Hồi sức sau mổ tim, người cùng tham gia kíp phẫu thuật cho biết thêm: Khi điều trị, chăm sóc cho BN nhiễm HIV thì mọi cán bộ y tế đều có khả năng phơi nhiễm. BN mổ tim phổi máy nên rất nhiều người tham gia và hoàn toàn môi trường làm việc là trên máu BN. Chỉ cần một sơ sểnh nhỏ thì nguy cơ nhiễm H rất cao. BN HIV nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn BN khác, đặc biệt mổ tuần hoàn ngoài cơ thể gây suy giảm miễn dịch so với phẫu thuật không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể. Cho nên việc hồi sức chăm sóc BN này càng được coi trọng và kỹ càng hơn những BN khác. Các chất thải, dịch tiết phải xử lý hết sức cẩn thận, tránh lây nhiễm cho người khác.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Hà - phụ trách khu vực hồi sức sau mổ tim chia sẻ: “Khi nhận được thông báo tiến hành ca đại phẫu cho BN có H, chúng tôi đã phổ biến quy trình chăm sóc để các điều dưỡng và nhân viên vệ sinh tuân thủ nghiêm ngặt đúng theo quy trình đó. Chất thải người bệnh nếu không xử lý cẩn thận, đúng chỗ, đúng nơi quy định sẽ là nguồn phơi nhiễm cho cả cộng đồng và cho cả chính cán bộ y tế là những người chăm sóc trực tiếp. Thứ nữa là nhắc nhở, tập huấn nhân viên cách giao tiếp, ứng xử để BN thấy thân thiện, không có thái độ phân biệt đối xử. Và chúng tôi đã được đón nhận tình cảm từ phía BN và gia đình người bệnh. Đó là điều khiến chúng tôi hạnh phúc”.


Mai Linh - Thanh Loan
Ý kiến của bạn