Video PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói về những khó khăn trong ca mổ cho bệnh nhân
Như báo Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin, ngày 18/5, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân bị nhiễm HIV lóc tách động mạch chủ type A. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên mắc bệnh mắc hội chứng Marphan trên nền nhiễm HIV tại Việt Nam được cứu sống.
Bệnh nhân là nữ (42 tuổi). Năm 2000, chị phát hiện bị HIV dương tính, nhưng đến năm 2005 mới được chính thức điều trị bệnh. Cách đây khoảng 1 tháng, bệnh nhân được chẩn đoán lóc tách động mạch chủ cấp tính. Bệnh nhân được đưa đến viện, sau khi được giải thích, gia đình đã xin bệnh nhân về vì sợ sức khoẻ không đáp ứng được. Nhưng sau đó, cảm thấy sức khoẻ đảm bảo để mổ, gia đình quay lại BV.
Các bác sĩ trong kíp phẫu thuật thông tin về ca phẫu thuật cho bệnh nhân đã thành công
Bác sĩ trong e kíp phẫu thuật chia sẻ những khó khăn khi thực hiện ca mổ đặc biệt
Chia sẻ về thông tin ca bệnh này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực (BV Hữu nghị Việt-Đức) cho biết, lóc động mạch chủ type A,đây là bệnh lý nặng nhất trong các bệnh lý tim mạch. Thành động mạch chủ của con người có 3 lớp, là mạch máu to nhất cơ thể, đường kính to như ngón chân cái nhưng khi bị lóc sẽ bị tách đôi ra. 80-90% nguyên nhân khiến động mạch chủ bị lóc là do xơ vữa mạch máu của người lớn tuổi, hầu hết trên 60 tuổi nhưng cũng có những người 40 tuổi đã bị. Khi mạch máu bị xơ vữa, các mảng vôi hoá, xơ vữa loét vào thành động mạch máu, loét cả động mạch chủ.
Với các bệnh nhân cao huyết áp, huyết áp trong mạch máu cao, sẽ thúc vào chỗ loét đó, làm lóc tách khiến máu chui vào các lớp thành động mạch chủ. Chỉ trong vòng mấy giây sẽ xé toang thành mạch động mạch chủ từ tim xuống chân khiến bệnh nhân đau dữ dội, toàn bộ mạch máu sẽ bị tách làm đôi. “Với bệnh lý cấp cứu này, 90% bệnh nhân sẽ chết trong 4 ngày đầu sau khi lóc nếu không được can thiệp, 5% sẽ chết trong tháng tiếp theo. Số còn lại rất khó khăn để chống cự sau 1 năm”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói.
Với nữ bệnh nhân nhiễm HIV trên đây, ngoài bị lóc động mạch chủ type A mãn tính, còn bị phồng gốc động mạch chủ, hở van động mạch chủ, hai lá, phồng hình thoi động mạch chủ bụng dưới thận, hội chứng Marphan…. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, khả năng sống tiếp chỉ khoảng 1 tháng.
Vì vậy, bệnh nhân nhập viện ngày 4-5 và đến ngày 8-5 được tiến hành phẫu thuật. PGS.TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ, trước đây, ông đã từng mổ cho các bệnh nhân nhiễm HIV nhưng hầu hết là các bệnh lý nhẹ nhàng, thời gian mổ nhanh, tỷ lệ xác suất phơi nhiễm vô cùng thấp. Trong khi đó, với ca phẫu thuật tim hở, tim ngừng đập, lại dự kiến phải thực hiện trong thời gian rất dài (gần 8 tiếng đồng hồ) như bệnh nhân này thì xác suất phải nói là khá lớn. Trong suốt 8 tiếng mổ, các bác sĩ phải rất cẩn thận, từ cầm dao, đưa mũi kim chỉ…
Kíp phẫu thuật hơn 10 người làm việc suốt 8 tiếng đồng hồ
Bệnh nhân được chăm sóc sau mổ
Điều dưỡng viên của BV Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm, để tránh nguồn phơi nhiễm HIV, với ca bệnh này, tất cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao trong phòng mổ, thậm chí cả quần áo phẫu thuật viên, nhân viên cũng chỉ được dùng một lần. Vì thế chi phí cho cuộc phẫu thuật này tăng lên rất nhiều.
Đáng mừng là sau ca phẫu thuật, sức khoẻ người bệnh đã ổn định, còn toàn bộ nhân viên y tế tham gia cả mổ đều không có nguy cơ phơi nhiễm HIV.
Hiện tại, bệnh nhân đã được chuyển sang Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn điều trị nội khoa sau mổ. Dự kiến, bệnh nhân sẽ xuất viện trong tuần tới.