Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với “đại dịch” này, vì có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan khá cao.
Trong hai ngày 26 và 27.7, Hội nghị Gan mật toàn quốc lần thứ 9 đã diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hơn 300 đại biểu đến từ các bệnh viện, các trường đại học y khoa và nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế đã đến tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam nhấn mạnh theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), loại viêm gan virus hàng năm gây ra cái chết cho 1,4 triệu người, đồng thời có khoảng 500 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan do virus gây ra.
Các chuyên gia ước tính trên thế giới có 240 triệu người nhiễm virus viêm gan B mãn tính và 150 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mãn tính.
WHO khẳng định bệnh nhân bị nhiễm mãn tính virus viêm gan rất nguy hiểm, song căn bệnh này chưa được công nhận là vấn đề y tế cộng đồng toàn cầu.
Ai Cập hiện là quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh gan cao nhất thế giới. Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với “đại dịch” này, vì có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan khá cao. Theo PGS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ở Việt Nam ước tính có khoảng 10-15% dân số bị nhiễm virus viêm gan B, 4% nhiễm virus viêm gan C. Khoảng 11,5 triệu người Việt Nam mang virus viêm gan (tức có nguy cơ ung thư gan) và ước tính mỗi năm có hàng ngàn ca nhiễm mới (trích tin trên Vietnamplus tháng 3.2014).
Hội nghị Gan mật toàn quốc đã tham khảo hơn 30 đề tài nghiên cứu, liên quan đến biểu hiện và cách điều trị của các chứng tổn thương về gan, mật, nhất là các vấn đề nghiên cứu dự phòng điều trị viêm gan virus B và virus C, đẩy mạnh vấn đề ghép gan.
Đặc biệt, đề tài nghiên cứu “Phát hiện các đột biến kháng thuốc của virus viêm gan B từ các bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính ở miền Bắc Việt Nam” do nhóm chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Medlatec Hà Nội, đã đưa ra lời cảnh báo quan trọng.
Công trình này chọn 198 mẫu huyết thanh từ các bệnh nhân viêm gan mãn tính, đã có 82 trường hợp đột biến kháng thuốc.
Thông tin từ hội nghị cũng cho biết hiện Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan từ người cho sống và người cho chết não, kết quả này thể hiện rõ nét tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh viêm gan C được biết tới như một “căn bệnh thầm lặng”, bởi người nhiễm bệnh có thể khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bệnh trong vòng 10-20 năm. Viêm gan C có khả năng biến chứng thành xơ gan, phá hủy gan và thậm chí dẫn tới ung thư gan, đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Có rất nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh cho đến khi phát hiện dấu hiệu bệnh vào nhiều năm sau, khi bệnh đã nặng, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Theo Một Thế giới