Số ca mắc COVID-19 tăng “phi mã”, nhiều nơi dừng mở cửa nền kinh tế
Tại Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do COVID-19, đã chứng kiến hàng loạt bang có số ca mắc COVID-19 theo ngày cao kỷ lục như Georgia, Tennessee, Utah, Florida, Idaho. Riêng tại Florida – tâm dịch hiện nay của Mỹ - có gần 10.000 trường hợp mới mắc trong 1 ngày. Gần 41.000 ca nhiễm COVID-19 một ngày là kỷ lục mới được xác lập ở Mỹ. 32 trên tổng số 50 bang ở Mỹ đang “tăng tốc” các trường hợp mắc COVID-19.
Trước tình hình đó, một số bang ở Mỹ đã quyết định dừng kế hoạch mở cửa vì lo ngại bùng phát dịch. Thống đốc Washington Jay Inslee nói: “Ai cũng muốn mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được điều đó”. Đến nay đã có tới 13 bang dừng mở cửa do lo dịch bệnh quay lại. Người ta lo ngại nếu để dịch bệnh bùng phát thêm lần nữa, chắc chắc hệ thống y tế tại Mỹ sẽ lại rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí mất kiểm soát.
Sau một thời gian mở cửa, số ca nhiễm bệnh tăng vọt tại Mỹ
Theo các chuyên gia, chỉ sau một thời gian ngắn mở cửa trở lại, ở Mỹ có nơi tình trạng lây nhiễm cộng đồng tăng gấp 3 lần so với các bang khác khiến nước này đã phải thay đổi cách ứng phó với dịch bệnh. Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, khoảng từ 5-8% dân số nước này đã nhiễm virus SARS-COV-2. Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng, sự không thống nhất trong các biện pháp ứng phó, chính sách đeo khẩu trang, giãn cách xã hội không bắt buộc,… chính là yếu tố khiến Mỹ chưa thể qua đỉnh địch.
Một số quốc gia như Brazil, Nga, Ấn Độ… cũng đang trên đường đua xác lập kỷ lục về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19. Tại Brazil dù là tâm dịch lớn thứ hai của thế giới, và là một trong những “điểm nóng” của dịch ở Mỹ Latinh, nhưng quốc gia này vẫn từng bước mở cửa lại việc kinh doanh thương mại. Tại Nga, các chuyên gia dự báo về một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới sẽ diễn ra trong tháng 7. Trong khi đó tại châu Á, Indonesia hay Ấn Độ cũng gia tăng số ca mắc. Ngay như tại những quốc gia đã thông báo ngăn chặn được dịch bệnh, dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, số các ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện trở lại, điều này làm dấy lên lo ngại dịch bệnh sẽ còn kéo dài, sang cả năm 2021.
Thúc đẩy bào chế vaccin phòng COVID-19
Nhu cầu tạo ra một loại vaccin phòng COVID-19 lên cao. Ngày 27/6, Hội nghị quốc tế trực tuyến gây quỹ chống COVID-19 mang tên “Mục tiêu toàn cầu: Đoàn kết vì tương lai”, đã quyên góp thêm được hơn 6 tỷ euro, nâng tổng số tiền cam kết từ ngày 4/5 đến nay gần 16 tỷ euro để sản xuất vaccin. Trong đó hỗ trợ bằng các khoản vay hoặc tiền đến từ các quốc gia châu Âu, Mỹ, …. Các nước khác cam kết, nếu bào chế vắc xin chống COVID-19 thành công, tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận.
Bào chế vaccin phòn COVID-19 - cần nhiều thời gian
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, đầu tiên chúng ta cần vaccin. Sau đó chúng ta cần đảm bảo vaccin cho tất cả mọi người. “Tôi sẽ cố gắng thuyết phục các nước có thu nhập cao không chỉ dự trữ vaccin cho họ mà còn cho cả các nước có thu nhập thấp. Đây là phép thử sự đoàn kết”, bà Ursula von der Leyen nói.
Tại Hội nghị quốc tế gây quỹ chống COVID-19 thu hút sự tham gia của 40 quốc gia, các chuyên gia khẳng định chưa thể xóa bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng bệnh nếu chưa có vaccin. Số tiền quyên góp sẽ được sử dụng để tiến hành các xét nghiệm COVID-19, điều trị và bào chế vaccin, hỗ trợ những nước nghèo và những người yếu thế. Đến thời điểm này dù nhiều quốc gia, công ty sản xuất vaccin tuyên bố đã tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng, tiền lâm sàng vaccin phòng COVID-19, nhưng chưa có một loại vaccin nào ra đời. Các nhà nghiên cứu dự đoán, ít nhất phải sang năm 2021 mới có vaccin phòng COVID-19 đầu tiên.