Hơn 1 tỷ học sinh trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

05-08-2020 09:37 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đây là thông tin được Người đứng đầu Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Antonis Guerres đưa ra. Tính đến giữa tháng 7 đã có 160 quốc gia đóng cửa trường học vì dịch bệnh, gây ra sự gián đoạn về giáo dục lớn nhất trong lịch sử.

Khu vực châu Mỹ Latinh đã phá vỡ mốc 5 triệu trường hợp được xác nhận mắc COVID-19, đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của  đại dịch với  hơn 200.000 ca tử vong. Tính đến nay, đã có hơn 18,6 triệu người trên khắp thế giới được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV2 gây bệnh COVID-19, tăng hơn 280.000 người chỉ trong một ngày.  Gần 12 triệu người đã hồi phục và hơn 700.000 người đã chết. Châu Mỹ hiện là điểm nóng nhất của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Mỹ, Brazil, Mexico... 10 quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới trong ngày thì châu Mỹ đóng góp tới 6 nước.

COVID-19 ảnh hưởng tới 1 tỷ học sinh

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới sẽ đối mặt với một “thảm họa thế hệ” gây lãng phí tiềm năng con người, làm suy yếu hàng thập kỷ tiến bộ và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện nay. Ông  Antonio Guterres đã đưa ra số liệu đáng báo động vì hậu quả mà COVID-19 đang đem đến cho chúng ta, tính đến giữa tháng 7/2020, có hơn 1 tỷ học sinh, sinh viên ở 160 quốc gia bị ảnh hưởng khi các trường phải đóng cửa nhằm ngăn ngừa COVID-19 lây lan .

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Ngoài ra, theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, hơn 40 triệu trẻ em đã bị lỡ các khóa học mầm non và chỉ 25% học sinh tốt nghiệp trung học ở các nước đang phát triển hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản. Để cải thiện tình hình, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị các nước đặt ưu tiên hàng đầu đối với việc nhanh chóng đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức bác đề xuất phong tỏa toàn bộ đất nước và cho rằng, Mỹ đang có những nỗ lực tuyệt vời trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi đó, tại Australia, bang Victoria ngày 4/8 thông báo triển khai 500 binh sĩ quân đội giám sát thực hiện quy định phòng dịch, cùng với hình thức phạt nặng hơn đối với những người vi phạm.

Bộ trưởng Nội các Brazil thứ 8 có  xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

Bộ trưởng thứ 8 trong Chính phủ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, khi Brazil đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19. Brazil là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Tổng thư ký Văn phòng tổng thống, người mới được bổ nhiệm là Bộ trưởng Tư pháp Brazil- ông Jorge Oliveira  cho biết, ông đã làm việc từ xa  sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. Như vậy, tính đến nay 8 trong số 23 bộ trưởng nội các của Tổng thống Bolsonaro  đã được xác định dương tính với COVID-19.

Tổng thống và phu nhân  Michelle cũng mắc bệnh. Tổng thống Bolsonaro đã nối lại các cuộc họp chính thức sau một thời gian cách ly điều trị và được xác định âm tính trở lại với COVID-19 vào ngày 25/7.

Brazil đã xác nhận hơn 2,8 triệu trường hợp nhiễm virus kể từ khi đại dịch khởi phátt. Số người tử vong vì dịch bệnh ở Brazil đã lên 96.096. Theo Bộ Y tế Brazil cho biết hôm 4/8, nước này có  51.603 trường hợp mới và 1.154 trường hợp tử vong trong 24 giờ.

WHO- Tỷ lệ thanh thiếu niên mắc COVID-19 tăng gấp 3 lần trong 5 tháng qua

Tổ chức Y tế thế giới (WHO ) cho biết, những người trẻ tuổi tụ họp ở các hộp đêm, bãi biển trong mùa hè này đã  dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới trên khắp thế giới. Tỷ lệ những người từ 15 đến 24 tuổi bị nhiễm bệnh tăng gấp 5 lần trong khoảng 5 tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.

Theo một  phân tích của WHO về 6 triệu ca nhiễm mới từ ngày 24/ 2 đến ngày 12/7 cho thấy tỷ lệ người từ 15-24 tuổi tăng từ 4,5% lên 15% tống số người mắc bệnh.

Các trường hợp COVID-19 của Thổ Nhĩ Kỳ tăng trở lại lần đầu tiên sau 3 tuần

Số  trường hợp nhiễm ID-19 mới của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua 1.000 người lần đầu tiên sau 3 tuần, đây là ngưỡng quan trọng để quốc gia này xem xét áp đặt thêm các  quy tắc phòng ngừa dịch bệnh. Đến nay Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia có số ca mắc COVID-19 vượt 230.000 trường hợp, với 5700 người đã tử vong. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 22 quốc gia/ vùng lãnh thổ có số người mắc COVID-19 vượt 100.000 người. 57 quốc gia có số mắc trong khoảng 10.000 - 100.000 trường hợp; 63 quốc gia/vùng lãnh thổ có số mắc trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 70 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.

Mỹ: mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ khám bệnh từ xa

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh cho phép mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ khám bệnh từ xa đối với 57 triệu người Mỹ - đa số sống tại khu vực nông thôn nghèo. Sắc lệnh này có ý nghĩa quan trọng khi số ca nhiễm mới tăng vọt trong thời gian gần đây. Tổng thống Trump cho biết, sắc lệnh mới sẽ đảm bảo rằng các dịch vụ khám bệnh từ xa sẽ vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng được dỡ bỏ.

Cùng ngày, hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ đã lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp nước này gác lại những bất đồng chính trị và nhanh chóng thông qua gói cứu trợ COVID-19 mới trong bối cảnh các cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ tại quốc hội lưỡng viện vẫn đang bế tắc.

Về tình hình nghiên cứu thuốc điều trị bệnh COVID-19, các quan chức Mỹ cho biết, nước này đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với một  loại thuốc điều trị COVID-19. Đây là  một kháng thể chống lại virus corona mới có tên LY-CoV555, được xác định trong mẫu máu của một bệnh nhân phục hồi khỏi COVID-19. Nghiên cứu hợp tác giữa  Phòng thí nghiệm Lilly có trụ sở tại Mỹ với hãng  Abcellera.

Số ca được chẩn đoán ung thư giảm 50%

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 còn tác động tới nhiều vấn đề sức khỏe khác. Mới đây, một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra, số ca ung thư được chẩn đoán hàng tuần tại Mỹ đã giảm gần 50% trong tháng 3 và tháng 4 so với mức trung bình gần đây. Đây là hậu quả của phong tỏa kéo dài do dịch bệnh COVID-19.

Việc tiêm chủng cho trẻ em cũng bị đình trệ trên toàn cầu. Theo Liên Hợp Quốc và các cơ quan y tế thế giới đang lo lắng về tác động của cuộc chiến chống lại HIV, sốt rét và bệnh lao vì các chiến dịch sàng lọc, hậu cần và tiếp cận chăm sóc sức khỏe đã bị gián đoạn bởi dịch COVID-19.

Thủ đô Paris của Pháp sẽ bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng

Tờ Le Monde của Pháp đưa tin, thủ đô Paris, Pháp  sẽ quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở một số  khu vực công cộng ngoài trời nhằm ngăn chặn một đợt nhiễm lây nhiễm COVID-19 mới. Tờ báo cho biết Thị trưởng Anne Hidalgo sẽ đưa ra yêu cầu chính thức với Paris về việc áp đặt quy định sử dụng khẩu trang ở các khu vực cụ thể, sau khi chính phủ trao quyền cho chính quyền địa phương được ra các quy định đeo khẩu trang ở những không gian công cộng ngoài trời.


Hải Yến
Ý kiến của bạn