Tỷ lệ trẻ có nguy cơ bị rối loạn ăn uống cao hơn nhiều so với ước tính
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 63.181 thanh thiếu niên từ 6 đến 18 tuổi từ 16 quốc gia để xác định thực trạng rối loạn ăn uống. Không có trẻ nào trong nghiên cứu có chẩn đoán bị tình trạng rối loạn thể chất hoặc tâm thần và dữ liệu không đánh giá khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng bảng câu hỏi SCOFF, là công cụ đánh giá thông dụng về rối loạn ăn uống. Xác định nguy cơ rối loạn ăn uống khi có ít nhất 2 câu trả lời là có, trong số 5 câu hỏi như sau:
1. Bạn có mệt mỏi vì cảm thấy no một cách khó chịu không?
2. Bạn có lo lắng rằng không thể kiểm soát được số lượng mình ăn vào không?
3. Gần đây bạn có giảm được hơn 14 pound (tương đương 6,35 kg) trong khoảng thời gian 3 tháng không?
4. Bạn có tin mình béo khi người khác nói bạn quá gầy không?
5. Bạn có cho rằng thực phẩm đã chi phối/ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn không?
Nhìn chung, 22% số trẻ trả lời có từ 2 câu hỏi trở lên. Nhóm nghiên cứu cho rằng tỷ lệ trẻ có nguy cơ bị rối loạn ăn uống thậm chí có thể còn cao hơn bởi vì chúng thường hay che giấu các biểu hiện do cảm giác xấu hổ hoặc bị kỳ thị.
Kết quả nghiên cứu này đã đưa ra tỷ lệ cao hơn đáng kể so với ước tính cho rằng khoảng 2,7% trẻ từ 13 đến 18 tuổi bị rối loạn ăn uống.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, rối loạn ăn uống phổ biến hơn ở các bé gái, trẻ lớn hơn và những trẻ có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn. Cụ thể, 30% bé gái có nguy cơ bị rối loạn ăn uống so với tỷ lệ này là 17% ở bé trai. Nguy cơ bị rối loạn ăn uống cũng tăng cao ở trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 18.
Cần quan tâm tới các biểu hiện liên quan tới rối loạn ăn uống ở trẻ em
Theo các nhà khoa học, kết quả rối loạn ăn uống liên quan đến trẻ em có chỉ số BMI cao trong nghiên cứu này đã ủng hộ kết quả nghiên cứu trước đây cho rằng, nhiều trẻ rối loạn ăn uống đã thực hiện những hành vi ăn uống không điều độ trong khi cố gắng giảm cân.
Mặc dù hầu hết thanh thiếu niên bị rối loạn ăn uống không tiết lộ việc có gặp phải các vấn đề về cân nặng quá mức trước đó hay không, nhưng nhiều trẻ có thể chưa nhận thức đúng về ăn uống lành mạnh và do dó thực hiện các hành vi không lành mạnh (ví dụ như bỏ bữa để tạo ra sự thiếu hụt calo), dẫn đến tình trạng rối loạn ăn uống, các nhà khoa học nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và các cán bộ y tế cần phải cảnh giác với các biểu hiện rối loạn ăn uống ở trẻ em vì nó có liên quan đến nguy cơ bị rối loạn ăn uống lâm sàng. Theo đó, các biểu hiện cần quan tâm bao gồm các hành vi như ăn kiêng để giảm cân, ăn uống vô độ, tự gây nôn, tập thể dục quá mức và tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Ngành y tế Hải Phòng kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam