Hà Nội

Hôm nay, Quốc hội thảo luận Luật Phòng chống tác hại của rượu bia - Cần biện pháp kiểm soát mạnh

23-05-2019 06:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự kiến, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được thảo luận lúc 8h ngày 23/5/2019 và thông qua ngày 14/6/2019 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14. Người dân đang mong đợi Quốc hội sáng suốt lựa chọn các biện pháp kiểm soát rượu bia chặt chẽ nhằm đẩy lùi mức gia tăng sử dụng rượu bia kỷ lục của người dân Việt Nam hiện nay.

Báo suckhoedoisong.vn giới thiệu bài viết của ThS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách y tế về Câu chuyện thành công của nước Nga trong giảm sử dụng rượu bia bằng việc áp dụng đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát rượu bia - Bài học cho Việt Nam.

Ngày 7/5/2019, Tạp chí Lancet công bố bài báo của Manthey và cộng sự về mức tiêu thụ đồ uống có cồn (ĐUCC) bình quân đầu người của 189 quốc gia giai đoạn 1990-2017 và dự báo đến năm 2030.

Trong gần ba thập kỷ qua, mức tiêu thụ ĐUCC bình quân đầu người trên toàn thế giới tăng từ 5.9 lít (1990) lên 6.2 lít (2010) và 6.5 lít (2017). Theo khu vực, Châu Á có mức tiêu thụ tăng nhanh (Việt Nam, Ấn độ…), trong khi ở đó nhiều nước Châu Âu và châu Đại Dương mức sử dụng đã giảm, như Kyrgyzstan, Ucraina, Belarus, Nga, Anh, Canada, Úc.

Các số liệu về Việt Nam mà TS. Manthey Jakob cung cấp cho chúng tôi cho thấy tình trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang thực sự báo động. Năm 2017, mức tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam đã lên đến 8,9 lít cồn nguyên chất.

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới (chỉ sau Timor-Leste, Niger, Comoros và Seychelles) về mức tăng tiêu thụ bình quân đầu người giai đoạn 2010-2017 (với 90,2%) và dẫn đầu thế giới với mức tăng lên đến 2.459% sau 27 năm, từ 1990 đến 2017. Nếu không áp dụng các chính sách chặt chẽ nhằm giảm sử dụng rượu bia, dự kiến đến năm 2025 và 2030, mức tiêu thụ của người Việt Nam sẽ tiếp tục tăng rất nhanh, lên đến 14 và 18 lít (xem hình).

Biểu đồ so sánh mức tăng tiêu thụ ĐUCC ở Việt Nam với một số quốc gia, khu vực, thế giới và dự báo đến năm 2030.

Trong số các quốc gia đã giảm được lượng rượu bia tiêu thụ bình quân đầu người, Nga là một thí dụ điển hình của việc áp dụng và triển khai thành công các chính sách mạnh mẽ nhằm giảm sử dụng ĐUCC. Từ năm 2005 đến nay, Nga đã theo đuổi chính sách kiểm soát ĐUCC chặt chẽ, áp dụng tất cả các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả cao, chi phí thấp trong giảm sử dụng ĐUCC như sau:

1. Thuế và giá:

• Chính sách thuế: sửa đổi Luât thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế tiêu thụ đặng biệt 10% mỗi năm từ 2008, năm 2014 tăng thuế TTĐB 33%;

• Chính sách quản lý giá: năm 2019: Quy định mức giá bán lẻ tối thiểu của rượu mạnh có nồng độ cồn từ 28% trở lên, năm 2014 tiếp tục tăng mức giá bán lẻ tối thiểu của rượu 28% độ cồn trở lên; 2016 quy định mức giá bản lẻ tối thiểu đối với rượu voka

2. Hạn chế tính sẵn có:

• Năm 2005 cấm bán rượu có độ cồn >15% tại một số địa điểm công cộng, tại các điểm không được cấp phép;

• Năm 2007: cấm mọi hình thức bán sỉ và bán lẻ đồ uống có cồn trên Internet Năm 2011 tăng cường thực thi quy định cấm bán ĐUCC cho người người tuổi pháp luật cho phép và tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm, cấm bán RB tại các cây xăng dầu;

• Năm 2012: Cấm bán bia tại một số địa điểm;

• Năm 2014 tăng nặng mức phạt đối với hành vi bán rượu bia cho người chưa đủ tuổi và gắn trách nhiệm hình sự nếu tái phạm vi phạm;

• Năm 2016 triển khai đăng ký mạng lưới bán lẻ;

3. Quảng cáo:

• 2008: cấm quảng cáo trên tất cả các phương tiện giao thông,

• 2012: Cấm quảng cáo trên báo hình, báo giấy, mạng xã hội và internet; nới lỏng cho phép quảng cáo bia và rượu vang nhân dịp Worldcup 2018 đến ngày 1/1/2019);

4. Cấm điều khiểm phương tiện giao thông sau khi uống ĐUCC:

• 2010: quy định độ cồn trong máu bằng 0 khi tham gia đìiều khiển phương tiện giao thông;

• 2012: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà nồng độ cồn trong khí thở vượt mức 0.16mg/l

Nhờ vậy, sau bảy năm, mức tiêu  thụ ĐUCC bình quân đầu người ở Nga đã giảm 22%, từ 15,8 lít năm 2010  xuống 12,3 lít (2017); gánh nặng bệnh tật và tử vong do ĐUCC gây ra cũng đã giảm đáng kể.

Rượu bia không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe người uống mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy xã hội khác như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, đói nghèo...

Người dân đang mong đợi Quốc hội sáng suốt lựa chọn các biện pháp kiểm soát rượu bia chặt chẽ nhằm đẩy lùi mức gia tăng sử dụng rượu bia kỷ lục của người dân Việt Nam hiện nay.

Ngày 23/5, theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Trong buổi sáng ngày 23/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sau đó, các đại biểu tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận và có nhiều ý kiến luận bàn.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.

ThS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh
Ý kiến của bạn