Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị trời rét đậm, vùng núi Bắc Bộ rét hại. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9.
Hôm nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét đậm, vùng núi Bắc Bộ trời rét hại, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét, có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 9-12 độ, riêng khu vực vùng núi phổ biến 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; ở Bắc Trung Bộ phổ biến từ 10-13 độ, ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 13-15 độ.
Trên biển, vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh. Từ ngày 25/12 gió giảm dần.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.
Ở khu vực vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to. Từ ngày 26/12 rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc có xu hướng giảm dần.
Mưa lớn cục bộ có khả năng gây lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
Ngày 24/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.
Công điện gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, bảo vệ sức khoẻ của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khoẻ và sinh kế của người dân, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng, chống cháy nổ khi sưởi ấm; đặc biệt chú ý chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế... Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; kịp thời tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, nhất là các xã vùng cao để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho nhân dân, cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động, phổ biến cho nhân dân các phương pháp, kỹ năng phòng, chống rét an toàn, hiệu quả, nhất là cho người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em…
Những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Đồng thời, vận động người dân chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông - Xuân.
c) Chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; kịp thời hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, nhất là mạ xuân và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng.
Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng thiệt hại về người và cây trồng, vật nuôi bị chết nhiều do chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét (nhất là rét đậm, rét hại), dịch bệnh cho người dân và cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, đào tạo việc nghỉ học của học sinh khi có rét đậm, rét hại và các diễn biến bất thường khác do giá rét...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết.
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân....
Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước ngày 25/12:
Phía Tây Bắc Bộ đêm không mưa. Gió nhẹ. Trời rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ C, có nơi dưới 5 độ C. Nhiệt độ cao nhất 16-19 độ C, có nơi trên 19 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội đêm không mưa. Gió Đông Bắc cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Trời rét đậm, vùng núi rét hại. Khu vực trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Nhiệt độ thấp nhất 9-12 độ C, vùng núi 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ C. Nhiệt độ cao nhất 16-19 độ C.
Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế: Phía Bắc đêm không mưa; phía Nam có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Trời rét, riêng phía Bắc trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất: Phía Bắc 10-13 độ C; phía Nam 13-15 độ C. Nhiệt độ cao nhất 15-18 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to; riêng Ninh Thuận, Bình Thuận có mưa rào vài nơi. Gió Đông Bắc mạnh cấp 3; vùng ven biển cấp 4, có nơi có gió giật mạnh cấp 7-8. Phía Bắc trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất: Phía Bắc 17-20 độ C; phía Nam 21-24 độ, có nơi trên 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất: Phía Bắc 20-23 độ C; phía Nam 24-27 độ C, riêng Ninh Thuận và Bình Thuận 28-31 độ, có nơi trên 31 độ C.
Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 3. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C.
Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, miền Đông có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, miền Đông có nơi trên 32 độ C.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 25/12: Rét buốt thấu xương ở Bắc Bộ sắp hết; Trung Bộ mưa lạnh não nề / SKĐS