Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa cho biết, hôm qua (6/5), kỷ lục nhiệt độ đã được thiết lập trong ngày lập hạ. Tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) đã quan trắc được mức nhiệt 44,1 độ. Đây là mức nhiệt cao kỷ lục xô đổ cột mốc 43.4 độ tại Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 20/4/2019.
Kỷ lục này đến hôm nay đã bị phá vỡ khi số liệu quan trắc lều khí tượng tại Tương Dương (Nghệ An) đã ghi nhận nóng 44,2 độ trong ngày 7/5/2023. Số liệu này đã vượt kỷ lục mới lập hôm qua của Hồi Xuân 44,1 độ. Như vậy 44,2 độ C là nhiệt độ cao nhất ghi nhận được tại Việt Nam cho đến thời điểm này.
Về đợt không khí lạnh đang tràn xuống nước ta, cơ quan khí tượng cho biết, khoảng đêm nay (7/5) và ngày mai, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4.
Từ ngày mai, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 21-24 độ, vùng núi có nơi dưới 21 độ.
Theo các chuyên gia khí tượng, đợt lạnh này miền Bắc ghi nhận sự chuyển nhiệt đột ngột, từ hơn 40 độ xuống còn 20 độ ở miền núi phía Bắc, 25-27 độ ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng giảm nhiệt xuống còn 27-30 độ C trong khi đó các tỉnh phía Nam sẽ duy trì nền nhiệt 29-33 độ C. Hình thái thời tiết này kéo dài khoảng 1 tuần cho đến ngày 15/5.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối và đêm 7-8/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h.
Gần sáng 8-9/5, mưa tiếp tục lan vào khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế với lượng mưa 10-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h.
Ngoài ra, từ 8/5, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng xuất hiện những cơn mưa giông rải rác, cục bộ có mưa to. Thời gian xảy ra mưa giông chủ yếu vào chiều và tối, với lượng mưa 10-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h. Những trận mưa này sẽ làm dịu bớt không khí oi bức, nắng nóng kéo dài vừa qua ở khu vực này.
Các chuyên gia khí tượng lưu ý, sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt, người dân cần đề phòng mưa giông diễn biến phức tạp, đặc biệt là kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa giông có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 7/5: Bị Mời Lên Phường Vì Đánh Nhau, Thiếu Niên Hăng Máu Hành Hung Công An Tại Trụ Sở | SKĐS