Suối Yến được mở rộng, khai thông dòng chảy, từ chỗ mái chèo có thể chạm đáy, mắc vào rong nay nhiều chỗ ngập quá đầu người. Đò do đó có thể lướt nhanh hơn.
Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những chiếc ca-nô máy chở khách xả khói tạm thời phá hỏng bầu không khí du xuân. Nếu xuồng máy phổ biến hơn, có lẽ suối Yến cũng cần được phân làn như bậc thang đá dẫn xuống động Hương Tích. Trước cửa vào động Hương Tích, khá nhiều công an chốt chặn chỉ cho một lượng khách vừa đủ vào động mỗi lượt. Có lẽ vì thế mà du khách vẫn có thể thoải mái dâng lễ hoặc ngồi mát thụ lộc trong động khi nào chán thì thôi.
Điều đáng chú ý là du khách có thể nói tuyệt đối tuân thủ quy định của BTC khi vào động lễ Phật không dâng thịt, đồ mặn. Gà luộc vẫn thấy trong mâm lễ dâng cúng ở đền Trình nhưng có vẻ cũng giảm hơn nhiều so với mọi năm. Có vẻ người dân cũng đã có sự phân định rạch ròi hơn ở đâu nên cúng đồ gì. Tuy nhiên vẫn có một số biểu hiện niềm tin tự phát khá ngộ nghĩnh như lấy tờ tiền lẻ xoa xoa lên mặt thạch nhũ ẩm ướt rồi mới công đức. Khá nhiều người thích thú dừng lại vươn tay hứng nước từ trên trần động nhỏ giọt xuống để uống hoặc xoa lên người lấy may.
“Phong tục tập quán kinh doanh phục vụ khách của người dân dù đã có tiến bộ nhưng còn phải tuyên truyền giáo dục nhiều. Dù sao họ cũng là nông dân làm du lịch”.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng Ban Quản lý khu Di tích và Thắng cảnh Chùa Hương
Nạn đổi tiền lẻ năm nay do được BTC tuyên truyền từ trước nên giảm hẳn nhưng không phải là hoàn toàn vắng bóng, chỉ có điều được tiến hành kín đáo hơn. Chúng tôi bắt gặp cuộc ngã giá 70 ăn 50 diễn ra đằng sau một cái mâm nhựa dựng lên để che chắn. Tiền lẻ vẫn được rải ở những chỗ hiểm như nơi nào có nước (giếng, tiểu cảnh non bộ...). Và thật khó hiểu khi yên vị trên cáp treo, cũng là lúc một số người mang tiền lẻ rải xuống dưới. Và chắc là chẳng ai hơi đâu trèo leo lên sườn núi, mái nhà để thu nhặt chỗ tiền này.
Cảnh phản cảm nguyên con thịt bị thui và treo lủng lẳng trước mỗi hàng ăn dọc đường kể từ bến Đục đã không còn. Thịt vẫn nguyên con nhưng được bày trên bàn hoặc cho vào tủ kính có lắp máy làm lạnh. Dù sao trông cũng có vẻ an toàn thực phẩm hơn.
Cũng là ô nhiễm môi trường...
Một số người vẫn mang tiền vàng mã vào động làm cho người của BTC lại phải mang ra ngoài để hóa. Đấy là từng quy định của BTC lễ hội vẫn đương gióng giả qua tiếng loa không ngừng vang khắp động. Giá kể thay vào đó là tiếng nhạc niệm Phật!
Sự ô nhiễm âm thanh cũng có thể bắt gặp nhiều nơi trên đường hành hương. Đó là tiếng loa ra rả chào mời mua những loại bánh gì đó khiến cho người ăn trẻ lại, ai đang cô đơn ăn vào có người yêu... Một nhãn hiệu bánh xuất xứ địa phương có đại lý dải dày đặc dọc đường từ bến đò đến cáp treo. Cứ loa của hàng bánh này lại “cãi nhau” với loa của hàng bánh kia. Tất nhiên là loa của hàng bán thuốc lá trị bách bệnh hay túi thơm đeo lấy may không thể lại được. Chỉ có ở nơi đò cập bờ vào cổng soát vé là không gian dành tương đối trọn vẹn cho tiếng hát của Mỹ Linh với bài Chùa Hương của Hoàng Quý.
Một sự cũng có thể gọi là ô nhiễm liên quan đến thị giác là các bảng hiệu hàng quán xanh đỏ nối tiếp nhau như kiểu quảng cáo ở sân vận động khi diễn ra các trận bóng đá. Tuy nhiên sắc xanh theo logo của một nhãn hiệu nước ngọt vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối. Hãng này cũng đặt nhiều biển quảng cáo ở khắp nơi từ suối Yến cho đến ga cáp treo. Sự xuất hiện quá dày đặc của một vài sản phẩm đem lại cảm giác thương hiệu “chùa Hương” đang bị lạm dụng. Bánh (không biết có bao nhiêu phần trăm) củ mài tự nhận là đặc sản chùa Hương đã đành, mắm tép cũng đóng mác chùa Hương.
Dọc đường hành hương chính là một cái chợ. Điều này thể hiện rõ tính thích kết hợp của người Việt ta. Vừa muốn vãn cảnh, vừa muốn cầu cũng lại cũng thích ăn nhậu mua sắm. Lễ hội Chùa Hương đáp ứng tốt tất cả các nhu cầu này, vì thế mà chưa bao giờ vắng khách.