Nguyên tắc đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10
Theo quy định của Sở GD&ĐT, hôm nay (19/4), tất cả học sinh lớp 9 đang học tại các trường THCS, trung tâm GDNN-GDTX quận, huyện, thị xã nộp "Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025".
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, khi học sinh đã nộp "Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025" thì không được thay đổi nguyện vọng (NV) dự tuyển. Vì vậy, học sinh cần nhớ quy định liên quan và cân nhắc kỹ trước khi đặt bút chọn NV, đồng thời tận dụng tối đa cơ hội trúng tuyển vào trường công lập.
Theo quy định, mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 NV dự tuyển vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV 1, NV 2 và NV 3. Trong đó, NV 1 và NV 2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng NV 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Trường hợp học sinh chỉ đăng ký 2 NV vào 2 trường THPT công lập thì đăng ký NV 1 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; NV 2 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Trường hợp học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 NV vào 1 trường THPT công lập thì có thể đăng ký vào trường thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Sở GD&ĐT cũng quy định về một số trường hợp đặc biệt; giả sử học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên tại trường THPT: THPT Chu Văn An (tiếng Anh), THPT Sơn Tây; THPT Việt Đức (lớp tiếng Đức ngoại ngữ 2, hệ 7 năm), Phổ thông dân tộc nội trú: NV1 thuộc các trường hợp trên thì NV2 (nếu có) phải thuộc KVTS theo quy định, NV3 (nếu có) thuộc KVTS bất kỳ. Học sinh đăng ký dự tuyển học lớp tiếng Nhật (ngoại ngữ 1) được đăng ký dự tuyển NV1 và NV2 vào 2 trong 3 trường THPT (Chu Văn An, Kim Liên, Việt Đức), NV3 (nếu có) thuộc KVTS bất kỳ.
Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển (và xác nhận nhập học) vào một trường THPT công lập không chuyên duy nhất. Học sinh trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển (ĐXT) cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1 và NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có ĐXT cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường THPT công lập được phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Sắp xếp nguyện vọng thế nào cho đúng?
Năm nào cũng xảy ra các tình trạng "dở khóc, dở cười" trong đăng ký NV như: học sinh có điểm thi cao nhưng trượt hết các NV; học sinh học giỏi nhưng chọn trường tốp giữa dẫn đến thừa điểm vào trường tốp; học sinh có sức học trung bình, do đua theo bạn chọn NV1 ở trường tốp trên nên bị trượt; học sinh chọn NV1 và NV2 quá sát nhau, dẫn đến trượt cả 2 NV. Học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 NV dẫn đến trượt; học sinh chỉ đăng ký 2 NV và không đỗ NV nào; học sinh trượt hết 3 NV do sắp xếp và lựa chọn NV không phù hợp...
Theo ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội), để tận dụng tối đa cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì học sinh và phụ huynh cần biết cách sắp xếp NV đúng.
Trước tiên, học sinh căn cứ vào năng lực học tập, đối chiếu với điểm chuẩn của trường trong vài năm gần đây. NV1 cần là trường có điểm chuẩn phù hợp với năng lực, sở thích. NV2 cần đặt là trường có điểm chuẩn thấp hơn 2 - 3 điểm so với điểm chuẩn của trường NV1 và cùng thuộc khu vực tuyển sinh.
Với NV3, học sinh được lựa chọn ở khu vực tuyển sinh bất kỳ. Đây được xác định là NV cứu cánh, dự phòng nếu chẳng may học sinh trượt cả hai NV đầu. NV3 cần đặt là trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường NV2, thậm chí chênh nhiều hơn 3 điểm.
Kỳ thi vào lớp 10 năm nay dự kiến tăng khoảng 5.000 học sinh so với năm học trước. Toàn thành phố có 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS; trong đó, số được tuyển vào trường THPT công lập là 81.200 em (khoảng 61%), còn lại khoảng 51.800 em sẽ học các loại hình trường khác (trường tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, trường nghề).
Kỳ thi diễn ra ngày 8- 9/6 với 3 môn: Ngữ văn (120 phút), Toán (120 phút) và Ngoại ngữ (60 phút). Trong đó, Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.