Người bệnh vào viện điều trị từ trước ngày 20/8/2019 vẫn tiếp tục áp dụng mức giá dịch vụ cũ, giá mới áp dụng với người bệnh vào viện từ ngày 20/8/2019.
Theo cả hai Thông tư này, từ ngày 20/8/2019, giá khám bệnh BHYT tăng nhẹ tại tất cả các tuyến bệnh viện. Cụ thể:
Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 38.700 đồng (tăng 1.700 đồng)
Bệnh viện hạng II: 34.500 đồng (tăng 1.500 đồng)
Bệnh viện hạng III: 30.500 đồng (tăng 1.500 đồng)
Bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng (tăng 1.500 đồng).
Ngoài ra, hai Thông tư còn quy định tăng giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác… Theo đó, tại bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh là 782.000 đồng/ngày (tăng 29.000 đồng); Đối với bệnh viện hạng I, mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II là 602.000 đồng/ngày…
Theo Bộ Y tế, so với Thông tư 37 và Thông tư 39 thì không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019).
Mức giá điều chỉnh tăng bình quân như sau: Giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1% - ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho hay.
Về khả năng cân đối quỹ BHYT, từ số liệu đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước tính khi điều chỉnh mức lương từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng; Bộ Y tế đã đánh giá việc điều mức lương lên 1.490.000 đồng thì vẫn bảo đảm khả năng cân đối Quỹ BHYT.
Từ ngày 20/8/2019, giá khám bệnh BHYT tăng nhẹ tại tất cả các tuyến bệnh viện. Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Thông tư này không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, người sinh sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100%.
Đối với người cận nghèo, tỷ lệ đồng chi trả là 5% (tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 4,4% đối với ngày giường, 1,1% đối với các dịch vụ khác) nên mức độ tác động không đáng kể (tăng thêm 5% của 4,4% đối với ngày giường là 0,22%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,05%).
Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều (tăng thêm 20% của 4,4% đối với ngày giường là 0,88%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,2%).
Mặt khác, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 06 tháng lương cơ sở thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương 1.490.000 đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí KCB BHYT hơn khi thực hiện mức giá theo Thông tư 39 (từ 8.340.000 đồng lên 8.940.000 đồng).
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc điều chỉnh giá lần này vẫn chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế; các bệnh viện có nguồn kinh phí để trả lương theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh:
Stt | Các loại dịch vụ | BV hạng Đặc biệt | BV hạng I | BV hạng II | BV hạng III | BV hạng IV |
A | B | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
1 | Ngày điều trị Hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc | 782.000 | 705.000 | 602.000 | ||
2 | Ngày giường bệnh Hồi sức cấp cứu | 458.000 | 427.000 | 325.000 | 282.000 | 251.000 |
3 | Ngày giường bệnh Nội khoa: | |||||
3.1 | Loại 1: Các khoa: Truyền nhiễm, Hô hấp, Huyết học, Ung thư, Tim mạch, Tâm thần, Thần kinh, Nhi, Tiêu hoá, Thận học; Nội tiết; Dị ứng (đối với bệnh nhân dị ứng thuốc nặng: Stevens Jonhson hoặc Lyell) | 242.000 | 226.000 | 187.000 | 171.000 | 152.000 |
Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh | 242.000 | |||||
3.2 | Loại 2: Các Khoa: Cơ-Xương-Khớp, Da liễu, Dị ứng, Tai-Mũi-Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Ngoại, Phụ-Sản không mổ; Y học dân tộc hoặc Phục hồi chức năng cho nhóm người bệnh tổn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não. | 219.700 | 203.600 | 160.000 | 149.100 | 132.700 |
Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh | 219.700 | |||||
3.3 | Loại 3: Các khoa: Y học dân tộc, Phục hồi chức năng | 185.100 | 171.400 | 130.600 | 121.100 | 112.000 |
4 | Ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng: | |||||
4.1 | Loại 1: Sau các phẫu thuật loại đặc biệt; Bỏng độ 3-4 trên 70% diện tích cơ thể | 336.700 | 303.800 | 256.300 | ||
Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh | 336.700 | |||||
4.2 | Loại 2: Sau các phẫu thuật loại 1; Bỏng độ 3-4 từ 25 -70% diện tích cơ thể | 300.500 | 276.500 | 223.800 | 198.300 | 178.300 |
Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh | 300.500 | |||||
4.3 | Loại 3: Sau các phẫu thuật loại 2; Bỏng độ 2 trên 30% diện tích cơ thể, Bỏng độ 3-4 dưới 25% diện tích cơ thể | 260.900 | 241.700 | 199.200 | 175.600 | 155.300 |
Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh | 260.900 | |||||
4.4 | Loại 4: Sau các phẫu thuật loại 3; Bỏng độ 1, độ 2 dưới 30% diện tích cơ thể | 234.800 | 216.500 | 170.800 | 148.600 | 134.700 |
5 | Ngày giường trạm y tế xã | 56.000 | ||||
6 | Ngày giường bệnh ban ngày | Được tính bằng 0,3 lần giá ngày giường của các khoa và loại phòng tương ứng. | ||||
Ghi chú: Giá ngày giường điều trị nội trú chưa bao gồm chi phí máy thở và khí y tế. |