Hollywood và những thước phim trung thực về chiến tranh Việt Nam

29-04-2012 14:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

Chiến tranh Việt Nam là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử đương đại Mỹ nên nó là một trong số những đề tài được Hollywood khai thác nhiều nhất.

Chiến tranh Việt Nam là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử đương đại Mỹ nên nó là một trong số những đề tài được Hollywood khai thác nhiều nhất. Gần 40 năm qua, mỗi khi tháng tư về, các kênh truyền hình Mỹ đều đồng loạt cho ra mắt hoặc chiếu lại những thước phim tư liệu và điện ảnh về đề tài này. Trong số đó, có nhiều bộ phim phản ánh không đúng sự thật về cuộc chiến với góc nhìn phiến diện và thiên vị. Nhưng cũng có không ít sự thật được phơi bày bởi một số nhà làm phim độc lập chân chính...

Khi các nhà làm phim coi trọng sự thật hơn mục tiêu chính trị

Đó là vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20 Hollywood xuất hiện liên tiếp những bộ phim tài liệu có tính chất phản chiến. Bấy giờ, một số nhà làm phim ở Hollywood bắt đầu nhận ra rằng lâu nay họ bị lừa bởi một kho sử liệu thiếu chân thực và các “xảo thuật” thông tin do bộ phận quan hệ công chúng của quân đội Mỹ cung cấp. Vì mục đích chính trị, Chính phủ Mỹ đã muốn thông qua giới truyền thông để bóp méo sự thật về cuộc chiến ở Việt Nam (VN). Để chống lại mưu mô này, từ cuối thập niên 1960, một số nhà làm phim độc lập Mỹ - với quan điểm tiến bộ - đã độc lập đi thu thập hình ảnh ngay tại chiến trường VN. Kết quả là đã có hàng chục bộ phim “phản ánh sự thật”, “trả lại sự thật” về chiến tranh VN ra đời.

Trong số này, đầu tiên phải kể đến bộ phim tài liệu In the year of the pig (Năm Hợi) của đạo diễn Emile de Antonio ra mắt năm 1969. Với những cuộc phỏng vấn các nhà báo, chính khách, quan chức và cựu chiến binh cả Mỹ và Ngụy, Antonio đã vạch trần sự thật mà trước đó chưa bộ phim nào dám động đến, rằng: Chính sách can thiệp của Mỹ là âm mưu đã được hoạch định trước. Điều đặc biệt là dù bộ phim hoàn thành năm 1968, trước khi Hội nghị Paris kết thúc, càng trước khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, nhưng nó đã nói về sự thất bại của người Mỹ như là kết quả không thể tránh khỏi của một chính sách can thiệp đầy mưu mô!

Tiếp đến là các phim như Phỏng vấn các cựu chiến binh Mỹ Lai (1970) của đạo diễn thiên tài Joseph Shick; Khóa huấn luyện căn bản (1971) của nhà làm phim Frederic Wiseman, Trái tim và khối óc (1973) của đạo diễn Peter Davis… Trong những phim này, các nhà làm phim độc lập đã cố gắng đi tìm câu trả lời: Sự có mặt của người Mỹ trong chiến tranh VN là đúng hay sai!? Những tìm hiểu cặn kẽ và lý giải xác đáng của họ, đặc biệt là cách vạch trần sự ngụy biện mù quáng được Chính phủ Mỹ dùng làm bình phong che đậy âm mưu đen tối của cuộc chiến, đã khiến các phim gây được sự chú ý của công luận. Đáng chú ý nhất là phim Winter soldier (Lính mùa đông) ra mắt năm 1972. So với toàn bộ các phim tài liệu nói về chiến tranh VN, đây là bộ phim có tác động công luận mạnh mẽ nhất.
 
Trở về từ cuộc chiến, các cựu chiến binh nhận thức được rằng họ đã tham gia tàn sát những người vô tội mà không bị đưa ra tòa án binh. Trước sự cắn xé của lương tâm và sự dối trá trắng trợn của các phương tiện truyền thông đại chúng, gần 200 cựu chiến binh đã quyết định tập hợp lại để cùng kể ra những hành vi tàn ác man rợ mà họ từng làm ở VN nhân danh “văn minh phương Tây” như bắn trẻ em, người già, hãm hiếp phụ nữ), tra tấn, ném tù binh ra khỏi máy bay... Họ cũng kể lại quá trình “tẩy não” trong trường huấn luyện – nơi họ được dạy dỗ phải bóp chết đạo đức và buông thả bản năng xâm lược. Những lời sám hối này đã được một nhóm nhà làm phim độc lập thu hình lại và biên tập thành một bộ phim dài 95 phút.
 
Bước sang thập niên 1980, đây được xem như là giai đoạn cao trào của phim chiến tranh VN. Rất nhiều nhà làm phim đã đổ xô vào khai thác đề tài này trên quan điểm xét lại lịch sử và tôn trọng sự thật. Trong số đó, thành công nhất phải kể đến đạo diễn lừng danh Oliver Stone. Cả 3 bộ phim về chiến tranh VN của Oliver đều dựa trên những câu chuyện có thật, đều thành công về nghệ thuật và đặc biệt thắng lớn về thương mại. Đó là các phim: Trung đội (1986),Sinh ngày mùng 4 tháng 7 (1989), Trời và đất (1993). Trong đó, Trung đội là góc nhìn của một người lính bộ binh trẻ tuổi mơ mộng đã xung phong sang VN chiến đấu nhưng tại đây, anh nhận ra cuộc chiến do người Mỹ thực hiện có rất ít liên hệ với chủ nghĩa yêu nước cao cả mà anh tôn thờ.
 
Anh và những người cùng trung đội cuối cùng đã đưa ra một câu hỏi về động cơ và nguyên do chính trị đằng sau cuộc chiến - những vấn đề từ lâu đã bị người ta cố tình che đậy; Sinh ngày mùng 4 tháng 7 được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của anh thương binh tàn phế cả hai chân Ron Kovic. Bị xúi giục bởi những chuyện hoang đường của phim ảnh và truyền thông trước đó đã vẽ lên, Kovic tình nguyện đi phục vụ trong quân ngũ để rồi sau đó nhận ra bộ mặt thật của cuộc chiến mà anh tham gia. Còn Trời và đất là cách nhìn chiến tranh và hậu quả ám ảnh day dứt của nó qua lăng kính của một phụ nữ VN kéo dài trong khoảng thời gian gần 40 năm cuộc đời.

Hollywood đề cao những thước phim chân thực

Để bảo vệ những ranh giới độc lập của nghệ thuật, chủ nghĩa xét lại mới của Hollywood đã đề cao những thước phim trung thực và những cách làm phim nghiêm túc. Thay vì chiều theo những mưu đồ chính trị, Hollywood đã đánh giá cao nỗ lực của các nhà làm phim độc lập khi họ cố gắng cho công chúng Mỹ và cả thế giới thấy sự thật về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở VN và sự vô vọng mà người Mỹ theo đuổi. Tuy nhiên, những nỗ lực này không phải lúc nào cũng được ghi nhận.

Ngay khi mới xuất hiện, bộ phim Năm Hợi đã gây ra tranh luận dữ dội. Ở Mỹ, một số rạp chiếu phim này bị khán giả phá hoại, rạp chiếu ở Houston còn bị đe dọa đánh bom. Ở Pháp, sau một thời gian chiếu phim và thu hút được khá nhiều lượt khán giả, các rạp phim bị tấn công bằng “bom” chất bẩn. Thế nhưng, không ai ngờ rằng, Hollywood dám dũng cảm đề cao những thước phim dám nhìn thẳng vào sự thật như vậy. Một năm sau (1970), Năm Hợi đã có mặt trong danh sách đề cử giải Oscar cho Phim tài liệu hay nhất.

Khi Lính mùa đông ra đời năm 1972, nó đã bị các phương tiện thông tin chính thống của Chính phủ Mỹ tẩy chay. Bộ phim dù sau đó được chiếu ở Liên hoan phim Berlin và Cannes, được đón nhận nồng nhiệt ở châu Âu, nhưng vẫn bị các kênh truyền hình lớn tại Mỹ từ chối phát sóng. Tại Mỹ, bộ phim bị nhận xét là “gây nhiều tranh cãi” do trình chiếu trong thời điểm nhạy cảm khi mà cuộc chiến của Mỹ tại VN đang diễn ra ác liệt. Vì thế, nó đã bị xếp xó sau khi xuất hiện ngắn ngủi trên một kênh truyền hình địa phương ở New York. Mãi đến tháng 8/2005, lần đầu tiên Lính mùa đông mới được trình chiếu rộng rãi trước công chúng Mỹ.

Thế giới điện ảnh Hollywood vốn không ủng hộ chiến tranh tại VN của Mỹ nên cũng đã không do dự khi trao cho phim Trái tim và khối óc giải thưởng danh giá Oscar Phim tài liệu hay nhất năm 1974. Đề tài về cuộc chiến tranh tại Việt Nam mang lại những vinh quang lớn nhất trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Oliver Stone. Ông đã đoạt tới 2 giải Oscar nhờ 2 bộ phim Trung đội Sinh ngày mùng 4 tháng 7.

Những ghi nhận bằng các giải thưởng danh giá của Hollywood đã khuyến khích và trở thành động lực để ngày càng có thêm nhiều nhà làm phim Mỹ tìm đến đề tài chiến tranh VN theo hướng tôn trọng sự thật, phản ánh khách quan. Với họ, chỉ sự thật mới có thể giải thoát cho những giằng xé trong tâm hồn, mới có thể hàn gắn và hòa giải vết thương chiến tranh. Đó cũng là tất cả những gì mà các nhà làm phim chân chính muốn truyền tải đến khán giả.

Liên Phương
 (Theo sách From Hanoi to Hollywood: The Vietnam war in American Film)

Ý kiến của bạn