Chỉ trong tháng cuối năm 2019, 2 bộ phim Việt Nam là Mắt biếc và Chị chị em em đã khuynh đảo phòng vé với tần suất chiếu và tỷ lệ khán giả lấp đầy rạp cao ngất ngưởng.
Thời của phim thuần Việt
Những ngày này, công chúng yêu phim và dư luận trên mạng xã hội thi nhau đề cập, bàn tán, bình phẩm đánh giá về 2 bộ phim Việt, thậm chí phim Mắt biếc còn là từ khóa số 1 trong xu hướng tìm kiếm của Google Trends ở Việt Nam.
Nếu như Chị chị em em sau buổi ra mắt nhận được rất nhiều sự quan tâm và phân tích khen chê đáng chú ý từ khán giả thì đến phiên Mắt biếc trình làng đã làm bùng nổ một cơn mưa những lời khen tặng có cánh dành cho bộ phim tình cảm lãng mạn này. Tỷ lệ lấp đầy ghế tại rạp của Mắt biếc trong ngày công chiếu (20/12) là trên 80%. Theo Box Office Việt Nam, rất ít thời điểm trong năm phim Việt lấn át hoàn toàn phim ngoại và đẩy lùi các siêu phẩm thế giới ra khỏi ngày công chiếu theo lịch toàn cầu (như hiện tượng Mắt biếc và phần nào hiệu ứng tốt từ Chị chị em em). Đây là một điều hết sức đáng mừng và là tín hiệu đầy tích cực cho ngành sản xuất phim cũng như thị trường phim ảnh trong nước.
Khách quan mà nói, Chị chị em em được đánh giá là một trong những bộ phim mang tính bước ngoặt của điện ảnh Việt Nam khi lựa chọn khai thác đề tài tiểu tam, ngoại tình, giật chồng và đồng tính nữ còn khá mới mẻ đối với điện ảnh Việt Nam. Phim sở hữu nội dung thú vị, cốt truyện nhiều lớp lang, nút thắt. Với tiết tấu phim thay đổi linh hoạt khiến khan giả hồi hộp từng giây phút theo cảm xúc nhân vật. Bên cạnh đó, phim cũng gây ấn tượng bởi những cảnh nóng táo bạo mà không phản cảm. Dù vẫn có nhiều luồng ý kiến tranh cãi về đề tài, nhưng có thể nói bộ phim đầu tay của đạo diễn Kathy Uyên đã phần nào đáp ứng được thị hiếu khán giả. Hình ảnh đẹp mắt, câu chuyện lôi cuốn hấp dẫn và sự đột phá trong diễn xuất của Thanh Hằng, Chi Pu và Lãnh Thanh góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những thước phim mỹ mãn cả về đường nét lẫn ý tứ.
Chị chị em em được đánh giá là một trong những bộ phim mang tính bước ngoặt của điện ảnh Việt Nam.
Chất liệu Việt lên ngôi
Gần đây, phim Việt khá mặn mà với các kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học (TPVH). Theo các nhà chuyên môn nhìn nhận, chuyện TPVH nhộn nhịp lên phim là một tín hiệu tốt cho phim Việt. Thế mạnh dễ thấy nhất của việc chuyển thể chính là sức hấp dẫn sẵn có từ tác phẩm văn chương, bởi hiếm khi người ta chuyển thể một tác phẩm dở. Có một thực tế rõ ràng là, việc văn học với điện ảnh kết duyên với nhau sẽ tạo được nguồn đề tài phong phú, giàu chất nhân văn. Đưa tác phẩm văn học trở thành sản phẩm điện ảnh là mở rộng biên độ người thưởng thức, tìm kiếm thêm đối tượng khán giả, đồng thời khẳng định một lần nữa giá trị, tầm ảnh hưởng, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm văn học ấy. Số đông khán giả thừa nhận, văn học là “mỏ vàng” để phim ảnh khai thác, nếu biết tận dụng một cách uyển chuyển và đúng nghĩa sẽ có được những tác phẩm điện ảnh độc lập và có một giá trị khác biệt. Nhưng người trong cuộc suy nghĩ như thế nào?
“Việc chuyển thể tiểu thuyết thành phim điện ảnh không phải dễ dàng. Bởi tiểu thuyết được viết để trở thành tiểu thuyết. Còn phim đòi hỏi những quy tắc và yếu tố nhất định. Nên sẽ rất bình thường khi phim chuyển thể xuất hiện tình tiết hoặc cấu trúc mới để trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Đó chính là một thách thức” - đạo diễn Victor Vũ - người có niềm đam mê mãnh liệt dành cho kho tàng văn học Việt Nam chia sẻ.
Nói về Mắt biếc, anh tâm sự: “Thật ra, tôi thích chuyển thể tác phẩm văn học. Tôi là người thích đọc sách. Trước đây, tôi cũng làm phim Thiên mệnh anh hùng, được chuyển thể từ Bức huyết thư. Nói chung, cái duyên dẫn tôi đến Mắt biếc xuất phát từ lúc tôi thực hiện dự án Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Lúc đó, trong khi tiếp cận tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi cũng đồng thời đọc Mắt biếc. Mặc dù tôi rất thích tác phẩm này nhưng nó rất khó để chuyển thể. Trước đây, tôi chưa tự tin có thể chuyển thể được mặc dù tôi thấy được chất điện ảnh trong câu chuyện đó, nhưng đa phần câu chuyện nghiêng về nội tâm nhiều hơn”.
Ở khía cạnh xuất bản, Mắt biếc không phải cuốn sách ăn khách bậc nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Thế nhưng, khi được sự trợ lực của nghệ thuật thứ bảy thì mọi thứ đã khác. Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị đang giữ bản quyền Mắt biếc đã tái bản số lượng lớn khi bộ phim được khởi quay và đang chuẩn bị sẵn sàng in thêm khi bộ phim trình làng.
Dù Mắt biếc không có cấu trúc phức tạp của một tiểu thuyết, nhưng những giăng mắc yêu đương vương vấn trong truyện dài này được điện ảnh hóa như thế nào vẫn là một điều khiến công chúng tò mò. Đạo diễn Victor Vũ nhấn mạnh: “Đây cũng là phim tình cảm, lãng mạn hiếm hoi trên thị trường với một câu chuyện nhẹ nhàng, ngọt ngào và không có yếu tố giật gân. Thể loại này vốn không phải sở trường của tôi nên khi thực hiện bộ phim, giống như tôi đã bước ra khỏi vùng an toàn. Tôi nghĩ bản thân mình không sợ bị lặp lại nhưng sẽ là thử thách không hề nhỏ. Nhưng cũng vì khó nên tôi càng cảm thấy hấp dẫn và phải nỗ lực để thực hiện bộ phim. Tôi chỉ mong truyền tải thông điệp, cảm xúc một cách chân thật. Chỉ cần làm được điều đó thôi, đã là thành công!”.
Bản thân các tác phẩm văn học đã mang một sức hấp dẫn riêng, việc tìm đến những tác phẩm này để chuyển thể thành phim là một sự kết hợp “đôi bên cùng có lợi”. Điện ảnh có một chất liệu quý giá để làm phim, còn văn chương có thêm một đời sống để tiếp cận độc giả. Hay nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đây sẽ là cơ hội để “độc giả được thưởng thức một món ăn tới những 2 lần”.
Bên cạnh việc mang chất liệu văn học vào phim, gần đây các đạo diễn cũng chịu khó khai thác các vấn đề hiện thực cuộc sống, câu chuyện thời sự được dư luận xã hội quan tâm. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy cho biết, ê-kíp đã nghiên cứu nhu cầu của khán giả các mùa Tết để lên ý tưởng thực hiện phim. Yếu tố kỳ ảo nhằm bắt kịp sở thích của người xem, đồng thời là cái cớ để truyền tải thông điệp nhẹ nhàng về nhân quả, tình thân, tình bằng hữu... Đây cũng chính là những điểm nổi bật của mùa phim Tết năm nay, tạo nên một lăng kính phản ánh đời sống nhiều màu sắc, thú vị, nhân văn dành cho khán giả đại chúng. Nếu phim nội liên tục “làm ăn” tốt như vậy, có lẽ chẳng bao lâu nữa phim ngoại sẽ “không có cửa” tại các rạp chiếu Việt Nam.