Hồi ức xúc động của NSND Thanh Hoa về ngày thống nhất đất nước

30-04-2015 08:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hòa bình đã 40 năm, song trong tâm trí NSND Thanh Hoa, những ngày tháng lịch sử cùng dân tộc mãi là một phần ký ức không thể nào quên.

Theo tiếng gọi của non sông "không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…", những lớp lớp thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân, quên đi lợi ích cá nhân để xung phong vào chiến trường. Những đóng góp to lớn đó đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình đã 40 năm, những thanh niên ngày ấy giờ đây mái tóc đã bạc, đôi chân đã mỏi song trong tâm trí họ những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc mãi là một phần ký ức không thể quên.

NSND Thanh Hoa để lại 2 con thơ để vào chiến trường

Năm nay đã 65 tuổi, mỗi khi nhắc lại những năm tháng chiến tranh, trong từng ánh mắt, giọng nói của nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Hoa vẫn bừng lên cảm xúc sục sôi, khí thế.

NSND Thanh Hoa

Trải lòng về những ngày tháng ấy, NSND Thanh Hoa cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Âm nhạc, bà trở thành ca sĩ của Đài Phát thanh Giải phóng. Tháng 6/1974, Đài được lệnh chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đó, Thanh Hoa đã có 2 con nhỏ (2 tuổi và 6 tháng tuổi) nên không bắt buộc đi. Song trong tâm trí, tinh thần xung phong ra chiến trường luôn thôi thúc bà phải làm một điều gì đó. Rồi bà quyết định để các con ở lại để đi chiến trường.

“Nhìn con gái thứ 2 còn bú mớm, con gái đầu chưa đầy 2 tuổi, lòng người mẹ như đứt từng khúc ruột. Là diễn viên đơn ca chính của Đài Phát thanh Giải phóng, Thanh Hoa nghĩ Đoàn cần mình và mình không thể ở lại”, NSND Thanh Hoa rưng rưng xúc động kể lại.

Với Thanh Hoa và cả những nghệ sĩ của Đoàn giải phóng khi đó, họ lên đường không phải để trở thành anh hùng, để lịch sử ghi tên họ. Bởi với họ, đi chiến trường là trách nhiệm của người dân đối với đất nước, là ý thức cộng đồng và cũng vì bởi “khát vọng để hòa bình lớn quá, nên người ta quên đi cái mất riêng của mình”.

NSND Thanh Hoa đã đi vào cuộc chiến bằng chính tiếng hát của mình. Bà cùng với những nghệ sĩ của Đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, theo những cuộc hành quân, hát trong mưa bom bão đạn.

Những bài hát mà Thanh Hoa thể hiện như "Đưa anh đi hái măng rừng", "Nổi lửa lên em", "Cánh chim báo tin vui", "Người con gái Pa cô", "Chào đường 9 anh hùng"...đã hòa chung phong trào quần chúng mạnh mẽ rộng khắp, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của bộ đội những ngày đánh Mỹ. Đó là thứ vũ khí đặc biệt góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, chống mọi vũ khí hủy diệt của quân thù, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Nhớ lại ngày thống nhất, nghệ sĩ Thanh Hoa kể: “Niềm vui của chiến thắng xóa bỏ mọi ranh giới, ra đường mọi người cứ ôm chầm lấy nhau. Tôi không nhớ đã ôm, hôn bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, niềm sung sướng đó đã vượt qua cảm nhận đây là ai. Tôi hát và thấy ai đi qua là ôm rồi khóc, ai nấy đều xúc động”.

Khi đất nước thống nhất, đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Giải phóng được về nhiều nơi, những người ở Bắc quay trở về, những người muốn vào Sài Gòn tiếp quản Đài Phát thanh Giải phóng tiếp tục đi vào Nam. Và Thanh Hoa được ưu tiên trở về Bắc vì có 2 con nhỏ.

Với NSND Thanh Hoa, 40 năm qua với nhiều sự thay đổi, nhưng những ngày tháng công tác trong mái nhà chung Đài Phát thanh Giải phóng đã chắp cánh cho giọng hát trời phú của bà. Được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc đối với bà đó là niềm tự hào không gì đánh đổi được.

“Cho đến bây giờ, tôi cũng như đồng đội tôi, những người hành quân năm ấy, không ai đòi hỏi sự đãi ngộ bằng một huân, huy chương gì, chỉ biết rằng ngày thống nhất chúng tôi lại trào nước mắt, nhớ rằng mình đã được trở về với quê hương, và tiếng hát của mình cũng đã góp một chút bé nhỏ trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó”, NSND Thanh Hoa nhớ lại.

Ký ức của Phát thanh viên Đài Phát thanh Giải phóng

Ông Nguyễn Hữu Châu

Không thể quên những ngày tháng tuổi trẻ làm phát thanh viên tại Đài Phát thanh Giải phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đối với ông Nguyễn Hữu Châu - cựu cán bộ Đoàn Đài Phát thanh Giải phóng Trung ương Cục miền Nam, con trai cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đây chính là nơi ông được rèn luyện và trưởng thành.

“Lúc ở Sài Gòn, tuy ở gần dân nhưng lòng tôi rất xa dân. Đó chính là động cơ giúp tôi làm mọi cách, làm thật tốt nhiệm vụ ở Đài Phát thanh Giải phóng”, ông Nguyễn Hữu Châu chia sẻ.

Nhớ như in những buổi phát thanh trong giai đoạn lịch sử đó, ông Châu kể rằng, phát thanh viên thường xuyên đọc thư của Bác Hồ gửi Mặt trận Dân tộc Giải phóng và đồng bào miền Nam. Đây không phải là những bản tin thông thường mà là sự động viên đối với hàng triệu đồng bào, hàng triệu thanh niên đứng lên phát huy lòng yêu nước, vạch tội ác của kẻ thù và tranh thủ sự ủng hộ sự đồng tình của nhân dân thế giới.

Những bản tin của Đài đã tiếp thêm sinh lực mạnh mẽ và diệu kỳ. Nhiều thanh niên trong vùng địch hậu đã được giác ngộ đi theo cách mạng; các chiến sĩ ta ở nhà tù của địch như Côn Đảo, Phú Quốc nhờ nghe lén Đài mà có thêm nghị lực vượt qua đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, giữ vững khí tiết, niềm tin vào ngày chiến thắng.

Cũng từ chương trình binh vận của Đài, đã có không ít binh sĩ của đối phương quay súng trở về với chính nghĩa. Chính vì vậy, ngoài quyết tâm tiêu diệt cơ quan đầu não Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, địch điên cuồng tìm mọi cách tiêu diệt Đài Phát thanh.

Các buổi phát thanh của Đài đã trở thành một lực lượng xung kích mạnh mẽ, lan tỏa khắp chiến trường. Mỗi bản tin, từng buổi phát thanh đã từng ngày, từng giờ đến với đồng bào và chiến sỹ quân giải phóng, kịp thời cập nhật chiến thắng của chúng ta trên khắp chiến trường miền Nam. Động viên, cổ vũ toàn quân, toàn dân vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đặt trọn niềm tin vào ngày chiến thắng mà dấu son huy hoàng là ngày 30/4/1975, kết thúc chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Hữu Châu bồi hồi: “Trong suốt 13 năm, địch dùng mọi vũ khí tối tân nhất nhưng chúng không thể nào ngăn được Đài phát thanh phát đi những bản tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Khmer. Một sự trớ trêu là chúng không tiêu diệt được Đài Phát thanh Giải phóng mà chính lực lượng Đài phát thanh Giải phóng chiếm được Đài phát thanh Sài Gòn - nơi phát thanh viên đọc lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống cuối cùng của chế độ Cộng hòa là Dương Văn Minh. Lúc đó tiếng nói không còn là của phát thanh viên nữa mà là tiếng nói của cả dân tộc Việt Nam, chiến thắng Đế quốc Mỹ xâm lược vang khắp thế giới”.

Trò chuyện với các bạn trẻ trong cuộc giao lưu mới đây tại Đài TNVN, ông Nguyễn Hữu Châu nhấn mạnh: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu đồng bào, thanh niên đã hy sinh. Đó là điều chúng ta không thể nào quên. Có Điện Biên Phủ năm 1954 thì mới có đại thắng mùa xuân năm 1975. Có đại thắng mùa xuân năm 1975 thì mới có độc lập như ngày nay. Thế hệ chiến sĩ như ông gửi gắm và tin chắc thanh niên hiện nay có thể thực hiện được ước mơ của toàn dân tộc, của Bác Hồ là xây dựng đất nước công nghiệp, hiện đại sánh vai cùng các nước. Muốn làm được điều đó, thanh niên tình nguyện hiện nay phải biết phát huy tối đa truyền thống “Năm xung phong”, phong trào “Ba sẵn sàng” của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

 

 


Ý kiến của bạn