Hà Nội

Hồi ức xúc động của giáo sư Đỗ Doãn Đại về Bệnh viện Bạch Mai bị pháo đài bay B52 đánh phá 50 năm trước

21-12-2022 16:55 | Y tế

SKĐS - Là một chứng nhân lịch sử của sự kiện Hà Nội - Điện Biên Phủ không, dù đã 50 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của GS.TS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai hình ảnh bệnh viện đổ nát và các đồng nghiệp thân yêu bị vùi sâu dưới hầm trong lòng bệnh viện như mới hôm qua...

Ngày 21/12, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lễ gặp mặt, tri ân các nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022).

Các đại biểu, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, GS Đỗ Doãn Đại các cựu chiến binh và cán bộ y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai tưởng niệm, dâng hương các Anh hùng liệt sĩ, các nạn nhân bị bom Mỹ sát hại tại Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 12/1972.

28 thầy thuốc đã hy sinh trong lòng Bệnh viện Bạch Mai 50 năm trước

Ngược dòng lịch sử 50 năm trước, khi Hà Nội oằn mình trước những trận tập kích bằng máy bay B52 trong chiến dịch Linebacker II của Không quân Mỹ đánh phá thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc; Bệnh viện Bạch Mai là một trong những cứ điểm phòng không của Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe nhân dân, cứu chữa những chiến sĩ bị thương khi chiến đấu, các cán bộ y tế của Bệnh viện bị thương; Tập thể cán bộ, y bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Bạch Mai cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước.

Trong 12 ngày đêm lịch sử không thể nào quên (từ ngày 18/12 đến ngày 29/12/1972), Bệnh viện Bạch Mai đã 4 lần hứng chịu những trận ném bom hủy diệt. Lịch sử sẽ không bao giờ quên ngày 22/12/1972. Bệnh viện Bạch Mai bị pháo đài bay B52 của Mỹ đánh phá trong lúc Bệnh viện có hơn 300 bệnh nhân nằm điều trị dưới hầm. Trận bom đã đánh sập nhiều khu nhà làm việc và bệnh phòng, lấp kín một số hầm trong đó có nhiều bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý đang chăm sóc người bệnh. 28 đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh...

Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày khắc phục hậu quả, cán bộ y tế toàn Bệnh viện đã tiếp tục công tác cứu người, đặc biệt là những nạn nhân bị thương nặng do bom B52 rải thảm xuống Khâm Thiên và một số khu vực khác trên địa bàn Hà Nội.

Hồi ức xúc động của giáo sư Đỗ Doãn Đại về Bệnh viện Bạch Mai bị pháo đài bay B52 đánh phá 50 năm trước - Ảnh 2.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang (thứ 2 từ trái qua) trao quà tới đại diện các nhân chứng của trận ném bom năm 1972 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hải Nguyễn

Tại lễ tri ân, bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Phương Mai, quận Đống Đa xúc động bày tỏ: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự kiện ngày nào ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn đó như nhắc nhở mỗi chúng ta và những thế hệ hôm nay và mai sau về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Là một chứng nhân lịch sử của sự kiện, dù đã 50 năm trôi qua và hiện đã ở tuổi 97, nhưng trong ký ức của GS.TS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1969-1983) hình ảnh bệnh viện đổ nát và các đồng nghiệp thân yêu bị vùi sâu dưới hầm trong lòng bệnh viện như mới hôm qua… Ông đã bám trụ tại bệnh viện liên tục 12 ngày đêm.

Tại buổi lễ, vị Giáo sư già, bước chân chậm rãi khi bước lên bục phát biểu vẫn nhớ như in những việc xảy ra cách đây 50 năm. Các đồng nghiệp trẻ hôm nay của Bệnh viện Bạch Mai không khỏi bùi ngùi khi nghe ông kể lại: Thời điểm đó, hoang tàn nhất là khu phía trung tâm bệnh viện. Hơn một nửa bị bom đánh sập. Bom dội qua tầng 2 xuống tầng 1 và khoét sâu vào tầng hầm, lấp kín mọi lối ra vào. Các khu khoa Ngoại, Sản, Tai Mũi Họng đều bị bắn phá, mọi dụng cụ đều hư hỏng, vùi lấp. Nơi tổn thất và đau thương nhất là 2 khoa Nội tổng hợp và khoa Da liễu.

Hồi ức xúc động của giáo sư Đỗ Doãn Đại về Bệnh viện Bạch Mai bị pháo đài bay B52 đánh phá 50 năm trước - Ảnh 3.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND phường Phương Mai Bùi Thị Hằng Nga, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân cơ và đại diện Bệnh viện tặng quà tri ân GS Đỗ Doãn Đại

"Phía trong không ngừng la hét, gào khóc, phía ngoài cũng nước mắt lưng tròng. Có những chỗ không thể dùng máy móc để đào bới, các anh em bệnh viện dùng tay không để đào, bới, bê từng cục gạch, khối bê tông ra ngoài để nhanh chóng tiếp cận được vào trong"- GS Đỗ Doãn Đại nhớ lại.

Trong ký ức của vị giáo sư 97 tuổi, khi ấy, Bệnh viện Bạch Mai tan hoang, các trang thiết bị bị tàn phá, đồ đạc văng khắp nơi. Vào thời điểm đó, đau thương bao trùm bệnh viện, nhưng mọi người đều khẩn trương khôi phục lại từ đống đổ nát vì có hơn 300 bệnh nhân vẫn cần phải chữa bệnh. Bệnh viện đã không ngừng hoạt động một ngày nào...

Nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân, chiến sĩ áo trắng Bạch Mai có mặt mọi điểm nóng chống dịch COVID-19

Hồi ức xúc động của giáo sư Đỗ Doãn Đại về Bệnh viện Bạch Mai bị pháo đài bay B52 đánh phá 50 năm trước - Ảnh 4.

Tại lễ tri ân, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang (ngoài cùng bên trái) đã tặng cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai là nhân chứng lịch sử trận chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12- 1972 số tiền 288 triệu đồng.

Bày tỏ niềm khâm phục, tự hào về sự dũng cảm, kiên cường và sáng tạo của các thế hệ cha anh trong cuộc chiến bảo vệ và giành độc lập dân tộc, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, 50 năm đi qua, lịch sử đã sang trang mới, lớp lớp các thế hệ cán bộ Bạch Mai đã xây dựng bệnh viện từ đổ nát trong chiến tranh trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước.

Tiếp bước cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cựu chiến binh của Bệnh viện vẫn luôn giữ vững phẩm chất "anh bộ đội Cụ Hồ" trong nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân trong nhiều năm qua. 

Nhiều Cựu chiến binh đã phấn đấu vươn lên, không ngại khó, ngại khổ ra sức học tập, nâng cao tay nghề, đạo đức người thầy thuốc, đã trở thành những nhà khoa học, những thầy thuốc hàng đầu của ngành y tế.

Trong đại dịch COVID-19 thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cử nhiều đoàn công tác với gần 1.000 lượt cán bộ, chuyên gia đầu ngành và nhân viên y tế mang theo trang thiết bị y tế, hỗ trợ các địa phương trên cả nước nhanh chóng khoanh vùng dập dịch.

"Có thể nói, trong thời bình, các chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nối truyền thống cha ông, cũng xẻ dọc đất nước, tham gia trên mọi trận tuyến để chiến đấu với kẻ thù vô hình- giặc COVID-19"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.

Hồi ức xúc động của giáo sư Đỗ Doãn Đại về Bệnh viện Bạch Mai bị pháo đài bay B52 đánh phá 50 năm trước - Ảnh 6.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ôn lại truyền thống hào hùng của Bệnh viện Bạch Mai

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai là nhân chứng lịch sử trận chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972 số tiền 288 triệu đồng. 

Sáng 21/12: Các biến thể COVID-19 mới có thể vẫn xuất hiện làm dịch phức tạp, phải đẩy nhanh tiêm vaccineSáng 21/12: Các biến thể COVID-19 mới có thể vẫn xuất hiện làm dịch phức tạp, phải đẩy nhanh tiêm vaccine

SKĐS - Hiện có gần 40 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị; Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết 2023; Việt Nam đã tiêm hơn 265,2 triệu liều vaccine COVID-19, nhiều nơi vẫn tiêm chậm mũi 3 và tiêm cho trẻ.

Thái Bình
Ý kiến của bạn