Hà Nội

Hồi ức người cựu binh Gạc Ma và những hy sinh không bị lãng quên

14-03-2022 06:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Những chiến sỹ Gạc Ma như ông Thống đã can trường đấu tranh để bảo vệ đảo đá. Có những đồng đội hy sinh, có người mang thương tật rồi bị bắt giữ để ngày trở về kể lại những giây phút hào hùng.

Sự kiện Gạc Ma 14/3/1988, ngày mà những chiến sỹ can trường đã anh dũng đấu tranh để bảo vệ khu vực đảo thuộc chủ quyền của Tổ quốc trước sự xâm phạm của Trung Quốc. Sự kiện ấy nằm lại ở quá khứ, nhiều đồng đội đã hy sinh và nằm lại tại biển sâu, những người cựu binh trở về với nhiều thương tật.

Với người cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống (SN 1964) trú tại thôn Khối, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), ông sẽ không bao giờ quên những khoảnh khắc bi tráng và những năm tháng tù đày ở Trung Quốc.

Hồi ức người cựu binh Gạc Ma và mong muốn sự hy sinh của đồng đội không bị lãng quên - Ảnh 1.

Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống.

Trong hồi ức của cựu binh Nguyễn Văn Thống, ông vẫn nhớ như in giây phút quân Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công vào tàu và lực lượng công binh, lính giữ đảo của ta. Sau trận chiến ấy, 64 đồng đội cuả ông hy sinh. 9 người bị, trong đó có ông bị phía Trung Quốc bắt giữ.

Đó là vào khoảng 6h sáng 14/3/1988, nhóm gần 50 người là lính của Trung Quốc mang súng AK bao vây, áp sát bộ đội ta. Lúc đó, các chiến sỹ phía ta tổ chức đội hình để bảo vệ lá cờ Tổ quốc được cắm trên đảo. Sau một hồi giằng cờ và uy hiếp tinh thần của ta, sỹ quan chỉ huy lính Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi bắn vào Thiếu úy Trần Văn Phương. Người chiến sỹ này ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ Tổ quốc.

Trung sỹ Nguyễn Văn Lanh chạy lên đỡ lá cờ trên tay Thiếu úy Phương. Một lính Trung Quốc gần đó đâm lưỡi lê vào Trung sỹ Lanh khiến anh gục xuống, nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ.

Hồi ức người cựu binh Gạc Ma và mong muốn sự hy sinh của đồng đội không bị lãng quên - Ảnh 2.

Tàu HQ604 (ảnh: internet).

Cùng lúc đó, tàu chiến Trung Quốc tăng tốc, áp sát đảo, áp sát tàu HQ 604 rồi bắn pháo khiến tàu hư hỏng nặng và chìm. Nhiều chiến sĩ trên tàu bị thương nặng hy sinh và chìm cùng tàu. Những người may mắn sống sót với nhiều thương tích cố bám víu vật thể nổi rồi lênh đênh giữa biển.

Ông Thống kể, sau khi ngụp lặn khỏi con tàu đang chìm dần, ông níu lấy tấm ván gỗ và để mặc nó trôi trên biển. Đến khoảng 4h chiều 14/3, ông Thống đang ôm tấm ván gỗ lênh đênh trên biển thì gặp người đồng đội là ông Lê Văn Đông.

Hồi ức người cựu binh Gạc Ma và mong muốn sự hy sinh của đồng đội không bị lãng quên - Ảnh 3.

Bàn tay của ông Thống đã không còn lành lặn bởi cuộc chiến năm xưa.

Vừa là đồng đội và đồng hương huyện Bố Trạch (Quảng Bình), tìm thấy nhau trong hoàn cảnh éo le bởi lúc ấy ai nấy đều bị thương nặng, sức kiệt nên họ chỉ dặn nhau: "Nếu ai sống sót trở về thì nhắn với gia đình rằng mình đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc. Chết vinh quang!". Sau đó, ông Thống cùng 9 đồng đội khác bị quân Trung Quốc phát hiện và bắt lên tàu, đưa về bán đảo Lôi Châu.

"Khi đó tui kiệt sức, máu chảy nhiều nên ngất lịm, không biết chi nữa. Mãi đến 3 ngày sau, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình ở trong nhà giam. Khoảng vài tháng đầu, ngày mô cũng rứa (thế), sáng cũng như chiều đều bị dựng dậy lần lượt hỏi cung từng người: Ai chỉ huy, quân số bao nhiêu, vũ khí loại gì... Chúng tôi đều nói không biết. Chúng tôi là lính, chỉ biết nhiệm vụ được giao là xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Thống chia sẻ.

Sau hơn 3 năm 5 tháng giam cầm, hỏi cung, tuyên truyền đủ cách nhưng không khai thác được gì từ những người lính kiên cường. Đến tháng 8/1991, phía Trung Quốc đành trao trả 9 tù binh Gạc Ma về Việt Nam.

Hồi ức người cựu binh Gạc Ma và mong muốn sự hy sinh của đồng đội không bị lãng quên - Ảnh 4.

Đóng góp của ông Thống cho Tổ quốc được ghi nhận.

"Trước ngày được thả, được thiết đãi bữa cơm ngon hơn ngày thường. Ăn xong, tối hôm đó chẳng ai ngủ được. Cứ nghĩ điều tốt thì ít mà điềm dữ thì nhiều. Đến sáng sớm hôm sau, mọi người được dẫn lên xe ra khỏi trại trong sự áp tải của hàng chục binh lính cùng vũ khí. Khi xe chạy được một đoạn thì chỉ huy cuộc áp tải rút tờ giấy ra đọc: "Hôm nay Chính phủ Trung Quốc phóng thích tù binh Việt Nam về nước", ông Thống nhớ lại.

Sự kiện tại Gạc Ma khiến phần mặt phía bên trái của ông bị biến dạng, mất đi một phần bàn tay và bàn chân. Trở về quê, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thống lấy vợ, được địa phương cấp cho một đám đất cạnh chợ Nhân Trạch và giao đảm nhận khâu vệ sinh, thu gom rác trong chợ làm sinh kế.

Sự kiện tàn khốc đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng nhiều năm qua, cứ đến dịp 14/3, ông Thống và những người đồng đội còn sống trong sự kiện Gạc Ma đều tổ chức gặp gỡ. Họ ôn lại quá khứ hào hùng và tưởng nhớ những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Hồi ức người cựu binh Gạc Ma và mong muốn sự hy sinh của đồng đội không bị lãng quên - Ảnh 5.

Đến dịp 14/3 hằng năm, ông Thống và những người đồng đội còn sống trong sự kiện Gạc Ma đều tổ chức gặp gỡ ôn lại quá khứ hào hùng và tưởng nhớ những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.

"Điều tui mong nhất là cứ đến ngày 14/3 hàng năm, những người đồng đội còn sống trong trận chiến Gạc Ma được gặp gỡ, ôn lại quá khứ và tưởng nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh. Cùng với đó mong muốn các thế hệ sau này hãy tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma để hiểu được những gian khổ, hy sinh mà tôi và đồng đội đã trải qua", ông Thống chia sẻ.

Đường Trường Sơn xe anh qua - Hồng Liên và tốp nữ 


Hùng Trần
Ý kiến của bạn