Trong số hàng vạn người cùng làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, có không ít ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên của các đoàn văn công đi phục vụ chiến dịch. Họ đã hợp thành một “binh chủng đặc biệt” trong đội hình chiến đấu với nhiệm vụ động viên, khích lệ, củng cố niềm tin cho những người lính, thương bệnh binh. Gặp lại các cựu văn công từng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa mới thấy dù hai phần ba đời người đã trôi qua nhưng hồi ức của họ về những ngày được biểu diễn trên chiến hào vẫn còn tươi mới, vẹn nguyên...
Chúng tôi chỉ biết hát hết mình
Tại cuộc giao lưu với các nhân chứng Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên và ra mắt tập sách quý “Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 - 2009” (NXB Chính trị Quốc gia), bà Trần Thị Ngà - cô văn công xinh đẹp của Tổng cục Chính trị năm xưa có lẽ là người được cánh báo chí quan tâm, xin phỏng vấn nhiều nhất. Giản dị và khiêm tốn, bà kể: “Vừa chân ướt chân ráo vào đoàn, chúng tôi đã nhận được lệnh theo Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) đi phục vụ chiến dịch Điện Biên. Tôi vừa hát, vừa múa vừa kiêm cả đóng kịch. Chúng tôi chủ yếu biểu diễn phục vụ thương binh. Nói là biểu diễn nhưng thực ra là ở bên cạnh thương binh hát cho anh em nghe, mong họ quên đi nỗi đau đớn về thể xác. Ấn tượng của tôi khi ấy là các anh thương binh còn rất trẻ nhưng dũng cảm lắm. Vì thế chúng tôi sẵn sàng hát không biết mệt mỏi, bất kể ngày đêm. Chúng tôi tự biết rằng, so với các chiến sĩ trên chiến trường gian khổ, mình chỉ ở vòng ngoài, chẳng có công lao gì nhiều, gọi là góp phần một chút thôi”.
Văn công biểu diễn trên Điện Biên Phủ. |
Ước gì được nghe Kim Ngọc hát
Thiếu tá, NSƯT Nguyễn Thị Kim Ngọc, diễn viên đội văn công Đại đoàn 312 từng là một “ngôi sao” trong giới văn nghệ sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ hơn nửa thế kỷ trước. Bà hồi tưởng lại: “Văn công chúng tôi ngay cả khi biểu diễn cũng chỉ mặc đồ bình thường, quần xắn lên đến đầu gối vì phải đứng dưới chiến hào. Những hôm mưa, nước ngập, bùn lầy lội thì phải xắn đến tận bẹn. Đêm gột bùn đi mà ngủ chứ không có nước rửa ráy, giặt giũ, cứ chịu bẩn như thế hàng mấy tháng trời. Nhạc cụ phục vụ biểu diễn cũng chẳng có gì, chủ yếu là “hát chay”. Sau đơn vị anh Phan Đình Giót lấy được cây đàn accordeon chiến lợi phẩm đem tặng, đội văn công mới có đàn để hát suốt chiến dịch. Những ngày ở Điện Biên mưa nhiều lắm, nhưng chỉ có cái đàn được che mưa vì có một miếng nylon là rất quý, còn lại toàn bộ diễn viên trong đoàn đều phải dầm mưa dãi nắng cả.
Tôi luôn được ưu tiên tham gia biểu diễn ở những mặt trận nóng bỏng nhất. Một lần khi tôi đang ở mặt trận khu lòng chảo dưới Him Lam thì nghe hai anh thương binh nói chuyện với nhau: “Ở đại đoàn 312 có cô Kim Ngọc, cô ấy xinh đẹp mà hát hay lắm. Ước gì được một lần nghe cô ấy hát”. Chiến sĩ kia bảo đồng đội: “Muốn gặp Kim Ngọc thì phải chiến đấu dũng cảm, được về đại hội mừng công sẽ gặp cô ấy ngay”. Thế là tôi liền hát luôn hàng chục bài cho các anh ấy nghe. Chiến sĩ biết tôi bảo: “Đấy, Kim Ngọc đấy. Không phải về đại hội mừng công mới gặp Kim Ngọc nữa đâu mà ngay ở đây đã được nghe Kim Ngọc rồi”. Thế là anh chiến sĩ bị mù cả hai mắt trạc tuổi 18 - 20 kia ôm choàng lấy tôi, xoa đầu, vuốt tóc khiến tôi xúc động phát khóc”.
Văn công cũng là lính
Ông Lê Doãn Khôi, nguyên Văn công Tổng cục Chính trị, một trong 161 nhân chứng có mặt trong cuốn hồi ký “Chuyện những người làm nên lịch sử” kể: Trước khi chiến dịch mở màn, chúng tôi hát múa động viên bộ đội, vào chiến dịch thì hát cho thương bệnh binh, phục vụ cả dân công hỏa tuyến rồi lại tham gia làm đường. Trên đường hành quân vào chiến dịch, anh Đỗ Nhuận khi ấy là Phó đoàn đã sáng tác bài Hành quân xa, có câu “Đâu có giặc là ta cứ đi”. Chúng tôi là những người đầu tiên được học bài hát ấy, sau nó trở thành bài hát tủ của đoàn.
Trong văn công Tổng cục Chính trị có ba người may mắn được chọn vào đội xung kích: anh Đỗ Nhuận violon, anh Trần Ngọc Sương accordeon và anh Nguyễn Tiến. Trận Him Lam mở màn, các anh ấy vào sát chiến tuyến hát cho bộ đội nghe trên đường vào trận đánh. Gần đồn địch nên chỉ được hát nhỏ thôi, bài Hành quân xa. Họ cứ đứng bên ngách hào mà hát, hết lượt này đến lượt khác. Anh em bộ đội lần lượt đi qua, có khi chỉ nghe được vài câu rồi vào trận, có người sau đó không về nữa”!
Cô văn công thêu lá cờ Quyết chiến quyết thắng
Tháng 6/1951, chưa tròn 15 tuổi, bà Ngô Thị Ngọc Diệp đã được tuyển vào Đoàn văn công Đại đoàn 308 để đi phục vụ bộ đội trong các chiến dịch Hòa Bình rồi Tây Bắc. Đến cuối năm 1953, bà có mặt tại Điện Biên Phủ. Rất đỗi tự hào về những năm tháng phục vụ chiến dịch, bà Diệp tâm sự: Là văn công nhưng chúng tôi được trang bị như một chiến sĩ xung kích, từ súng, đạn, lựu đạn, cuốc xẻng, bao gạo đến túi bông băng và nhiều thứ khác. Trên chiến trường, chiến sự diễn ra ác liệt. Các chiến sĩ văn công được chia thành từng tổ theo phục vụ các đại đội, trung đội ngay tại chiến hào. Bộ đội ta giữ chốt, đào hào, đánh địch trở về, chúng tôi lại hát cho các anh nghe. Thời gian này, đoàn có hai điệu múa “Xòe hoa” và “Khoe giày” được biểu diễn nhiều nhất... Tôi còn nhớ, một hôm, tôi và anh Phùng Đệ được giao nhiệm vụ làm một lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” để Đại đoàn 308 tặng một đơn vị xung kích làm nhiệm vụ đặc biệt. Khi ấy thiếu thốn đủ thứ chứ đừng nói đến chỉ thêu. Chúng tôi đã nghĩ ra sáng kiến lấy thuốc ký ninh để nhuộm vải rồi tách ra làm chỉ màu vàng. Anh Đệ kiếm một miếng bìa cắt ngôi sao và kẻ chữ cho tôi thêu theo. Do ăn uống thất thường, cuộc chiến gian khổ, ác liệt, tôi lại bị sốt rét, tay run, nhiều lúc rơi cả kim, nhưng vẫn cố gắng. Khoảng một tuần thì chúng tôi thêu xong lá cờ đỏ sao vàng có dòng chữ “Quyết chiến quyết thắng”. Đó cũng là lúc tôi phải vào trạm điều trị tiền phương của mặt trận cấp cứu vì sốt rét...
Thục Yên (ghi)