Hà Nội

Hồi sức tích cực nhi – BV Sản Nhi Bắc Ninh: Nơi giành giật sự sống cho bệnh nhi nặng

09-12-2022 09:56 | Y tế
google news

Hồi sức tích cực nhi là một trong những khoa có môi trường làm việc căng thẳng và áp lực nhất tại BV Sản Nhi Bắc Ninh. Bởi hầu hết bệnh nhân đã chuyển lên hồi sức là bệnh nhân nặng, rất nặng, thậm chí sự sống chỉ tính trong gang tấc.

Mặc dù khó khăn, vất vả và áp lực nhưng các y, bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực nhi vẫn luôn từng ngày, từng giờ nỗ lực triển khai kĩ thuật mới tại đơn vị, hỗ trợ tuyến dưới để thực hiện sứ mệnh giành giật sự sống cho bệnh nhi nặng.

* Triển khai thành công kĩ thuật lọc máu liên tục

Hồi sức tích cực nhi – BV Sản Nhi Bắc Ninh: Nơi giành giật sự sống cho bệnh nhi nặng - Ảnh 1.

Lọc máu liên tục đóng vai trò chủ đạo giúp cải thiện rõ rệt về mặt điều trị với trẻ bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, đặc biệt là trẻ bị tay chân miệng nặng

Một trong những điểm nhấn của khoa Hồi sức tích cực nhi trong năm 2022 là triển khai thành công kĩ thuật lọc máu liên tục. Với những trường hợp nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, bệnh tay chân miệng nặng…thì kĩ thuật này đóng vai trò lớn giúp cải thiện rõ rệt về mặt kết quả điều trị. Đặc biệt, với bệnh nhi tay chân miệng nặng độ 3 - độ 4, lọc máu được xem như "chìa khóa" giúp trẻ thoát khỏi cửa tử.

Bệnh nhi Phạm Minh Ngân, 15 tháng tuổi, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh được gia đình đưa đến viện cấp cứu sau khi ho sốt liên tục 1 ngày đêm không ngắt, nôn trớ, mệt lả. Bé vào viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn, rối loạn ý thức, có mụn phỏng nước ở lòng bàn chân nên được chuyển thẳng từ cấp cứu lên khoa Hồi sức tích cực nhi. Tại đây, bé được đặt ống nội khí quản cho thở máy, bù dịch, dùng thuốc trợ tim, kháng sinh, truyền máu. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiễm trùng trên nền tay chân miệng độ 4 và được tiến hành lọc máu liên tục trong 40 tiếng.

Bác sĩ Phan Văn Minh – Khoa Hồi sức tích cực nhi cho biết, trong suốt 2 ngày đêm tiến hành lọc máu, 2 kíp trực đã luân phiên nhau theo dõi sát các chỉ số về dịch vào, dịch ra, dịch rút, tốc độ lọc.

Bởi nếu không được theo dõi sát, chỉ cần một chỉ số bất thường là bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng sốc giảm thể tích, quá tải dịch, phù phổi cấp, tụt huyết áp…và đe dọa đến tính mạng. Sau 2 ngày đêm lọc máu, bệnh nhi hô hấp ổn định, thông số máy thở giảm dần, tuần hoàn, huyết động ổn định. Trẻ tỉnh dần, ý thức tốt lên, tiểu được nên được kết thúc lọc máu, tiếp tục thở máy rồi hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy. Hiện bé đã được ra khu đệm, ghép mẹ và dự kiến sẽ sớm được ra viện trong thời gian tới.

Hồi sức tích cực nhi – BV Sản Nhi Bắc Ninh: Nơi giành giật sự sống cho bệnh nhi nặng - Ảnh 2.

Khi con thoát khỏi cửa tử nhờ lọc máu liên tục, chị Thúy vô cùng hạnh phúc khi được ôm con trong vòng tay sau 10 ngày phải cách li điều trị tích cực

Chị Nguyễn Thị Thúy – mẹ của bé Ngân xúc động chia sẻ, khi bác sĩ thông báo tình trạng con rất nặng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng gia đình đã vô cùng lo lắng. May mắn, các bác sĩ đã đưa con từ cửa tử trở về, hàng ngày chỉ được vào nhìn con một chút, thấy thân hình bé nhỏ trước hàng loạt các máy móc mà xót xa. Thế nhưng mỗi ngày được nghe tin con tốt lên, giờ được ra ghép mẹ, được ôm con trong tay thì quả thật không có từ gì có thể diễn tả được niềm vui lúc này!

* Phối hợp chặt chẽ với tuyến trên và hỗ trợ tuyến dưới hiệu quả

Hiện khoa Hồi sức tích cực nhi có 18 cán bộ, trong đó có 6 bác sĩ và 12 điều dưỡng viên. Khoa được trang bị 18 máy thở, 2 máy thở CPAP, 13 monitor theo dõi, 8 bơm tiêm điện, 3 máy truyền dịch. Đặc biệt, để phục vụ triển khai các kĩ thuật mới, bệnh viện đã trang bị cho khoa 1 máy lọc máu liên tục, 1 hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo).

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại bệnh viện, khoa cũng triển khai có hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới trong hồi sức tích cực nhi, đặc biệt là xử trí cấp cứu các trường hợp sốc phản vệ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Chí Kiên, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, BV Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, sốc phản vệ được coi là một trong những tình huống cấp cứu điển hình cần sự tham gia hỗ trợ của chuyên ngành hồi sức. Nếu không được xử trí ngay lập tức, sốc phản vệ sẽ lấy đi tính mạng của người bệnh.

Với phương châm "nước xa không cứu được lửa gần", các bác sĩ của khoa nói riêng và BV Sản Nhi nói chung đã trực tiếp xuống tuyến y tế cơ sở để "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn các cán bộ y tế của trạm y tế và trung tâm y tế huyện nội dung này nói riêng và cấp cứu nhi khoa nói chung.

Cùng với đó, Thông tư 51/2017 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tuyến y tế cơ sở trong công tác này. Chính vì vậy, những năm gần đây, tất cả các trường hợp sốc phản vệ, thậm chí sốc phản vệ rất nặng tại Bắc Ninh đều được cứu sống mà không để xảy ra di chứng gì.

Hồi sức tích cực nhi – BV Sản Nhi Bắc Ninh: Nơi giành giật sự sống cho bệnh nhi nặng - Ảnh 3.

Bác sĩ của khoa giải thích cho người nhà về tình trạng của bệnh nhi tại phòng đệm để phối hợp điều trị cho trẻ hiệu quả

Tiến sĩ, bác sĩ Đào Khắc Hùng – Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, chuyên ngành hồi sức tích cực nhi luôn được bệnh viện chú trọng phát triển để người bệnh được điều trị ngay tại địa phương, giảm tải cho tuyến trung ương. Là vệ tinh của BV Nhi Trung ương nên đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Nhi Trung ương trong việc đào tạo và chuyển giao các kĩ thuật chuyên sâu về nhi khoa nói chung và hồi sức tích cực nhi nói riêng. Ngoài hệ thống hội chẩn từ xa (telehealth), việc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại hotline của các khoa chuyên môn và đặc biệt là các trưởng, phó khoa trong việc xin ý kiến xử trí các ca bệnh khó thường xuyên được đơn vị thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực.

Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã phê duyệt đề án phát triển kĩ thuật cao của ngành y tế giai đoạn 2022 - 2026, trong đó lĩnh vực Nhi khoa cũng được triển khai hàng loạt kĩ thuật chuyên sâu về tim mạch và sơ sinh. Riêng với hồi sức nhi, thời gian tới, bệnh viện sẽ cử thêm các kíp cán bộ đi đào tạo để tiếp tục hoàn thiện đưa lọc máu liên tục thành kĩ thuật thường quy; phối hợp chặt chẽ với BV Nhi Trung ương để triển khai kĩ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để phục vụ tốt hơn nữa cho điều trị bệnh nhi nặng.

* Động lực để cán bộ y tế phấn đấu, nỗ lực hết mình vì người bệnh 

Hồi sức tích cực nhi – BV Sản Nhi Bắc Ninh: Nơi giành giật sự sống cho bệnh nhi nặng - Ảnh 4.

Tại phòng chăm sóc đặc biệt, cán bộ y tế không chỉ thực hiện công việc chuyên môn mà còn thay vai trò của người nhà chăm sóc trẻ toàn diện

Khoa Hồi sức tích cực nhi được phân thành 2 khu: phòng đệm và phòng bệnh nhân nặng. Nếu như ở phòng đệm là các bệnh nhi có tình trạng bệnh không quá nặng hoặc bệnh nhi nặng đã điều trị ổn và được chăm sóc bởi người nhà; thì phòng chăm sóc đặc biệt là những bệnh nhân nặng hoặc rất nặng, được cách li với người nhà, vì vậy ngoài công việc chuyên môn thì cán bộ y tế cũng sẽ thay luôn vai trò người nhà.

Bệnh nhân tại khoa đòi hỏi phải chăm sóc, theo dõi toàn diện 24/24. Khoa phân công bác sĩ và điều dưỡng làm việc theo ca kíp, mỗi ca trực, một kíp sẽ phụ trách theo dõi từ 4 – 6 bệnh nhân liên tục cả ngày đêm. "Có những ngày bệnh nhân nặng vào liên tục, bệnh nhân sẵn trong khoa cũng diễn biến nặng bất thường nên chúng em phải phải theo dõi không rời, đứng suốt 8 - 10 tiếng không nghỉ, đau chân, đau lưng rã rời. Đã vậy, không chỉ thực hiện y lệnh, hoàn thiện bệnh án mà mọi công việc từ ăn uống, vệ sinh, thay bỉm…đều do điều dưỡng làm hết vì trẻ phải cách ly gia đình. Nam giới bọn em còn thấy oải nữa là các bạn nữ!" - Điều dưỡng viên Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Hồi sức tích cực nhi – BV Sản Nhi Bắc Ninh: Nơi giành giật sự sống cho bệnh nhi nặng - Ảnh 5.

Mỗi em bé khỏe mạnh trở về với gia đình là một trong những động lực để các y, bác sĩ trong khoa không ngừng nỗ lực với nghề

Thế nhưng khi được hỏi về mong muốn chuyển sang khoa khác làm việc thì không chỉ bác sĩ Minh hay điều dưỡng Long mà tất cả các y, bác sĩ của khoa đều đồng lòng trả lời không. Bởi mặc dù vẫn còn những khó khăn khi cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, nhân lực cán bộ thiếu, hay đâu đó vẫn có những gia đình quá khích vì quá lo lắng cho con cái, vẫn có những em bé tuột khỏi vòng tay mặc dù các y, bác sĩ đã nỗ lực hết sức… Nhưng hàng ngày, được chứng kiến những bệnh nhân nặng tưởng chừng vô vọng lại hồi sinh thần kì, hay nhiều gia đình có con bại não, teo cơ tủy bẩm sinh…vẫn kiên trì đồng hành với cán bộ y tế trong điều trị và chăm sóc, thậm chí có những trẻ không may ra đi nhưng gia đình vẫn thấu hiểu, cảm thông và viết thư cảm ơn các y, bác sĩ đã hết mình cứu chữa…

Đó là những liều thuốc tinh thần vẫn từng ngày, từng giờ trở thành động lực giúp các cán bộ y tế nơi đây không ngừng nỗ lực với nghề, đem lại sức khỏe cho các bệnh nhi và hạnh phúc cho nhiều gia đình.



Nguyễn Oanh
Ý kiến của bạn