Hội sách trực tuyến Quốc gia 2021: Đưa ngành xuất bản bước vào nền kinh tế số 

20-04-2021 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hội sách trực tuyến quốc gia 2021 kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4 vừa khai mạc và diễn ra đến 15/5 tại sàn điện tử book365.vn của Bộ Thông tin - Truyền thông.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Hội sách trực tuyến Quốc gia diễn ra theo hình thức trực tuyến. Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, sự kiện này sẽ giúp bạn đọc tăng cơ hội tiếp cận sách, khơi dậy tình yêu và thói quen đọc sách ngay trong những ngày cả nước chung tay chống đại dịch COVID-19. Đồng thời giúp các đơn vị xuất bản mở ra một hướng đi mới, đột phá phát triển thị trường và cũng là một bước tiến quan trọng giúp ngành xuất bản bước vào nền kinh tế số.

Hội sách trực tuyến Quốc gia 2021 diễn ra từ 17/4 - 15/5 tại sàn điện tử book365.vn

Hội sách trực tuyến Quốc gia 2021 diễn ra từ 17/4 - 15/5 tại sàn điện tử book365.vn

So với năm đầu tiên tổ chức theo hình thức online, Hội sách 2021 có nhiều điểm mới và hấp dẫn hơn. Trong đó, có khoảng 70 đơn vị xuất bản, phát hành sách trong cả nước (tăng gần 20 đơn vị so với năm 2020), gần 30 đơn vị nước ngoài, mang đến gần 20.000 đầu sách hay, sách mới cung cấp trên 30.000 tựa sách in, sách điện tử (tăng gần 15.000 tựa sách so với năm 2020) phục vụ bạn đọc. Tất cả các sách đều là những ấn phẩm đẹp và có bản quyền. Đặc biệt, tại sự kiện năm nay, không gian sách Ebook và sàn giao dịch bản quyền được đưa thí điểm nhằm kết nối các đơn vị phát hành trực tuyến trong nước với bạn đọc; cũng như tạo ra không gian giao lưu xuyên biên giới giữa các nhà xuất bản trong và ngoài nước, tạo cơ hội kết nối, tìm kiếm, giao dịch các tác quyền sách có giá trị thông qua ứng dụng công nghệ trực tuyến 4.0 mới nhất.

Hội sách trực tuyến năm nay đã có nhiều cải tiến về giao diện cũng như kỹ thuật công nghệ nhằm tạo không gian cho bạn đọc tìm kiếm, lựa chọn sách, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia sàn giao dịch sách, sàn giao dịch bản quyền thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện tọa đàm, giao lưu trực tuyến giữa các tác giả, nhà nghiên cứu, người làm công tác xuất bản với độc giả nhằm lan tỏa tình yêu sách đến bạn đọc.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông), Trưởng ban Tổ chức Hội sách trực tuyến Quốc gia 2021, sự kiện năm nay tiếp tục là bước đệm quan trọng đưa văn hóa đọc cũng như các hoạt động xuất bản từng bước tiến vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, tạo thói quen cho bạn đọc trải nghiệm sách trên nền tảng số. Đồng quan điểm này, nhiều đơn vị xuất bản cho rằng, trong lúc dịch COVID-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cũng như cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, việc tổ chức Hội sách trực tuyến là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế và nhu cầu của độc giả. Đối với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, công ty sách..., tham gia Hội sách trực tuyến giúp họ tiết kiệm chi phí địa điểm, nhân lực, đồng thời quảng bá sách sâu rộng hơn tới cộng đồng. Trong khi đó, bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt ở những nơi thiếu nguồn sách có cơ hội được tiếp cận, trải nghiệm sách công nghệ số, mua được những cuốn sách hữu ích mà không cần mất thời gian, thay vào đó chỉ cần một “click” trên màn hình vi tính hoặc điện thoại thông minh là bạn đọc đã sở hữu được cuốn sách muốn mua.

Hội sách Quốc gia đến nay đã diễn ra lần thứ 7, được tổ chức hằng năm để kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4. Sự kiện này do Bộ Thông tin -  Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL cùng các đơn vị phối hợp tổ chức nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cả nước. Năm 2020 và 2021 Hội sách Quốc gia tổ chức theo hình thức trực tuyến, trên sàn điện tử https://book365.vn của Bộ Thông tin - Truyền thông. Qua 7 năm, dù diễn ra trên sàn điện tử hay thực địa, Hội sách Quốc gia cũng nhận được sự quan tâm của người yêu sách và cộng đồng, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của sách trong đời sống xã hội. Đây cũng là dịp tôn vinh người đọc, tham gia sáng tác, phát hành, sưu tầm, lưu giữ sách; đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc.

Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn