Hồi phục sau 3 tuần phẫu thuật nội soi cố định điểm bám dây chằng chéo trước

14-07-2021 08:00 | Thị trường
google news

SKĐS - Phẫu thuật nội soi cố định điểm bám dây chằng là phương pháp tối ưu giúp bệnh nhân bị chấn thương bong điểm bám dây chằng có thể nhanh chóng phục hồi chức năng các chi mà không để lại di chứng.

Chấn thương thường gặp nhất do tai nạn

Bong điểm bám dây chằng chéo trước là một trong những tổn thương thường gặp trong chấn thương khớp gối gặp phải do tai nạn khi tham gia giao thông, chơi thể thao, lao động… bị một lực tác động mạnh làm cho dây chằng vùng gối căng đột ngột và quá mức dẫn đến bong diện bám của dây chằng chéo trước khỏi diện mâm chầy. Diện bám này bao gồm mảnh sụn kèm xương dưới sụn.

Hình ảnh bong điểm bám dây chằng chéo trước trên phim X-quang  

Bong điểm bám dây chằng chéo trước được phân loại theo IV (4) mức độ. Trong đó, từ mức độ III (3) trở lên cần phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nhằm khâu lại chỗ bám do mảnh bám đã di lệch hoàn toàn khỏi diện bám. Phẫu thuật cũng có nhiều phương pháp.

Phương pháp truyền thống trước đây là mổ mở bắt vít hoặc găm kim. Phương pháp này có nhiều nhược điểm do phải mở khớp gối nên dễ gây ra những tổn thương tại bao khớp và các thành phần quanh khớp, nguy cơ nhiễm trùng cao, gây đau đớn và chậm phục phục hồi sau khi mổ. Ngoài ra, có nhiều trường hợp mức độ bong điểm bám nặng, diện bám có nhiều mảnh vỡ nhỏ không thể bắt vít hay găm kim hoặc xảy ra tình trạng trôi kim vào khớp trong quá trình vận động sau phẫu thuật.

Ngày nay, y học tiên tiến đã tìm ra một phương pháp phẫu thuật tối ưu hơn đó là phẫu thuật nội soi cố định điểm bám dây chằng bằng chỉ (thép hoặc chỉ siêu bền không tiêu).

Theo BSCKII Nguyễn Quang Chung (khoa Ngoại, BV Hồng Ngọc Phúc Trường Minh): “Phương pháp này khắc phục được toàn bộ nhược điểm của phương pháp truyền thống, có thể áp dụng được cả với các mảnh vỡ phức tạp, giúp bệnh nhân giảm đau đớn, phục hồi nhanh sau phẫu thuật.”

BVHN phẫu thuật nội soi cố định điểm bám dây chằng chéo trước, bệnh nhân hồi phục chỉ sau 3 tuần

Chị Vũ Thanh Hương (54 tuổi, Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) bất ngờ gặp tai nạn đâm xe khi đang tham gia giao thông trên đường. Bệnh nhân ngay sau đó đã được đưa đến một bệnh viện gần nhà để thăm khám. Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán và cho theo dõi bong điểm bám dây chằng chéo trước gối trái.

Vị trí chấn thương gối trái của bệnh nhân Vũ Thanh Hương

Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Hồng Ngọc. Sau khi loại trừ các yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh COVID-19, thông qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chấn thương phần mềm khuỷu tay trái và chấn thương gối trái. Mức độ chấn thương bong điểm bám dây chằng chéo trước gối trái độ IIIb và chỉ định phương pháp điều trị là phẫu thuật nội soi cố định điểm bám dây chằng.

Theo các bác sĩ nhận định, đây không phải là một kỹ thuật khó. Tuy nhiên, bệnh nhân có tiền sử mắc nhiều bệnh chẳng hạn đang trong quá trình điều trị đái tháo đường typ II theo đơn; thoái hóa khớp háng; thoát vị đĩa đệm đốt L4-L5. Do đó, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp kiểm tra và xét nghiệm kỹ càng trước khi phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật nội soi, các bác sĩ không chỉ cố định điểm bám dây chằng chéo trước mà còn xử lý các tổn thương phối hợp như các sụn chêm, các phần mềm xung quanh hoặc tụ máu khớp gối. Ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng. Chỉ sau một ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc, ăn uống tốt và sau ba ngày, bắt đầu được hướng dẫn thực hiện các bài tập phục hồi mức độ nhẹ. Ba tuần sau, bệnh nhân đã hồi phục rất tốt, được tháo bột và tập vận động.

Bệnh nhân Vũ Thanh Hương phục hồi tốt sau phẫu thuật

BSCKII Nguyễn Quang Chung – bác sĩ chủ trị ca bệnh cho biết: “Sở dĩ bệnh nhân ít đau đớn, nhanh phục hồi là do được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi với ưu điểm là vết rạch nhỏ nhưng có thể dễ dàng giải quyết được hầu hết các tổn thương ở khớp gối mà không làm tổn thương phần mềm xung quanh, giảm tối đa nguy cơ mất máu, nhiễm trùng.

Còn một điểm đặc biệt trong ca phẫu thuật đó là chúng tôi sử dụng sợi chỉ siêu bền để cố định các mảnh vỡ. Ưu điểm của nó là mềm mại, không phải chỉ kim loại, đồng thời bền vững theo thời gian, do đó giúp cố định điểm bám hiệu quả mà không cần phải tháo ra.”

Bác sĩ Chung cũng khuyến cáo, sau khi phẫu thuật, giai đoạn đầu, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, tránh tì đè, va đập. Trước khi tháo bột, bệnh nhân thực hiện các bài vận động cơ tĩnh như nâng chân hoặc vận động ngón chân. Sau ba tuần, bệnh nhân nên tập vận động nhẹ nhàng theo giáo trình phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên tại các trung tâm phục hồi chức năng chuyên nghiệp giúp rút ngắn quá trình hồi phục, bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường.


Ý kiến của bạn