Hội ngộ theo cách hoàn toàn khác

25-01-2021 08:09 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong những ngày này, theo thói quen, người Việt ở mọi nơi trên toàn cầu sẽ mơ tưởng đến ngày đoàn tụ trong cái Tết cổ truyền ấm áp. Tuy nhiên năm nay, sự đoàn tụ sẽ theo một cách hoàn toàn khác biệt, và chúng ta cũng sẽ có được những trải nghiệm mới, đầy ưu tư, sâu sắc nỗi niềm. Trải nghiệm mới này là do COVID-19.

Khi tư duy về hành động đoàn tụ của con người, trong thời cả thế giới phải đóng cửa, ngăn sông cấm chợ vì COVID-19, có hai cách nhìn nhận khác nhau. Từ hai cách nhìn nhận này sẽ đưa đến hành động với kết quả khác nhau.

Xu hướng thứ nhất là con người cảm thấy tức giận và bức bối trước hiện trạng giãn cách xã hội kéo dài suốt cả năm, hoặc tùy nơi này, nơi kia mà lệnh giãn cách xã hội lúc dỡ bỏ, lúc lại có hiệu lực. Khi tức giận, năng lượng xấu sẽ thúc đẩy con người có hành động phản kháng. Họ sẽ chống lại quy tắc chung, ào ra đường hoặc biểu tình, hoặc đập phá và góp phần làm tình trạng chung thêm xấu đi. Hoặc có người gây bạo lực trong gia đình, có người bị trầm cảm. Những hậu quả xấu do con người gây ra như thế, cũng bị đổ lỗi cho COVID.

Hoạt động văn học quốc tế có Việt Nam tham gia.

Hoạt động văn học quốc tế có Việt Nam tham gia.

Xu hướng thứ hai là con người nhận thấy chính loài người cũng là một nguyên nhân tạo nên đại dịch, nên tìm cách thay đổi, hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn, an toàn hơn. Họ tập trung vào tư duy, sáng tạo tìm ra phương pháp mới, giải pháp mới cứu loài người, cứu chính mình, chủ động thay đổi từng ngày trong từng hành vi nhỏ, góp phần làm nên những thay đổi lớn lao trên toàn cầu.

Như vậy, với hai xu hướng này, bạn có thể chọn là nạn nhân, chịu đựng hậu quả do khách quan đem lại, hoặc bạn có thể chọn là người chiến thắng, trong cuộc chiến với COVID, trong cuộc chiến với kẻ trì trệ và thụ động trong chính bản thân mình.

Trong suốt năm 2020, quan sát sự thay đổi trong hành động của giới nhà văn, nhà thơ toàn cầu, tôi nhận thấy có những khía cạnh tích cực. Trong điều kiện bình thường, các nhà văn, nhà thơ thế giới luôn tổ chức các cuộc hội thảo, liên hoan thơ văn, diễn đàn văn học quốc tế để tạo một sân chơi cho các nhà văn, nhà thơ khắp nơi hội tụ, làm quen, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, cất lên tiếng nói chung góp phần thay đổi thế giới, cải tiến thực trạng còn đen tối ở đôi nơi,... Sau mỗi sự kiện như thế, những nền tảng (platform) trao đổi, phát triển, giao lưu văn chương song phương và đa phương được tạo ra, để các nhà thơ, nhà văn toàn cầu phát triển năng lực sáng tác, chia sẻ và thương mại hóa tác phẩm, hỗ trợ nhau quảng bá tác phẩm,... Tuy nhiên, khi COVID-19 bùng nổ, những sự kiện trực tiếp như thế buộc phải hủy bỏ. Ví dụ, Hội Nhà văn Việt Nam phải hủy sự kiện Ngày Thơ Việt Nam vào tháng 2/2020, theo dự kiến có sự tham gia của 50 nhà thơ, nhà văn quốc tế, hủy sự kiện Diễn đàn Chủ tịch Hội nhà văn các nước ASEAN. Hội Nhà văn Campuchia cũng phải giãn không thời hạn Lễ trao giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 11, trong đó Việt Nam là một thành viên tham gia. Các đoàn nhà thơ, nhà văn Việt Nam có kế hoạch bay sang châu Âu tham dự Đại hội Văn học Hungary tháng 9/2020, Liên hoan Thơ châu Âu tháng 4/2020 tại Italia... cũng bị hủy. Khi các sự kiện trực tuyến bị hủy, hoãn, các nhà văn, nhà thơ trên thế giới đã không chịu bó tay. Họ tìm cách đoàn tụ theo cách khác. Đầu tiên là Hội các nhà văn Á - Phi và Mỹ La-tinh đã tổ chức diễn đàn trực tuyến vào tháng 4, khi thế giới đang hoang mang vì COVID-19 tàn phá châu Âu, châu Mỹ, nhất là nước Mỹ, để kêu gọi các cây viết trên toàn cầu đoàn kết, tìm ra giải pháp trong thời kỳ COVID và hậu COVID. Tiếp đó, Liên hoan Thơ thế giới được tổ chức từ tháng 7/2020 và kéo dài tới cuối tháng 10/2020 thu hút 120 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Cuộc marathon thơ thế giới cũng khởi đầu từ nước Nga, đi qua hơn trăm nước trên thế giới, kết nối mạng lưới các nhà thơ toàn cầu, trao cho nhau ngọn đuốc thơ ca, tinh thần tiên phong sáng tạo, tìm đến sự cân bằng mới để động viên nhau vượt qua đại dịch, xây dựng một thế giới đẹp đẽ hơn.

Quả thực, các nhà thơ trong điều kiện bình thường vốn bị coi là những người mơ mộng, thiếu thực tế, thậm chí bị cho là điên rồ, thì trong khủng hoảng đại dịch lại là những người thức tỉnh sớm nhất sau cơn choáng đầu tiên. Họ không để tâm trí bị nhốt trong những giới hạn. Họ, bằng trí tưởng tượng của mình đã tạo nên những hành trình bất tận, kết nối, hội ngộ với nhau theo cách hoàn toàn mới, để tìm ra và thống nhất với nhau giải pháp có thể mang lại sự chiến thắng, đó là kết nối nền tảng thơ ca, giúp loài người tỉnh thức, loại bỏ cơn mê mụ tham lam, phục hồi trái đất, hiện hữu và hạnh phúc trong từng phút giây sống và làm việc với toàn bộ bản thể. Những nền tảng mới công bố tác phẩm mới chỉ sau vài phút đồng hồ nó được sáng tạo nên như nền tảng “Global Literary Society” mỗi ngày đem lại sự hứng khởi, truyền đi động lực sáng tạo, sống và cống hiến qua từng tác phẩm mới của bất cứ tác giả nào, ở bất cứ lục địa nào. Các hợp tuyển thơ, văn được xuất bản theo cách truyền thống và phi truyền thống, về nhiều đề tài khác nhau như môi trường, đại dịch, những tác phẩm của các tác giả lỗi lạc trong quá khứ và đương đại, đề tài quyền cho trẻ em, phụ nữ,... đang lướt khắp toàn cầu, kích thích các cây viết khắp nơi bày tỏ ý kiến, cảm xúc, tư tưởng và khám phá của mình.

Bản thân tôi, trong năm 2020, tôi cũng đã kịp hội ngộ với những bạn nghề yêu quý tại châu Mỹ, châu Âu theo cách hoàn toàn mới - trực tuyến. Thỏa mong ước bao lâu của mình, tôi “du ngoạn” châu Âu, châu Mỹ qua những vần thơ, và thực kỳ lạ, càng “đi” như thế, tôi càng có thêm nhiều bạn nghề, chạm nhiều dòng chảy thơ khác lạ, bồi đắp thêm nền tảng để phát triển dòng thơ của chính mình. Không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, những chuyến đi này có thể kéo dài bất tận, mang lại nguồn cảm hứng bất tận...


Nhà văn Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn