Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế về bao phủ sức khỏe toàn dân (UHC) ở châu Á và Thái Bình Dương do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO khu vực Đông-Nam châu Á và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức. Đây là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp mang tính sáng tạo nhằm tăng cường huy động tài chính cho UHC trong bối cảnh COVID-19. Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương TS.Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Đông-Nam châu Á TS. Poonam Singh cùng lãnh đạo Bộ Y tế các quốc gia thành viên.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trần Minh)
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản TS.Katsunobu Kato nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế về Bao phủ sức khỏe toàn dân (UHC) diễn ra vào ngày 14/9 và Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế và Tài chính về UHC (ngày 17/9) ở châu Á và Thái Bình Dương trong việc đảm bảo ngân sách bền vững cho UHC, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19.
TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế về bao phủ sức khỏe toàn dân ở châu Á và Thái Bình Dương. (Ảnh: Trần Minh)
TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương nhấn mạnh đây là thời điểm để các bộ trưởng y tế và các bộ trưởng tài chính dưới sự chỉ đạo của chính phủ và phối hợp đa ngành tập trung vào phát triển y tế, sức khỏe cho người dân; đảm bảo duy trì phát triển kinh tế và sức khỏe cho mọi người; cân đối ngân sách quốc gia đầu tư cho y tế để đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030.
TS.Bambang Susantono, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). (Ảnh: Trần Minh)
Phó Chủ tịch ADB TS.Bambang Susantono nhấn mạnh không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc khủng hoảng và cần phải tăng cường cấp vốn hỗ trợ các nước đang phát triển. WHO, JICA, Liên minh vắc-xin, GAVI cùng phối hợp thúc đẩy tiến bộ trong phát minh vắc-xin COVID-19 và ủng hộ tiếp cận công bằng vắc-xin. Ngoài ra, cần tăng cường ứng phó COVID-19 trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo nền kinh tế vĩ mô. ADB phối hợp cùng WHO, GAVI sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống y tế trong khống chế COVID-19 và các bệnh khác, phát triển vắc-xin và phân phối công bằng tới các nước. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc TS.Park Neunghoo nhấn mạnh tới việc BHYT đảm bảo chi trả cho xét nghiệm, cách ly COVID-19 và khẳng định cuộc chiến chống COVID-19 cần sự hợp tác toàn cầu.
Tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Xây dựng cho tương lai: Làm thế nào để việc ứng phó COVID-19 thúc đẩy những đổi mới có thể cải thiện tương lai chăm sóc sức khỏe”, Thứ trưởng Bộ Y tế TS. Trương Quốc Cường có bài phát biểu bên cạnh Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, Bộ trưởng Y tế Papua New Guinea và Thứ trưởng Y tế Trung Quốc.
Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết đại dịch COVID-19 có tác động tiêu cực lên tất cả các quốc gia trên thế giới. Tính đến ngày 14/9, Việt Nam ghi nhận 1060 ca mắc và 35 ca tử vong, 60% số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, 918 ca đã hồi phục (khoảng 85% tổng số ca).
Với sự lãnh đạo mạnh mẽ, phối hợp đa ngành, sự vào cuộc của toàn thể xã hội, Việt Nam đã hành động sớm trong việc ứng phó với dịch COVID-19 thông qua Ban chỉ đạo quốc gia cùng cam kết mạnh mẽ và phối hợp với địa phương. Mặc dù đã khống chế thành công ổ dịch ở Đà Nẵng, Việt Nam vẫn tiếp tục cảnh giác với phương châm “chống dịch như chống giặc”.
Thứ trưởng Bộ Y tế TS.Trương Quốc Cường chia chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó dịch COVID-19 và đổi mới, nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế về bao phủ sức khỏe toàn dân ở châu Á và Thái Bình Dương. (Ảnh: Trần Minh)
Thứ trưởng cho biết, với diễn tiến phát triển vắc-xin COVID-19 ở một vài nước gần đây, chúng ta hy vọng có thể đưa ra biện pháp can thiệp để khống chế COVID-19 trên toàn cầu. WHO và các cơ quan phát triển khác nên đóng vai trò quan trọng để giúp tất cả các nước trên thế giới có cơ hội tiếp cận với vắc-xin.
COVID-19 sẽ vẫn còn là tương lai chưa đoán định được, Việt Nam kêu gọi sự vào cuộc của tất cả các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để tăng cường năng lực y tế cho các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Việt Nam tiếp tục đầu tư để nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó và tính bền vững của hệ thống y tế. Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho y tế, duy trì chi Ngân sách nhà nước (NSNN) cho Y tế/tổng chi NSNN ở mức 7-8% hàng năm và khoảng 89% dân số được bao phủ Bảo hiểm Y tế (BHYT) xã hội. Thông qua ứng phó COVID-19, Việt Nam cam kết ở mức cao nhất và đảm bảo đủ ngân quỹ cho sức khỏe. Kế hoạch ứng phó quốc gia lần đầu ban hành vào ngày 20/1/2020 liên tục cập nhật và được cập nhật từ ngân sách trung ương, địa phương và quỹ BHYT. Hệ thống ngân sách và chiến lược mạnh mẽ, cùng với các quỹ dự phòng, thông qua các cấp trung ương và địa phương đã giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với COVID-19. Việt Nam cũng dịch chuyển nhịp nhàng để đảm bảo tiếp cận dịch vụ liên quan tới COVID-19 cho mọi người dân, với nguyên tắc gỡ bỏ rào cản tài chính đối với bệnh nhân COVID-19.
Trong thời gian này, Việt Nam vẫn tiếp tục nâng cao y tế công và hệ thống y tế cơ sở nhằm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng tới người dân. Việt Nam sẽ hướng tới sửa đổi Luật BHYT và Luật Khám chữa bệnh chú trọng hơn tới hiệu quả và y tế số. Chẳng hạn như, y tế từ xa sẽ trở nên thông dụng với hệ thống hồ sơ y tế cá nhân triển khai tại tất cả các cơ sở y tế, sử dụng hình thức khám chữa bệnh từ xa huy động đội ngũ chuyên gia y học hỗ trợ đội ngũ y tế tuyến đầu trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đưa đào tạo từ xa về COVID-19 vào chương trình đào tạo.
Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn là thách thức đối với tất cả chúng ta, Việt Nam coi đây là cơ hội để đẩy mạnh cải cách lĩnh vực y tế và mang đến một nền y tế đổi mới theo hướng tốt đẹp hơn.