Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp Mỹ - Canada: Phục hồi và mở rộng mối quan hệ lịch sử

24-02-2021 17:30 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau diễn ra hôm 24/2, hai nhà lãnh đạo đã củng cố “quan hệ hữu nghị sâu sắc và bền vững” song phương bằng cam kết thực hiện một lộ trình đầy tham vọng nhằm phục hồi và mở rộng mối quan hệ lịch sử này, trong đó khẳng định hướng tới thiết lập quan hệ đối tác Bắc Mỹ về biến đổi khí hậu…

 

 Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải, ảnh) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 24/2.

 Quan hệ hợp tác sâu sắc, gắn bó

 Canada thường là điểm dừng chân nước ngoài đầu tiên của các đời Tổng thống Mỹ, nhưng đại dịch COVID-19 buộc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm lần đầu tiên với một lãnh đạo nước ngoài bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trên kéo dài khoảng 2 giờ, với sự tham gia của cả Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland và 15 thành viên nội các của hai chính phủ.

Trong hội nghị, Tổng thống Biden và Thủ tướng Trudeau khẳng định mối quan hệ hợp tác sâu sắc, gắn bó giữa hai nước, đồng thời cam kết cùng làm việc trên nhiều vấn đề để thúc đẩy quan hệ hai nước.

"Mỹ không có người bạn nào thân thiết hơn Canada. Đó là lý do tại sao ông Trudeau là người được tôi gọi đầu tiên với tư cách là Tổng thống Mỹ và chúng ta có cuộc hội đàm song phương đầu tiên” - ông Biden phát biểu. Ông Biden cho biết, chương trình nghị sự "mạnh mẽ" của hai nhà lãnh đạo bao gồm việc giải quyết đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, biến đổi khí hậu, người tị nạn và di cư, đấu tranh cho các giá trị dân chủ trên toàn cầu và củng cố nền dân chủ trong nước.

Được biết, ông Trudeau là lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng ông Biden khi ông Biden được truyền thông Mỹ tuyên bố có đủ phiếu để chiến thắng, thể hiện mong muốn “sang trang” trong quan hệ với Mỹ, bỏ lại bốn năm đầy bất đồng với cựu Tổng thống Donald Trump. Trong thời gian đương nhiệm, ông Trump áp thuế lên nhôm và thép của Canada, buộc Canada và Mexico đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông Trump chỉ tới Canada một lần vào năm 2018 để dự hội nghị G7, từng lên tiếng công kích trực tiếp Thủ tướng Trudeau.

Lộ trình Đối tác Mỹ - Canada và trọng tâm hợp tác khí hậu

Tại hội nghị, Thủ tướng Trudeau hoan nghênh chính quyền Biden, cho rằng Washington dưới thời ông Biden đặc biệt chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu, trái ngược với cựu Tổng thống Trump. “Một lần nữa, xin cảm ơn vì đã thúc đẩy một cách có ý nghĩa như vậy trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Điều đã bị lãnh đạo Mỹ bỏ lỡ trong những năm qua” - ông Trudeau nói.

Sau hội nghị, hai nhà lãnh đạo công bố Lộ trình Đối tác Mỹ - Canada, đưa ra phương hướng hợp tác trong 6 lĩnh vực: đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, biến đổi khí hậu, kinh tế, đa dạng, an ninh và các liên minh quốc tế. Hợp tác khí hậu là trọng tâm của hội nghị. Các bộ trưởng hai nước được hướng dẫn để triển khai chiến lược năng lượng xanh. Bản Lộ trình Đối tác Mỹ - Canada cũng xây dựng nhóm làm việc cấp cao trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, tìm giải pháp hợp tác nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu nhà kính và thực hiện mạnh mẽ hơn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống Biden cho biết ông và Thủ tướng Trudeau nhất trí hợp tác để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. “Chúng tôi đang triển khai một tham vọng ở cấp cao về khí hậu để điều chỉnh những chính sách và mục tiêu của mình, nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” – ông Biden phát biểu.

Bản Lộ trình trên còn bao gồm kế hoạch “hiện đại hóa” NORAD (Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ) nhằm tăng cường khả năng phòng thủ lục địa, đặc biệt là ở Bắc Cực, và cam kết thiết lập lại Diễn đàn Tội phạm xuyên biên giới để giúp lực lượng cảnh sát hai nước hợp tác tốt hơn. Bản Lộ trình cũng cam kết tái khẳng định sự ủng hộ của Canada và Mỹ đối với một loạt tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes…

Canada và Mỹ có chung đường biên giới dài nhất và an toàn nhất trên thế giới, với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,15 tỷ USD/ngày. Năm 2019, Canada là thị trường nhập khẩu hàng đầu đối với 20 bang của Mỹ. Canada cũng là khách hàng lớn nhất của Mỹ và mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh cộng lại.


Hà Anh
Ý kiến của bạn