Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản bị bao phủ bởi một loạt các vấn đề từ kinh tế đến chính trị, đó là những tranh chấp thương mại “không hồi kết” giữa Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới, xung đột leo thang ở Trung Đông hay mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran khiến giá dầu tăng cao bất thường, đẩy kinh tế thế giới vào vòng bất ổn ….
Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp tích cực tại Hội nghị G20
Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến có 4 phiên thảo luận bao gồm phiên thảo luận về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư, những thách thức kinh tế toàn cầu (mất cân đối, già hóa..); quản lý , tự do hóa thương mại, vấn đề cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao…
Phiên thứ hai về đổi mới sáng tạo và kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới công nghệ như thương mại điện tử, an ninh và an toàn thông tin sẽ nằm trong chương trình thảo luận. Phiên ba về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế, đặc biệt ứng phó với già hóa dân số, bình đẳng giới; thích ứng lao động với việc làm tương lai; thúc đẩy phụ nữ tham gia lao động; đào tạo lao động nữ; thúc đẩy phổ cập y tế toàn dân… Phiên bốn về môi trường, năng lượng và biển đổi khí hậu , đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa đại dương…
Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác này có: Bộ trưởng , Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Đây là lần thứ 4 trong vòng 10 năm Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Việc tham dự Hội nghị G20 khẳng định chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị G20 tại Đức năm 2017
Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị G20 lần thứ 14. Với tư cách khách mời, Việt Nam được mời tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị G20, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng y tế tài chính G20.
Nhiều vấn đề nóng được bàn thảo tại Hội nghị G20
Hội nghị G20 năm nay còn có sự tham gia của những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, thu hút sự chú ý của dư luận với hàng loạt các cuộc gặp song phương để tìm tiếng nói chung trong một thế giới đang có nhiều xáo trộn và rạn nứt. Những vấn đề như căng thẳng thương mại Mỹ Trung, rủi ro xung đột và giá dầu, vấn đề về môi trường , cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới….. sẽ trở thành trọng tâm của hội nghị.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ gặp ít nhất 8 nhà lãnh đạo thế giới tại G20, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc gặp song phương giữa các nhà lãnh đạo Mỹ với Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Dư luận kỳ vọng các cuộc gặp này sẽ tháo gỡ phần nào căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, lấy lại niềm tin giữa Mỹ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong quyết định trừng phạt Iran mới đây của Mỹ …. Ngoài ra các cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V.Putin với nhà lãnh đạo Anh, hay Thủ tướng Nhật S.Abe với các lãnh đạo thế giới cũng sẽ đem tới những kỳ vọng mới về mong muốn đảm bảo trật tự, an ninh và phát triển của khu vực.