Trong 2 ngày 4 - 5/9, Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc). Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Thế nhưng cũng đã có không ít những thách thức đặt ra, như vấn đề tranh chấp biển Đông và chính sách bảo hộ mậu dịch... có thể sẽ trở thành những rào cản mới với G20.
Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 11 được kỳ vọng sẽ tìm ra những biện pháp mới tháo gỡ những khó khăn của kinh tế toàn cầu, tạo động lực cho tăng trưởng.
Bốn vấn đề lớn được thảo luận tại hội nghị, bao gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả giữa các nền kinh tế. Người ta mong đợi Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc sẽ để lại dấu ấn mạnh mẽ, tái định hình nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kỳ vọng là một chuyện, còn thực hiện mục tiêu ấy ra sao và như thế nào, lại là chuyện không hề đơn giản.
Hội nghị G20 đang diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Không thể phủ nhận rằng, dù mới thành lập nhưng G20 dường như đã nhanh chóng thay thế Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) trở thành “nhạc trưởng” của nền kinh tế toàn cầu. Với quy mô chiếm 85% sản lượng toàn cầu, 65% dân số thế giới, đóng góp tới 80% tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế,... những gương mặt lớn như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil... đã từng bước chứng minh khả năng và thực lực của mình trong việc trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới, thậm chí còn được đánh giá “có vai trò không thể thay thế”.
Nhìn vào chương trình nghị sự đồ sộ của hội nghị, có thể thấy rõ tham vọng mà G20 đặt ra. Đó không chỉ là tìm ra các giải pháp căn cơ thúc đẩy tăng trưởng mà còn phải xác định những yếu tố cốt lõi có thể tái định hình nền kinh tế thế giới.
Tất nhiên, mỗi quốc gia của G20 là một thực thể mạnh, nhưng “từng chiếc đũa có mang lại sức mạnh cho cả bó đũa” hay không, lại là điều khiến không ít người băn khoăn. Rõ ràng, việc tìm kiếm sự đồng thuận trong bất đồng không hề là điều đơn giản.
Thời điểm hiện tại, mỗi quốc gia thành viên của G20 đang phải đối mặt với những thách thức của riêng mình. Nếu như Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống với ứng cử viên Donald Trump gây nhiều tranh cãi, thì Liên minh châu Âu (EU) đã mất đi một trụ cột kinh tế khi Anh quyết định rời khỏi khối này. Chưa hết, cuộc khủng hoảng người tị nạn từ hậu quả xung đột triền miên, các vụ tấn công khủng bố, kinh tế nhiều quốc gia sụt giảm, tranh chấp lãnh thổ làm gia tăng căng thẳng tại nhiều khu vực ảnh hưởng tới sự hợp tác kinh tế - thương mại,... Tất cả đang làm gia tăng sự phân cực về chính trị, sự phân hóa về kinh tế và sự khác biệt về quan điểm ngày càng nới rộng giữa các nước thành viên G20.
Bản thân Trung Quốc, nước chủ nhà của hội nghị, cũng đang phải đối mặt với sức ép và sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, do những tham vọng chủ quyền lãnh thổ và chủ nghĩa bảo hộ mà nước này đang theo đuổi. Không phải ngẫu nhiên mà trước thềm Hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Obama đã nhấn mạnh rằng “một nước lớn càng gia tăng sức mạnh thì càng phải gia tăng trách nhiệm” trước cộng đồng quốc tế.
Dưới góc nhìn phân tích, dẫu nhiều kỳ vọng và mục tiêu đặt ra tại hội nghị lần này, nhưng cũng đã có những dự đoán rằng nhiều bất đồng lớn có thể nảy sinh, cản bước các thành viên G20 tìm kiếm một thành công và đồng thuận cuối cùng tại hội nghị.
Trong bối cảnh ấy, rõ ràng việc tìm được tiếng nói chung và nhất trí được giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu không phải là bài toán dễ. Dù vậy, các nước vẫn hy vọng Hội nghị G20 lần này có thể tạo ra động lực mới, giúp kinh tế thế giới thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài.