Hà Nội

Hội nghị Thượng đỉnh EU và những bất đồng khó hóa giải

17-07-2020 08:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong hai ngày 17-18/7 sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ). Kinh tế EU đã bị “trọng thương” sau cuộc tấn công như “vũ bão” của dịch bệnh COVID-19. Làm thế nào để vực dậy nền kinh tế của châu lục này là bài toán khó có lời giải bởi EU đang còn tồn tại quá nhiều bất đồng về con đường đi lên phía trước...

Chia rẽ về gói kích thích kinh tế và kế hoạch phục hồi

Liên minh châu Âu (EU)  đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như dịch bệnh COVID-19, Anh rời khỏi EU (Brexit),... tuy nhiên  phục hồi nền kinh tế của châu lục mới là mục tiêu trước mắt và lớn nhất của khối bởi châu lục già này đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930.

Hội nghị Thượng đỉnh EU  là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các nước EU kể từ khi việc đi lại bị hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo kế hoạch, tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo  27 quốc gia thành viên sẽ thảo luận về ngân sách của khối trong giai đoạn 7 năm (từ năm 2021 - 2027).  Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất ngân sách dài hạn cho EU trong giai đoạn 7 năm trị giá 1.074 nghìn tỷ euro, giảm so với đề xuất mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra.  Đặc biệt, tại hội nghị, các nước thành viên phải tìm kiếm “tiếng nói chung” về quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro (khoảng 845 tỷ USD), trong đó 2/3 dưới dạng trợ cấp và 1/3 dưới dạng các khoản vay.

Trước khi hội nghị diễn ra, Chủ tịch hội đồng châu Âu đã đích thân gửi thư tay tới 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên kêu gọi thông qua quỹ 750 tỷ euro để giúp các nước vượt qua khủng hoảng. Hậu quả kinh tế mà đại dịch COVID-19 để lại rất nghiêm trọng, nó tác động nhiều mặt lên các nền kinh tế thành viên. Chính điều này đã dẫn đến những mâu thuẫn kịch liệt trong việc thống nhất gói cứu trợ phục hồi kinh tế châu lục.

Hội nghị Thượng đỉnh EU và những bất đồng khó hóa giảiCác nước EU khó đạt được thỏa thuận về phục hồi kinh tế.

Trong khi hai quốc gia đầu tàu là Đức và Pháp ủng hộ, vẫn tồn tại những bất đồng xung quanh kế hoạch ngân sách và gói kích thích kinh tế. 4 quốc gia Bắc Âu gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển - vốn có nền kinh tế vững mạnh, không bị suy thoái trầm trọng, cho rằng, sử dụng quỹ phục hồi để hỗ trợ các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 phải đi kèm với nghĩa vụ trả nợ, các nước nhận hỗ trợ sẽ bị giám sát những khoản chi. Điều này không phải là không có lý bởi nếu đồng nhất nợ có nghĩa là  nhiều nước sẽ phải trả nợ thay cho các nước thành viên khác. Italia và Tây Ban Nha - những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh  COVID-19 và cũng là những nước có nhu cầu trợ cấp nhiều nhất cho rằng những “điều kiện kèm theo” các khoản hỗ trợ này quá ngặt nghèo.

Một vấn đề gây chia rẽ trong gói cứu trợ kinh tế là điều kiện cấp khoản vay. Theo đó, những nước được hưởng lợi từ nguồn ngân sách chung của khối sẽ phải chịu sự giám sát chi tiêu. Chính  sự khác biệt giữa các nước thành viên EU  đẩy hội nghị trực tiếp đầu tiên sau nhiều tháng trước nguy cơ đổ vỡ.

Vai trò của người lãnh đạo

Với vai trò là nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang nỗ lực để các nước thành viên đi đến thống nhất về quỹ phục hồi kinh tế EU.

Thực tế, là việc giải quyết khối mâu thuẫn này không phải điều dễ dàng, Thủ tướng Đức dự cảm rằng, rất khó để các nhà  lãnh đạo các nước EU có thể đạt được một thỏa thuận về các đề xuất cho khoản ngân sách dài hạn cũng như một kế hoạch kích thích kinh tế. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đồng quan điểm khi cho rằng đàm phán sẽ gặp nhiều khó khăn, song sẽ không thể hồi phục kinh tế nếu không đạt được thỏa thuận vào tháng 7.

Chưa bao giờ các cuộc đàm phán về ngân sách và vốn dễ dàng đạt được ở châu Âu và hội nghị lần này chính  là một “phép thử” về sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các thành viên trong khu vực. Gói kích thích kinh tế chỉ có thể được triển khai khi nhận được sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên.

 


Nguyên Anh
Ý kiến của bạn