Hội nghị Thượng đỉnh EU Rome: Tuyên bố Rome không khỏa lấp được bất đồng

26-03-2017 18:08 | Quốc tế

SKĐS - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/3 đã ký “Tuyên bố Rome”, trong đó cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh...

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/3 đã ký “Tuyên bố Rome”, trong đó cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh, trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng đã và đang làm suy yếu những nỗ lực nhằm đoàn kết châu lục này. Tuyên bố Rome được xem là kết quả chủ yếu của Hội nghị Thượng đỉnh EU kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome được tổ chức ở Thủ đô Rome của Italia.

Tuyên bố Rome nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị mạnh mẽ, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và có sự thượng tôn pháp luật. Theo Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo EU khẳng định quyết tâm làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất, đoàn kết và tôn trọng các nguyên tắc chung với sự phát triển thịnh vượng, sức cạnh tranh, bền vững và có trách nhiệm xã hội trong 10 năm tới, “Tạo sao hiện giờ chúng ta lại mất niềm tin vào mục tiêu của sự thống nhất?”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói “Các bạn cần biết rằng đoàn kết và thống nhất là con đường duy nhất để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của EU”.27 nhà lãnh đạo EU chụp ảnh lưu niệm tại Rome ngày 25/3.

27 nhà lãnh đạo EU chụp ảnh lưu niệm tại Rome ngày 25/3.

Tuy nhiên, điểm người ta quan tâm nhất, đó là đường hướng tương lai cho EU, Tuyên bố Rome chỉ kêu gọi các nước thành viên hành động cùng nhau với các tốc độ và cường độ khác nhau. Theo giới phân tích, kết quả đạt được của Hội nghị Thượng đỉnh lần này chỉ ở mức khiêm tốn. Đó là bởi nước Anh sẽ kích hoạt Brexit vào ngày 29/3. “Lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome không có sự tham dự của Anh là một “thời khắc rất đáng buồn”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker chia sẻ.

Châu Âu đa tốc độ và sự hoài nghi

Theo các nguồn tin, đến phút chót (cuối ngày 25/3), Ba Lan mới chấp nhận ký Tuyên bố Rome. Điều này cho thấy sự bất đồng, rạn nứt trong EU vẫn đang hiện hữu do những lợi ích, quan điểm khác nhau của mỗi nước.

Nếu như ý tưởng châu Âu đa tốc độ được 4 nước “đầu tàu” của EU là Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Versailles hôm 6/3 và nó được cho sẽ là động lực mới để EU phát triển; thì đối với những thành viên EU khác, họ lại không nghĩ như vậy. Thậm chí, có người đã ví rằng “nếu mô hình châu Âu đa tốc độ được triển khai thì các nước Tây Âu phát triển sẽ là những công dân hạng một. Còn Trung Âu, Nam Âu kém phát triển thì họ sẽ mãi vẫn chỉ là công dân hạng hai mà thôi”.

Tất nhiên, việc dung hòa lợi ích tất cả 27 thành viên được cho là bài toán khó với EU bởi “mười người thì mười ý”. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lý giải “thống nhất không phải là đồng nhất” và rằng một số nước thành viên EU có thể đi nhanh hơn và tiến xa hơn nếu một châu Âu đa tốc độ được hình thành. Thế nhưng, Balan, Séc và nhiều quốc gia khác nhấn mạnh rằng họ “sẽ lắc đầu phản đối” nếu các nhà lãnh đạo EU không tính tới quan điểm của các nước nhỏ như họ.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là: sau 60 năm thành lập, EU sẽ phát triển như thế nào nếu vẫn lạc nhịp và phân rẽ như hiện nay? Dù hiểu rõ những thách thức đặt ra, nhưng EU sẽ chọn giải pháp nào để hàn gắn “những vết thương mâu thuẫn” đang há miệng?

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Ba Lan đã nói rằng EU đã trở nên xa cách với người dân và khiến người dân Anh đã quyết định rời khỏi khối. Bản thân  Chủ tịch Ủy ban châu Âu ông Jean Claude Juncker cũng cay đắng thừa nhận rằng EU sẽ sụp đổ nếu có thêm nhiều nước thành viên “nối gót” Anh rời khỏi EU.

Với những gì đang diễn ra, niềm vui 60 năm hình thành và phát triển chưa kịp nhóm lên thì với EU, nỗi buồn đã lại hiện diện. Rõ ràng, sau sự ra đi của nước Anh, châu Âu đang đứng trước thời khắc quan trọng nhất với câu hỏi tồn tại hay không tồn tại. Và dù Tuyên bố Rome đã được thông qua vào giờ chót, nhưng dư luận vẫn luôn trông đợi những thông điệp mới của EU về sự đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và tôn trọng. Trong đó, yếu tố con người phải được đề cao và coi trọng.

Sau nhiều biến cố, có lẽ giới chức châu Âu đã hiểu rằng bài toán tồn tại - phát triển chỉ có thể thực hiện được nếu có sự đồng thuận, niềm tin và đoàn kết trong khối. Như Giáo hoàng Francis đã nói trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Rome ngày 25/3, EU cần quay lại với các giá trị nền tảng và cơ bản của mình, như thúc đẩy các giá trị con người, đoàn kết, theo đuổi hòa bình cũng như sự cởi mở đối với tương lai và thế giới.


N.Minh
Ý kiến của bạn