Tại Hội nghị có tên “Đối thoại Tứ giác an ninh” này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ thảo luận hàng loạt các vấn đề quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như đại dịch COVID-19, kế hoạch phân phối vắc xin COVID-19, hợp tác kinh tế, an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu...
Sự kiện quốc tế đa phương đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, Hội nghị Thượng đỉnh trên là sự kiện quốc tế đa phương đầu tiên mà Tổng thống Joe Biden tham dự kể từ khi nhậm chức. Theo giới phân tích, việc tân Tổng thống Mỹ lựa chọn tham gia hội nghị này kể từ khi lên nắm quyền cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt chú trọng tới quan hệ với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, QUAD đóng vai trò trung tâm trong khu vực. “Bộ tứ này là một điển hình về việc Mỹ và một số đối tác gần gũi nhất cùng phối hợp vì sự tốt đẹp của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, chúng tôi vun đắp bằng cách làm sâu sắc thêm việc hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống, trong khi phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhằm đương đầu với các thách thức” - ông Price phát biểu.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ngày 10/3, nêu rõ: “Tại Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên lần thứ nhất, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về những lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm”.
Bộ Tứ QUAD họp lần đầu dưới thời Tổng thống Mỹ Biden.
Đối phó “chiến lược ngoại giao vắc xin” của Trung Quốc
Một trong những chủ đề trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh trên là “đảm bảo vắc xin an toàn, bình đẳng và giá cả phải chăng” cho cuộc chiến chống COVID-19 ở châu Á.
Được biết, Ấn Độ đã hối thúc Mỹ, Nhật Bản và Australia đầu tư vào năng lực sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 của mình để chống lại cái gọi là “chiến lược ngoại giao vắc xin COVID-19” của Trung Quốc. Ấn Độ kỳ vọng các thành viên của QUAD sẽ chi trả để đẩy mạnh việc sản xuất” - một số quan chức Ấn Độ cho hay. Các hãng dược của Ấn Độ có tổng năng lực sản xuất 1 tỷ liều vắc xin của chính họ hoặc hợp tác với các hãng khác.
Trong khi đó, hiện Bắc Kinh đã cam kết cung cấp ít nhất 463 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 tự sản xuất cho nhiều nơi trên khắp thế giới, từ châu Á, châu Âu cho tới Mỹ Latinh, thông qua xuất khẩu và viện trợ. Theo thống kê của hãng tin AP (Mỹ), chương trình tiêm chủng bằng vắc xin COVID-19 của Trung Quốc đã được triển khai tại trên 25 quốc gia. Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc cho rằng quốc gia này đang thực hiện chính sách ngoại giao vắc xin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết Trung Quốc chỉ coi vắc xin là một loại hàng hóa công cộng toàn cầu và muốn giúp các quốc gia khác.
Khi được hỏi về thông tin trên, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington tập trung vào việc mở rộng tiêm chủng toàn cầu, sản xuất và phân phối vắc xin. Còn một nguồn tin thuộc Chính phủ Australia cho hay quốc gia này, cùng với các thành viên còn lại của Bộ tứ, xem việc hồi phục toàn cầu sau đại dịch là một ưu tiên chính sách. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tuyên bố QUAD sẽ thảo luận về “sự cần thiết và tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu để đảm bảo các nước đang phát triển được tiếp cận nguồn vắc xin một cách công bằng”.