Hà Nội

Hội nghị SOMHD lần thứ 10 và các hội nghị liên quan tại Việt Nam: Tập trung bàn thảo chương trình Phát triển y tế của ASEAN sau 2015

11-09-2015 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Từ ngày 14-17/9, Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế của ASEAN (SOMHD) 10 và các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức tại Đà Lạt - Lâm Đồng.

Từ ngày 14-17/9, Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế của ASEAN (SOMHD) 10 và các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Ngành y tế Việt Nam giữ vai trò là nước chủ nhà - chủ trì tất cả các phiên họp của các hội nghị quan trọng này. Vậy, ngành y tế Việt Nam đã làm gì để chuẩn bị cho các hội nghị này? Các hội nghị này được tổ chức để bàn thảo các vấn đề gì liên quan đến sức khỏe của người dân trong khu vực ASEAN... Đây là những vấn đề đã được chúng tôi đặt ra khi trao đổi với TS. Trần Thị Giáng Hương - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Y tế.

TS. Trần Thị Giáng Hương.

PV: Bà có thể cho biết thông tin cụ thể về Hội nghị SOMHD lần thứ 10 và các hội nghị liên quan?

TS. Trần Thị Giáng Hương: Hội nghị SOMHD và các hội nghị liên quan được tổ chức hàng năm theo cơ chế luân phiên tại các quốc gia thành viên ASEAN. Mục đích của hội nghị nhằm rà soát việc thực hiện các hoạt động, các nhiệm vụ phát sinh từ sau Hội nghị SOMHD từ năm trước và sau Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN; những nhiệm vụ, hoạt động được các Bộ trưởng Y tế ASEAN giao cho các quan chức cao cấp về Phát triển y tế của ASEAN giúp việc cho Bộ trưởng thực hiện các hoạt động, các thỏa thuận, các tuyên bố chung đã được cam kết tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN.

Hội nghị SOMHD cũng là diễn đàn để các quan chức cao cấp về phát triển y tế chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN sẽ được tổ chức sau đó theo cơ chế luân phiên và được tổ chức 2 năm 1 lần.

Theo cơ chế luân phiên, năm 2015, Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị SOMHD lần thứ 10 và các hội nghị liên quan gồm Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế của ASEAN 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) lần thứ 5 và Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế của ASEAN Trung Quốc lần thứ 5.

Phiên họp bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN  tại Việt Nam. Ảnh: TM

PV: Vậy bà cho biết những nội dung quan trọng nào sẽ được bàn thảo tại các hội nghị này?

TS. Trần Thị Giáng Hương: Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, có mục tiêu xây dựng một trong cộng đồng các dân tộc ASEAN đoàn kết, đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực. Do đó, một trong những vấn đề các nước ASEAN quan tâm và đặt ra để thảo luận tại Hội nghị SOMHD lần thứ 10 tổ chức tại Việt Nam là Chương trình Phát triển y tế của ASEAN sau năm 2015 (giai đoạn 2015 - 2020) với 18 lĩnh vực y tế ưu tiên được chia làm 4 nhóm chính.

Nhóm 1: Tăng cường lối sống lành mạnh với mục tiêu đến năm 2020 là Cộng đồng ASEAN có được sức khỏe tốt nhất thông qua tăng cường lối sống lành mạnh và đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả người dân ở mọi lứa tuổi; Nhóm 2: Ứng phó với mọi nguy cơ và mối đe dọa bệnh dịch với mục tiêu đến năm 2020 là tăng cường hệ thống y tế bền vững để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và truyền nhiễm mới nổi, các bệnh bị lãng quên và các bệnh nhiệt đới; Ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe môi trường, thảm họa và đảm bảo chuẩn bị ứng phó hiệu quả về quản lý y tế trong thảm họa ở khu vực; Nhóm 3: Tăng cường hệ thống y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe với mục tiêu đến năm 2020 Cộng đồng ASEAN sẽ được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, an toàn với chất lượng thuốc tốt bao gồm thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm thay thế; Đạt được và duy trì bền vững các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế; Nhóm 4: Đảm bảo an toàn thực phẩm với mục tiêu đến năm 2020 tăng cường tiếp cận với thực phẩm an toàn, nước uống an toàn và vệ sinh.

Hội nghị SOMHD lần thứ 10 cũng sẽ thảo luận và thông qua Cơ chế quản lý và làm việc của Chương trình Phát triển y tế sau năm 2015.

Bên cạnh các nội dung chính của Hội nghị SOMHD, Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế của ASEAN 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) lần thứ 5 và Hội nghị SOMHD của ASEAN Trung Quốc lần thứ 5 cũng bàn thảo nhiều nội dung nghị sự liên quan đến việc rà soát các hoạt động trước đó và các ưu tiên trong hợp tác y tế giữa ASEAN với các nước đối tác ngoài khu vực...; Cập nhật Chương trình Phát triển y tế của ASEAN sau năm 2015; Cập nhật về y học thảm họa trong ưu tiên y tế trong quản lý y tế trong thảm họa; Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 13 và các hội nghị liên quan tại Brunei Dausalam vào năm 2016.

PV: Liên tiếp trong thời gian gần đây, Việt Nam trở thành nước chủ nhà của các diễn đàn lớn về y tế của các nước ASEAN. Công tác ngoại giao y tế đã góp phần như thế nào vào việc nâng cao vị thế và uy tín của ngành y tế Việt Nam, thưa bà?

TS. Trần Thị Giáng Hương: Từ thực tế của các hội nghị lớn về y tế của cộng đồng ASEAN đã diễn ra, với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm cũng như các đề xuất cụ thể , thiết thực liên quan đến chương trình hành động về y tế của các nước ASEAN. Kinh nghiệm thành công từ các hội nghị này, điển hình là Hội Nghị Bộ trưởng các nước ASEAN lần thứ 12 tại Hà Nội, sẽ giúp cho Việt Nam trong vai trò là chủ nhà của Hội nghị SOMHD 10 cũng như các Hội nghị liên quan có được tiếng nói đồng thuận để hướng đến một Chương trình Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015 với các nội dung hợp tác toàn diện và phù hợp với ưu tiên của các quốc gia thành viên.

Việc đăng cai tổ chức các diễn đàn lớn về y tế trong khu vực và trên thế giới như Hội nghị lần thứ 63 của WHO khu vực Tây Thái bình dương vào năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN vào năm 2014  và Hội nghị các quan chức cao cấp về phát triển y tế của ASEAN vào năm nay là cơ hội để nước chủ nhà Việt Nam nâng cao được vị thế, uy tín trong khu vực và khẳng định được vai trò trong các diễn đàn y tế toàn cầu. Sự kiện này cũng giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các quốc gia ASEAN, cùng nỗ lực xây dựng một cộng đồng ASEAN vì con người, lấy con người làm trung tâm. Qua đây cũng chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy được một hình ảnh Việt Nam năng động, phát triển và ngành y tế Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện, có được vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Thái Bình (thực hiện)


Ý kiến của bạn