Tối 10/4 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc tại thành phố Lucca, tỉnh Lucca, miền Trung Italia. Cuộc khủng hoảng Syria vẫn tiếp tục trở thành tâm điểm thảo luận của nhóm G7.
Hội nghị ngoại trưởng lần này nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức ở Sicily, Italia, từ ngày 26-27/5 tới. Phát biểu trước thềm sự kiện, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố G7 sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga về lập trường đối với cuộc khủng hoảng tại Syria sau vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học hôm 6/4.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 với nhiều thách thức trong vấn đề Syria.
Cuộc khủng hoảng Syria là một trong những trọng tâm của hội nghị. Italia đã mời Ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Jordani và Quatar cùng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 để thảo luận vấn đề Syria. Ngày 11/4, phiên họp đặc biệt về Syria đã khai mạc trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng G7, thảo luận về phản ứng của nhóm này đối với vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học hồi tuần trước ở Syria. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, bây giờ chính là lúc bàn về việc cộng đồng quốc tế cùng với Nga, Iran, Arab Saudi, châu Âu cùng với Mỹ sẽ hướng tới tiến trình hòa bình cho Syria như thế nào và làm thế nào để tránh xung đột quân sự. “Tôi nghĩ chúng ta cần thể hiện quan điểm thống nhất và trong các cuộc đàm phán chúng ta cần nỗ lực để Nga có thể tác động tới chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad”.
Phiên họp đặc biệt này có sự tham dự của Bộ trưởng ngoại giao Italia, Pháp, Đức, Anh và Mỹ cùng Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU bà Mogherini. Nội dung cụ thể của cuộc họp chưa được tiết lộ, song theo Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano phiên họp đặc biệt này nhằm thảo luận làm sao tránh một “sự leo thang quân sự nguy hiểm”. Tuy nhiên, giới phân tích không mấy lạc quan về kết quả phiên họp đặc biệt trên do còn quá nhiều khác biệt về quan điểm.
Theo các nguồn tin báo chí, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson không giấu giếm G7 đang tính đến việc áp đặt những lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân ở Nga do sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hiện chưa có thông tin về thái độ chính thức của Ngoại trưởng các nước tham gia Hội nghị G7 tại Italia. Tuy nhiên, sự phản đối của dư luận đối với sự can thiệp của G7 vào Syria đã biến thành các cuộc biểu tình rầm rộ.
Sau vụ tấn công của Mỹ nhằm vào căn cứ quân sự Syria hôm 7/4, phía Mỹ dường như đang nghiên cứu sẽ tiếp tục tấn công Syria nếu như “các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học” sẽ vẫn còn tiếp diễn. Châu Âu tỏ thái độ ủng hộ Mỹ, đồng thời khẳng định cần gửi một thông điệp dứt khoát đến Nga “Nước Nga cần lựa chọn, một là hậu thuận cho chính quyền của ông Assad-hai là đầu độc chính “uy tín” của nước Nga”, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói.
Tuy nhiên, sức ép từ Mỹ và châu Âu không khiến Nga e ngại. Trong bối cảnh Hội đồng bảo an LHQ vẫn chưa đưa ra được một kết luận rõ ràng về vụ việc ai là kẻ đứng đằng sau vụ tấn công vũ khí hóa học vào dân thường hôm 5/4; hành động của Mỹ tấn công Syria có vi phạm các nguyên tắc của LHQ hay không thì chưa ai có thể nói trước được gì. Ở thời điểm này, Nga - Mỹ có đối đầu quân sự trên mặt trận Syria hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ. Tuy vậy, gần như khả năng đối đầu này sẽ không thể xảy ra nếu như các bên còn ràng buộc nhau về lợi ích.
Với hàng tít lớn “Căng thẳng Syria thống trị Hội nghị Ngoại trưởng G7”, tờ USA Today bình luận rằng, sau những gì xảy ra tại Syria, tình hình quốc gia này đang “nóng như chảo lửa”. Ngay trong thời diểm diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng G7, Express.co.uk thông tin cảnh sát Italia phá vỡ một quả bom đặt gần khác sạn tổ chức hội nghị. Điều này cho thấy những xung đột về Syria khó có thể được tháo gỡ ngay tại Hội nghị Ngoại trưởng G7.