Ngoại trưởng nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ thảo luận biện pháp chống nghèo đói ở châu Phi, đẩy mạnh các thể chế Chính phủ và phát huy tốt hơn tiềm năng của nhiều nước châu Phi. Đó là nội dung được thảo luận trong 2 ngày 16-17/2 Hội nghị G20 diễn ra ở Bonn, Đức. Điều dư luận trông đợi, tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ mang tới điều gì?
Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tháng 9/2016 ở Trung Quốc, thế giới chứng kiến nhiều biến đổi khôn lường. Trong đó, nền kinh tế thế giới đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm chạp, thương mại và đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử với chủ trương phản đối quá trình toàn cầu hóa; xem xét lại các hiệp định thương mại tự do đa phương đã “phủ bóng đen” lên hệ thống kinh tế - tài chính thế giới.
Cùng với đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là đã tạo thêm những thách thức mới cho hệ thống thương mại toàn cầu. Trong khi đó, các cuộc bầu cử Tổng thống tại châu Âu với xu hướng chủ nghĩa dân túy lên ngôi; việc nước Anh lựa chọn một kịch bản “Brexit cứng”, rời khỏi khu vực tự do thương mại của Liên minh châu Âu (EU) và giảm quan hệ xuống chỉ còn ở mức các thỏa thuận thương mại đơn thuần, được dự báo sẽ gây thiệt hại đáng kể cho cả nước Anh lẫn EU, hai thành viên chủ chốt của G20.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson xuống sân bay Đức chuẩn bị dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại thành phố Bonn.
Trong một thống kê mới, dự báo kinh tế thế giới năm 2017 được nhận định là tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Nợ công tăng cao ở một số quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ, bất ổn chính trị hay các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi kéo dài khiến hàng triệu người phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất tại châu Âu. Đây là những lý do khiến các chuyên gia đánh giá kinh tế thế giới năm 2017 chỉ ước đạt tăng trưởng 3,4% năm nay. Tình trạng trên buộc Đức, nước chủ nhà của G20 phải lựa chọn một chủ đề ở quy mô lớn. Đó là “Định hình một thế giới kết nối”, trong đó ưu tiên 3 trọng tâm gồm: tạo dựng nền tảng tự cường, tăng cường tính bền vững và tăng cường tính trách nhiệm. Theo đó, G20 sẽ ưu tiên thúc đẩy các mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội.
Vai trò của Mỹ tại G20
Với mong muốn cải thiện điều kiện sống của người dân châu Phi và ngăn chặn dòng người tị nạn tới châu Âu vì lý do kinh tế, Đức đã đặt vấn đề hợp tác với châu Phi làm trọng tâm trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch luân phiên nhóm G20. Liên minh châu Âu cũng đang áp dụng các bước đi nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi.
“Điều quan trọng là các nước G20 (khối các nước chiếm 80% GDP toàn cầu) cần tập trung bàn cách ngăn chặn nguyên nhân gốc rễ của các cuộc xung đột và ngăn chặn sớm các cuộc khủng hoảng trước khi nó trở nên khó kiểm soát” - tân Ngoại trưởng Đức Gabriel nói. Tuy nhiên, người ta trông đợi những tuyên bố của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại hội nghị lần này. Là một trong những CEO và nhà quản lý kinh tế hàng đầu thế giới, song ông Rex Tillerson vẫn chưa thể hiện lập trường rõ ràng trong việc giải quyết các chính sách đối ngoại mà Mỹ đang gặp phải. Khi nhậm chức, ông Rex Tillerson mới chỉ đưa ra những tuyên bố về một số vấn đề, tuy nhiên Washington vẫn chưa đưa ra một lập trường chính thức của mình trong các vấn đề toàn cầu. Giới phân tích kỳ vọng những phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ sẽ hé lộ những lập trường rõ ràng hơn của Washington. “Tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp đồng cấp với Ngoại trưởng Nga Lavrov. Người ta trông đợi rất nhiều vào cuộc gặp này” - một nhà phân tích giấu tên được hãng tin BBC dẫn lời cho biết.