Hôm qua (16/2), hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đã thảo luận vấn đề biển, trong đó nhấn mạnh tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông. Tại phiên làm việc này, Tổng thống Obama đưa ra thông điệp rằng mọi tranh chấp cần phải được xử lý một cách hòa bình, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Trước đó, trong phiên khai mạc hội nghị hôm 15/2, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh "Mỹ và ASEAN có thể xây dựng một tầm nhìn chung về trật tự khu vực. Theo đó, các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, như tự do đi lại trên biển được ủng hộ, và trong đó các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình", ông Obama nhấn mạnh.
Tuy không nói thẳng nhưng Tổng thống Obama đã nhắc tới vấn đề an ninh hàng hải với những căng thẳng trên Biển Đông, khu vực Trung quốc và một số quốc gia ASEAN đang có tranh chấp về chủ quyền.
Tổng thống Obama tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đầu tiên.
An ninh hàng hải cũng là vấn đề được giới chức Nhà Trắng ưu tiên nhắc tới nhiều bên lề hội nghị, coi đó là một trong những yếu tố cốt lõi thúc đẩy liên kết Mỹ-ASEAN. Phát biểu trong cuộc họp báo trước thềm phiên họp, Cố vấn cao cấp Hội đồng an ninh quốc gia phụ trách các vấn đề châu Á Daniel Kritenbrink cho biết “Thượng đỉnh lần này nhằm chứng minh cam kết xuyên suốt của chúng tôi đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ASEAN và xây dựng động lực cho quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN mới được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái tại Malaysia”.
Tờ The Australian cho rằng Tổng thống Obama sẽ nhân hội nghị này cùng với ASEAN thúc đẩy lợi ích song phương trên các lĩnh vực an ninh, thương mại, tranh thủ tăng cường các mối liên hệ lẫn nhau giữa các quốc gia láng giềng của Trung quốc.
Hãng tin AFP cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đầu tiên là cơ hội và diễn đàn uy tín để Washington khuyếch trương chính sách sách “Xoay trục sang châu Á” và nêu bật tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trước khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở vào tháng 1/2017. AFP cũng cho rằng mục tiêu quan trọng đặt ra tại hội nghị là nhằm xây dựng một mặt trận Mỹ-ASEAN nhằm đối phó với Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Hội nghị hướng tới sự đồng thuận ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện Philipines -Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên ông Obama đón tiếp tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN trên đất Mỹ. Điều đó cho thấy một thông điệp rõ ràng của Washington “làm bạn với ASEAN và đứng về phía các lợi ích của ASEAN”.
Trang VOA thông tin về bản dự thảo Tuyên bố chung tại hội nghị nhấn mạnh sự ủng hộ phương thức tiếp cận đa phương để giải quyết tranh chấp trên biển. Bản dự thảo Tuyên bố chung cũng đề cập trực tiếp đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Văn bản quan trọng trên cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải nêu trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển cũng như cam kết phi quân sự hóa.
VOA dẫn lời ông John Ciorciari, một giáo sư về chính sách công tại Đại học Michigan, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện và hợp tác với ASEAN qua hội nghị thượng đỉnh Sunnylands, được ví như một đòn bẩy, thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN trong vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải. “Khi làm chủ tịch ASEAN vào năm 2012, Campuchia đã bỏ qua nhiều lợi ích của ASEAN. ” Theo ông John Ciorciari, ASEAN rất cần một sự đồng thuận chung trong các vấn đề an ninh hàng hải.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ bà Susan Rice khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác ASEAN và nêu bật sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp trên biển thông qua những biện pháp hòa bình và hợp pháp./.