Với nhiều báo cáo từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu ung thư của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, đây là cơ hội để các bác sĩ, các nhà khoa học Việt Nam chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với chuyên gia quốc tế nâng cao chất lượng điều trị và phòng ngừa ung thư. Bên lề hội nghị, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, GS.TS. Mai Hồng Bàng - Giám đốc BVTWQĐ 108 xung quanh vấn đề này.
GS.TS. Mai Hồng Bàng.
PV: Thưa ông, BVTWQĐ 108 và Hoa Kỳ đã phối hợp như thế nào để có hội nghị này?
GS.TS. Mai Hồng Bàng: Xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay bệnh ung thư trên toàn thế giới, đặc biệt là Việt Nam gia tăng rất mạnh, gây ra một gánh nặng rất lớn cho ngành y tế. BVTWQĐ 108 là một trung tâm y tế hàng đầu tiên phong trong nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư nói chung. Qua các kỳ hội thảo quốc tế thì các đồng nghiệp Hoa Kỳ cũng biết đến các nghiên cứu về ung thư của chúng tôi. Và chúng tôi cũng biết các đồng nghiệp Hoa Kỳ có các trung tâm lớn đã đầu tư rất nhiều cho việc nghiên cứu về dịch tễ, phát hiện sớm và ứng dụng tiến bộ trong điều trị ung thư. Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là nước tiên phong trong vấn đề chẩn đoán và điều trị ung thư. Nhờ một số bạn Việt kiều sinh sống tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã kết nối được với nhau và lần đầu tiên tổ chức được Hội nghị ung thư Việt Nam - Hoa kỳ.
Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học uy tín của Trung tâm ung thư MD Anderson, Đại học Nam California, Bệnh viện K, Bệnh viện TWQĐ 108 và nhiều bệnh viện, trung tâm y khoa lớn của Việt Nam và Hoa Kỳ. Tại hội nghị lần này có hơn 20 báo cáo khoa học của 20 giáo sư ở các trung tâm y học lớn, chuyên nghiên cứu về ung thư từ phía Hoa Kỳ. Việt Nam cũng có gần 20 báo cáo đến từ chuyên gia ở các bệnh viện Trung ương ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh…
PV: Trong hội nghị này Việt Nam đã mang đến báo cáo khoa học nào ấn tượng nhất?
GS.TS. Mai Hồng Bàng: Như trên đã nói, chúng ta có gần 20 báo cáo, trong đó, báo cáo tổng quan về tình hình mắc bệnh ung thư nói chung và những biện pháp điều trị ung thư hiện nay của PGS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cập nhật những thông tin mới về chẩn đoán, điều trị ung thư nói chung ở Việt Nam. Còn ở Bệnh viện 108, chúng tôi có báo cáo trong chẩn đoán và điều trị cũng như dự phòng ung thư gan ở Việt Nam. Các báo cáo này đã được phía bạn đánh giá rất cao. Ngoài ra còn một số báo cáo chuyên sâu về ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng… được chuẩn bị rất công phu và có đóng góp tốt cho sự thành công của hội nghị.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những tiến bộ nổi bật trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại BV 108 nói riêng và Việt Nam nói chung?
GS.TS. Mai Hồng Bàng: Nói về những tiến bộ nổi bật tại Việt Nam hiện nay trong điều trị ung thư thì chúng ta đã ứng dụng khá thành công và tiên phong trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong nghiên cứu để phát hiện sớm và điều trị các bệnh ung thư. Trong đó, riêng về ung thư gan có lẽ là một trong những điểm nổi bật nhất hiện nay vì đây là căn bệnh phổ biến nhất ở nước ta. Các bệnh viện lớn trong nước đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến… Tuy nhiên, có thể nói, về điều trị ung gan thì tại Bệnh viện 108 là một trong những cơ sở hàng đầu tiên phong ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực chẩn đoán, đặc biệt là các kỹ thuật can thiệp từ phẫu thuật cho đến can thiệp qua da, can thiệp mạch và điều trị đa mô thức trong điều trị ung thư gan… Có thể nói, Bệnh viện 108 là địa chỉ rất tin cậy có khả năng điều trị thành công bệnh này ở Việt Nam. Vừa rồi, chúng tôi được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan”.
PV: Kỳ vọng sau hội nghị này là gì, thưa ông?
GS.TS. Mai Hồng Bàng: Các bạn Hoa Kỳ đã đánh giá cao về trình độ chuyên môn, đặc biệt là về khả năng nghiên cứu về ung thư của Việt Nam nói chung và Bệnh viện 108 nói riêng. Sau hội nghị này, chúng tôi và phía Hoa Kỳ sẽ bắt đầu một chương trình hợp tác chung nghiên cứu về từng lĩnh vực và chuyên ngành ung thư khác nhau, trong đó có hợp tác về nghiên cứu, đào tạo và điều trị bệnh nhân. Đồng thời, chúng tôi cũng bàn kế hoạch tổ chức thường niên các hội nghị ung thư để cập nhật chia sẻ các kiến thức tiên tiến cho bác sĩ.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!