Hà Nội

Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2023

11-03-2023 17:00 | Y tế
google news

Tại Thái Bình, 2 ngày cuối tuần vừa qua (3/3 và 4/3), Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2023 đã chính thức diễn ra. Đây là diễn đàn khoa học tầm cỡ, quy tụ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tai mũi họng với hơn 90 bài báo cáo chất lượng.

Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2023 do Liên chi hội Tai Mũi Họng TP.HCM và các tỉnh phía Nam phối hợp với Hội Tai Mũi Họng Thái Bình tổ chức với chủ đề "Cập nhật chẩn đoán - điều trị tai mũi họng - thính học và phẫu thuật đầu cổ 2023" với hơn 90 bài báo cáo, thu hút gần 1.000 người tham dự, 30 gian hàng triển lãm.

Trong đó, gian hàng của DHG Pharma - nhà tài trợ bạc cho hội nghị với các sản phẩm kháng sinh điều trị hiệu quả, giá cả phù hợp được nhiều bác sĩ quan tâm. Trong dịp này, DHG Pharma cũng kết nối 100 bác sĩ tham dự hội nghị, bởi đây là cơ hội tốt nhất giúp các chuyên gia cập nhật kiến thức chuyên ngành, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau.

Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2023 - Ảnh 1.

Chương trình hội nghị thu hút người tham dự từ Nam ra Bắc

Hội nghị chỉ diễn ra 2 ngày nhưng đón nhận sự quan tâm của đông đảo nhân viên y tế trên khắp cả nước. Trong đó, chương trình tiền hội nghị triển khai vào ngày 3/3, với 2 workshop thính học, mũi xoang và 1 hội thảo vệ tinh mang đến nhiều nội dung hấp dẫn.

Về hội nghị chính, mặc dù chỉ diễn ra trong 1 ngày 4/3 nhưng đã tổ chức, xây dựng chương trình với tổng số bài báo cáo "khủng", cập nhật nội dung phong phú, thực hiện xuyên suốt trên 12 phiên, trong 5 chuyên đề chính bao gồm: Mũi - Xoang; Tai - Thính học, Họng thanh quản - Tai mũi họng nhi; Phẫu thuật đầu cổ; Điều dưỡng tai mũi họng.

Trong hội nghị còn có sự tham dự của Liên chi hội Thính học, Liên chi hội Phẫu thuật Đầu cổ, Liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi, Liên chi hội Mũi Xoang. Bên cạnh hội thảo khoa học, chương trình còn thực hiện chương trình hoạt động thiện nguyện - khám bệnh cho 250 người dân tại Thái Bình.

Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2023 - Ảnh 2.

Viêm mũi xoang - căn bệnh ảnh hưởng đến 35 triệu người trên thế giới

Chuyên đề Mũi - Xoang nhận được sự quan tâm của đông đảo học viên tham dự.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang, trong đó nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, vi nấm) là hay gặp nhất. Trong đó, vi khuẩn gây bệnh viêm xoang gặp chủ yếu là một trong các loại: Hemophillus, influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), E.coli, cầu khuẩn (tụ cầu và liên cầu), Klebsiella

Về điều trị viêm mũi xoang, trong nội khoa gồm có trị toàn thân (kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, giảm đau, thuốc loãng đờm), điều trị tại chỗ (thuốc xịt kháng viêm tại chỗ, thuốc co mạch, dung dịch rửa mũi, khí dung). Trong đó, Amoxicillin/ Acid clavulanic là chỉ định đầu tay trong điều trị viêm mũi xoang do vi khuẩn.

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở trẻ em

Chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai mũi họng nhi dựa vào phối hợp chặt chẽ với các ngành khác để điều trị phối hợp phức tạp và các bệnh lý di truyền, bao gồm tiếp cận và chăm sóc đặt biệt, gây mê và các chuyên khoa khác như nhi, truyền nhiễm, huyết học.

Đối với viêm mũi xoang cấp không biến chứng từ mức độ trung bình đến nhẹ, các guideline hướng dẫn khuyến nghị điều trị khởi đầu bằng Amoxicillin (45mg/kg/ngày chia 2 lần). Phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nhân dị ứng penicilln bao gồm Cefdinir, Cefuriox-ime axetil, Cefpodoxime hoặc Cefixime. Ở trẻ lớn hơn, Levofloxacin là một loại kháng sinh thay thế.

Đối với trẻ có yếu tố nguy cơ (điều trị kháng sinh trong trước 1-3 tháng, đi nhà trẻ hoặc dưới 2 tuổi) cho sự hiện diện của các loài vi khuẩn kháng thuốc và đối với những trẻ không đáp ứng với điều trị ban đầu bằng Amoxicillin trong 72 giờ, hoặc đối với viêm xoang nặng, điều trị bằng Amoxicillin-clavu-lanate liều cao (80-90mg/kg ngày) nên được bắt đầu. Đối với viêm mũi xoang mạn tính, các liệu pháp được chấp nhận bao gồm tưới rửa nước muối mũi xoang, kháng sinh nhỏ, xịt mũi steroid và steroid toàn thân.

Trong điều trị viêm tai giữa cấp, chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có mủ (mủ trong ống tai ngoài, hoặc trong tai giữa, sốt cao, công thức bạch cầu có nhiễm trùng). Kháng sinh lựa chọn đầu tay là Amoxicillin 80mg/kg/ngày chia 2 lần trong 5-10 ngày; Amoxicillin-clavulate 90mg/kg/ngày chia 2 lần trong 5-10 ngày. Khi có dị ứng Amoxicillin, thay thế bằng Azithromycin 30mg/kg/ 1 liều (tối đa 1.500mg) trong ngày, kéo dài 3 ngày.

Phẫu thuật đầu cổ và những điểm thú vị

Hàng loạt báo cáo hấp dẫn khác về Phẫu thuật đầu cổ cũng được ghi nhận tại chương trình hội nghị dựa trên các nghiên cứu, chứng cứ khoa học.

Khi phẫu thuật tạo hình các khuyết hổng vùng mặt, phẫu thuật viên cần phải biết rõ về giải phẫu học, hình dạng và chức năng của vùng này. Trong quá trình tạo vạt, phẫu thuật viên phải chú ý tác động của mô và cấu trúc bên cạnh. Một số vạt tại chỗ thường được sử dụng trên lâm sàng gồm vạt trượt kiểu V-Y, vạt trán, vạt 2 hủy, vạt mũi môi, vạt xoay...

Hội thảo cũng chỉ ra rằng điều trị dính mép trước thanh quản bằng phẫu thuật tách dính kết hợp đặt keel thanh quản là một phương pháp khả thi, an toàn với tỷ lệ biến chứng tương đối thấp.

Phương pháp tiêm botulinum toxin A vào cơ giáp phễu qua nội soi là một phương pháp điều trị an toàn, đạt hiệu quả cao trong việc phục hồi giọng nói của bệnh nhân bị rối loạn phát âm co thắt thể khép. Vì vậy, chuyên gia cũng đề xuất phương pháp cần được triển khai, áp dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng tại Việt Nam.

Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2023 - Ảnh 3.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung (thứ 6 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng ban chấp hành mới của Liên chi hội Tai mũi họng TPHCM và các tỉnh phía Nam cùng các báo cáo viên

Khép lại hội nghị, phần đông người tham dự đều có chung nhận định, đây là hội nghị rất đáng chú ý, bởi vì được hưởng những kiến thức cập nhật trên thế giới, đồng thời được trao đổi - tiếp xúc với các thầy cô giàu kiến thức và giàu cả kinh nghiệm thực hành lâm sàng, có thể ứng dụng thực tiễn trong công tác chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.



Phương Nguyên
Ý kiến của bạn