Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung - tâm điểm Hội nghị G20
Tại Hội nghị quy tụ 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng nhau thảo luận về các vấn đề thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu và cải cách Tổ chức thương mại thế giới. Trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ trở thành tâm điểm của hội nghị, bởi cuộc chiến thương mại này đã và đang tác động không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị G20 giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn thu hút dư luận hơn cả hội nghị chính thức. Bởi lẽ đây là cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến về thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tăng mức thuế suất 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào ngày 1/1/2019 tới, điều này đồng nghĩa với một “cú đánh mạnh” vào nền kinh tế của Trung Quốc và sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), người ta coi là một bước thử để cải thiện quan hệ Mỹ Trung, tuy nhiên việc Mỹ chỉ cử lãnh đạo cấp phó của mình đến dự, cũng như lần đầu tiên trong 20 năm APEC không ra được tuyên bố chung… cho thấy việc hóa giải xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc tại G20 chắc chắn không phải là con đường dễ dàng, bằng phẳng. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khó có thỏa thuận nào thực chất hoặc có tính đột phá có thể xoay chuyển được cục diện chiến tranh thương mại hiện nay. Có chăng sẽ chỉ có một thỏa thuận nguyên tắc, mở đường cho các cuộc đàm phán ở các cấp thấp hơn.
Trước thềm hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen cho biết, nước này không muốn nhìn thấy hội nghị G20 thất bại như APEC. Tuy nhiên, những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc là ề vấn đề giảm giá đồng Nhân dân tệ hay việc Trung Quốc mang tới hội nghị quan điểm phải đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, hoàn toàn “ đi ngược” với những gì mà Chính quyền của Tổng thống D.Trump đang theo đuổi, có thể hình dung ra kết cục của hội nghị này. Ngay cả vấn đề cải cách đối với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cả Trung Quốc và Mỹ cũng chưa tìm được tiếng nói chung thì khả năng có một tuyên bố chung của G20 là khó xảy ra.
Những căng thẳng ngoại giao phủ bóng Hội nghị G20
Hội nghị G20 là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ, chia sẻ về các vấn đề kinh tế, và chính trị cùng quan tâm. Bên cạnh các vấn đề kinh tế , những căng thẳng ngoại giao giữa các nước đang phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh dẫn đến đe dọa hủy bỏ các cuộc gặp song phương.
Trước thềm hội nghị, Tổ chức theo dõi nhân quyền của Mỹ yêu cầu Argentina truy tố Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vì liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen đã gây ra nhiều cái chết cho thường dân, cũng như liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Có tin đồn cho rằng, Argentina sẽ bắt Thái tử Saudi Arabia khi ông này tới dự Hội nghị G20, tuy nhiên những tin này chưa được xác nhận.
Quan hệ Nga Mỹ vốn đã không êm đẹp kể từ sau những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nay cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ukraine và Nga làm Tổng thống Mỹ tuyên bố có thể sẽ hủy cuộc họp với Tổng thống Nga V.Putin ở G20. Nguyên nhân là do mới đây, Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine ở eo biển Kerch gần bán đảo Crimea trên Biển Đen. Sự việc đã đẩy lên tới nguy cơ xuất hiện một cuộc đối đầu trực diện giữa Ukraine và Nga, biến khu vực này trở thành một điểm nóng mới trên bản đồ thế giới.
Mặc dù dư luận mong các cuộc gặp song phương và đa phương tại G20 sẽ giảm những căng thẳng thương mại hiện nay, nhưng những gì xảy ra trước thềm hội nghị không mang đến một “ánh sáng hy vọng” nào. Ngay cả hội nghị bộ trưởng tài chính G20 cách đây ít ngày cũng kết thúc mà không có một tuyên bố chung nào về những vấn đề được đưa ra.